Hồi ký McNamara
Hồi ký McNamara

Kỳ 31: Thà nước Mỹ cứu rỗi linh hồn còn hơn gỡ thể diện ĐNÁ!

11/01/2015, 11:38

Chiều  2/11/1965, trong nhá nhem hoàng hôn nước Mỹ,  Norman R.Morrison có vợ và ba con vốn là viên chức của tổ chức “Stoney Run Fields Meeting” tại Baltimore, đã tự thiêu chỉ cách cửa sổ văn phòng tôi tại Ngũ Giác Đài chưa đầy 20m. Anh ta tự tẩm xăng rồi nổi lửa trong khi trên tay còn bế bé gái 1 tuổi, con mình. Những người qua đường hoảng hốt la lên: “Hãy cứu lấy đứa trẻ”...

KỲ 30: Westmoreland liên tục đòi tăng viện binh nhưng không đảm bảo mục tiêu
KỲ 29: Chiến tranh Nam Việt Nam:tốn khoảng 10 tỉ đô la cho tài khóa 1966

Do trong chính phủ có ý kiến chia rẽ về vấn đề mở rộngkhông kích, tôi xin Tổng thống cho phép một nhóm nghiên cứu đặc biệt về các tác động của các cuộc oanh kích nơi ý chí và khả năng tiếp tục chiến tranh của Hà Nội. Các kết luận của nhóm nghiên cứu mang tên Thompson này, được đệ trình ngày 11/10, lại rất gần gũi với các nhận xét và các luận cứ của Tổng thống và của tôi. Leo thang chiến tranh trên không sẽ làm phát động phản ứng quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc hoặc Liên Xô. Thả mìn phong tỏa Hải Phòng và các cảng khác có thể dẫn đến việc đánh chìm một vài tàu của Liên Xô và làm tăng thêm sự tùy thuộc của BV nơi việc chuyển vận trên bộ từ Trung Quốc, từ đó làm tăng thêm triệt để ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Mặt khác BV dường như ít muốn thương thuyết trong hoàn cảnh bị tấn công. Nhóm nghiên cứu Thompson khuyến cáo ngưng oanh kích trong một thời gian dài để thăm dò xem Hà Nội có quan tâm đến đàm phán hay không. Chiến tranh ngày càng mang vóc dáng và những dư vị cay đắng lẫn ngọt ngào cho công việc của người Mỹ, với một vài chỉ trích bộc phát tuy rằng các cuộc thăm dò dư luận vẫn tiếp tục cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng cho chính sách của Tổng thống Johnson. Tại Quốc hội, có thể đếm được khoảng 10 nghị sĩ và 70 dân biểu nặng nề chỉ trích cuộc chiến – bao gồm những khuôn mặt đầy ảnh hưởng như William Fulbright, Mike Mansfiels và Wayne Morse – tuy nhiên, nói chung thì Lập pháp vẫn còn ủng hộ Hành pháp. Ngoại trừ một vài nhà bình luận nổi tiếng, giới báo chí cũng vẫn còn tiếp tục hậu thuẫn Tổng thống.

Sự phản kháng chiến tranh vẫn chỉ lác đác và có giới hạn vào thời điểm đó cũng như không thu hút mấy chú ý. Thế rồi đến một buổi chiều ngày 2/11/1965, trong ánh sáng nhá nhem của lúc hoàng hôn, một tín đồ trẻ của giáo phái Quaker tên Norman R.Morrison có vợ và ba con vốn là viên chức của tổ chức “Stoney Run Fields Meeting” tại Baltimore, đã tự thiêu chỉ cách cửa sổ văn phòng của tôi tại Ngũ Giác Đài chưa đầy 20m. Anh ta tự tẩm xăng rồi nổi lửa tự thiêu trong khi trên tay còn bế bé gái 1 tuổi, con của anh ta. Những người qua đường la hoảng lên: “Hãy cứu lấy đứa trẻ”. Anh ta ném cô bé ra khỏi vòng tay mình. Cháu bé sống sót không bị thương tật gì. Sau khi anh ta qua đời, vợ anh đưa ra tuyên bố như sau: “Norman Morrison đã hy sinh đời mình để biểu thị quan điểm về những tổn thất sinh mạng gây ra bởi cuộc chiến tranh Việt Nam. Chồng tôi chống lại sự dính líu quân sự sâu đậm của chính phủ vào trong cuộc chiến tranh này và cho rằng mọi công dân phải nói lên những quan điểm của mình về công việc của đất nước”. Cái chết của Morrison không chỉ là thảm kịch cho gia đình anh mà cho cả tôi và đất nước. Đó là một sự gào thét chống lại cảnh giết chóc bao nhiêu sinh linh người Việt và thanh niên Mỹ. Tôi phản ứng trước sự kiện kinh hoàng này bằng cách cố chế ngự cảm xúc của tôi và tránh né nói về vụ đó với bất cứ ai, kể cả với gia đình tôi. Tôi biết rõ rằng vợ con tôi cũng cùng chia sẻ những cảm xúc về chiến tranh như Morrison, như vợ con của nhiều vị đồng liêu của tôi trong chính phủ. Lúc đó tôi tin là tôi thông cảm và chia sẻ một vài suy nghĩ của Morrison. Lẽ ra vợ chồng con cái chúng tôi đã nên cùng nhau tâm sự về vấn đề này, thế mà trong những giờ phút đó tôi lại quay đi tự khép kín lòng mình – một sai lầm nghiêm trọng. Vụ đó khiến gia đình tôi càng lúc càng căng thẳng khi những chống đối và chỉ trích chiến tranh càng tăng.

3 tuần sau, ngày 27/11, khoảng từ 20.000 đến 35.000 người chống chiến tranh tuần hành trước tòa Bạch Ốc. Cuộc tuần hành này, do “Ủy ban Vì một Chính sách Hạt nhân Sạch sẽ” (SANE) chủ trì tổ chức và dẫn đầu bởi Sanford Gottlieb, một trong những thủ lãnh chống chiến tranh tích cực nhất, đã diễn ra một cách ôn hòa và trong vòng trật tự. Vài ngày sau, bác sĩ Benjamin Spock, một chuyên viên nhi khoa nổi tiếng cả nước, cùng giáo sư H.Stuart Hughes, (hai) đồng chủ tịch của SANE gửi cho ông Hồ Chí Minh một bức điện cho biết SANE đã tổ chức cuộc tuần hành này đồng thời kêu gọi ông Hồ Chí Minh chấp nhận những mời gọi thương thuyết của Mỹ. Hai ông này còn viết: “Các cuộc biểu tình sẽ được tiếp tục song không đủ để dẫn đến việc Mỹ triệt thoái”. Nhiều vụ xuống đường khác sẽ còn tiếp nối.

Có thể là bất ngờ đối với một số người, song thật ra lúc đó tôi cảm thấy mình có nhiều thiện cảm với quan điểm của những người chống đối. Mary McGrory, nhà bình luận của tập đoàn báo chí Washington Star, đã mô tả thái độ của tôi thật đúng trong một bài viết đề ngày 3/12/1965 như sau:

“Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara chẳng hề hốt hoảng cũng như chẳng hề mất tinh thần trước các cuộc tuần hành vì hòa bình. Không hồ nghi gì nữa, quan điểm của ông là một thiểu số trong Ngũ giác đài, song nhà quản lý dân sự của tổ chức này là một trạng sư của tự do ngôn luận khi tuyên bố: “Đất nước này có truyền thống bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền chống đối. Các chính sách của chúng ta sẽ vững mạnh hơn nhờ tranh luận”.

Ông Bộ trưởng là môt người ngưỡng mộ nhà lãnh đạo đảng Xã hội Norman Thomas đáng kính, nhà hùng biện thuyết phục nhất trong cuộc tuần hành tổ chức hôm thứ bảy vừa qua tại Washington này. Song ông không đồng ý với luận điểm của ông Thomas cho rằng “thà thấy nước Mỹ được cứu rỗi linh hồn còn hơn là gỡ được thể diện tại Đông Nam Á”. Ông McNamara hỏi lại: “Thế ông làm gì để giữ lấy linh hồn? Bằng cách chạy làng hay bằng cách hoàn thành những cam kết của mình?”

Danh Đức dịch (Tiêu đề của Một Thế Giới)
Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden
Nhân chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro (Brazil), chiều 18.11 giờ địa phương (sáng nay 19.11 giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 31: Thà nước Mỹ cứu rỗi linh hồn còn hơn gỡ thể diện ĐNÁ!