Kỳ 39: Ngưng bắn 6 giờ hay 48 giờ?
Kỳ 38: Sai lầm khi không thăm dò thông điệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Hai năm sau, Thủ tướng Anh Wilson tuyên bố trên truyền hình : “Tôi tin rằng lúc đó chúng ta đã rất gần kề … thế rồi tất cả bị hất văng”.
Ông nói rằng một sự gia hạn 48 giờ có thể đã được việc. Tommy Thompson, lúc đó lại nhận chức vụ đại sứ thêm một lần nữa tại Moscow, báo cáo rằng đại sứ LX tại Washington Anatoly Dobrynin có nói rằng “các tuyên bố của Kosygin tại London không hề là chuyện tầm phào mà là người Nga lúc đó có đầy đủ lý do để tin rằng BV đã sẵn sàng hướng đến đàm phán”.
Liệu Wilson và Kosygin đã có lý chăng? Một lần nữa tôi nhắc rằng chẳng bao giờ chúng ta rõ được. Song có một điều mà tôi chắc chắn biết rõ: chúng ta đã thất bại trong việc kết hợp làm một các hoạt động ngoại giao và quân sự của chúng ta trong việc tìm kiếm một kết cục cho cuộc chiến tranh.
Do lẽ các sáng kiến ngoại giao cứ lần lượt thất bại, tôi càng chán ngán, càng bớt ảo tưởng và khổ não. Tôi chẳng thấy có cách nào để chiến thắng hoặc kết thúc một cách đàng hoàng cuộc chiến tranh ngày càng khiến phải trả giá đắt và hủy hoại này.
Một loạt các biến cố xảy ra trong hè thu 1967 đã làm chúng tôi không thể để tâm sâu sắc đến chiến cuộc Việt Nam.
Chính phủ Mỹ phải đương đầu với hàng loạt sự kiện quan yếu: cuộc chiến Trung Đông dẫn đến việc lần đầu tiên sử dụng đường dây nóng giữa Moscow và Washington, chương trình tên lửa đạn đạo của Liên Xô, xung đột giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về Chypre.
Tại Mỹ, chúng tôi phải đối đầu với tình trạng bạo loạn chủng tộc ở các thành phố lớn cũng như các phong trào phản chiến. Vào thời điểm này, Tổng thống Johnson bắt đầu nói bóng gió rằng sẽ không ra tranh cử lần nữa vào năm 1968.
Ngày 2.6 đã diễn ra cuộc hội kiến giữa Tổng thống và Thủ tướng Anh Havold Wilson để cùng bày tỏ mối quan tâm về các vấn đề thế giới, nhưng cuộc chiến Israel và Ả Rập sắp xảy ra đã chiếm hết nghị trình. Chúng tôi đã ước tính, so sánh tương quan lực lượng và đi đến kết luận là Israel sẽ thắng trận, có thể trong vòng 10 ngày và thậm chí 7 ngày nhưng đồng thời hậu quả của cuộc chiến sẽ khó lường và vì thế hãy làm mọi cách để ngăn chặn.
Trong chuyến viếng thăm Washington vào cuối tháng 5 của Ngoại trưởng Israel là Abba Eban, Tổng thống có triệu tôi và Ngoại trưởng Dean Rusk đến. Cả ba chúng tôi đề nghị Eban cố thuyết phục chính phủ Israel hủy bỏ kế hoạch tấn công trước, vì nếu xảy ra, Mỹ sẽ khó can thiệp.
Chúng tôi nghĩ rằng mình đã thành công nhưng ngược lại, Israel đã tấn công Ai Cập ngày 5.6. Chiến tranh kết thúc trong 6 ngày, thời gian đủ để Israel đánh bại Ai Cập, Jordan và Syria, kiểm soát bán đảo Sinai, dải Gaza, tây ngạn sông Jordan và cao nguyên chiến lược Golan.
Cũng trong ngày chiến tranh khởi phát đó, lần đầu tiên đường dây nóng đã được hai nguyên thủ quốc gia siêu cường thế giới sử dụng. Hot line được lắp đặt vào tháng 8.1963 trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba nhưng chưa được sử dụng bao giờ.
Những ngày sau đó, chúng tôi trao đổi thông điệp qua đường dây nóng với lãnh tụ Liên Xô Kosygin. Tình hình đặc biệt căng thẳng và Tổng thống thông báo cho phía Liên Xô rằng, Israel sẽ đồng ý hưu chiến khi cao nguyên Golan được đảm bảo chắc chắn. Cùng lúc đó, hạm đội thứ 6 trực chỉ bờ biển Syria. Vài giờ sau, Israel và Syria chấp thuận ngưng bắn.
Việc trao đổi qua đường dây nóng giữa hai nguyên thủ quốc gia siêu cường thế giới đã làm sáng tỏ tình hình. Đồng thời phần nào giải thích lập trường của các Tham mưu trưởng về sự cần thiết phải giành lấy thế thượng phong ở chiến cuộc Đông Dương.
Đầu tháng 7.1967, Tổng thống yêu cầu tôi viếng thăm Việt Nam để đánh giá tình hình một lần nữa, cùng đi có Nick Katzenbach và Bus Wheeler. Tại Sài Gòn, chúng tôi được nghe những báo cáo lạc quan của Tướng Westmoreland thay thế Lodge trong chức vụ Đại sứ vào tháng 4. Tướng Westmoreland yêu cầu tăng viện thêm 200.000 quân.
Khi trở về, chúng tôi báo cáo với Tổng thống là không có bế tắc về quân sự, thế nhưng tôi vẫn hoài nghi về hiệu quả của công việc dội bom và báo cho Tổng thống biết, tôi chống đối yêu cầu của giới quân sự mở rộng phạm vi ném bom.
Một cuộc thăm dò ý kiến vào giữa tháng 5 cho thấy, sự ủng hộ việc gia tăng áp lực quân sự mạnh hơn chút đỉnh so với đề nghị rút quân (45% so với 41%). Để giải quyết bất đồng giữa tôi và các Tham mưu trưởng trong vấn đề thả bom Bắc Việt, tôi yêu cầu Giám đốc CIA đánh giá khách quan nhưng sau đó, các Tham mưu trưởng đã bác bỏ kết luận của CIA và tiếp tục vận động dội bom.
Những mâu thuẫn này đã dẫn đến việc chúng tôi phải ra điều trần trước Thượng viện, cơ quan quyền lực dự định gây sức ép buộc Nhà Trắng bãi bỏ giới hạn ném bom.
Ở điểm này, mâu thuẫn, dị biệt không những chỉ tồn tại giữa các viên chức cao cấp dân sự và quân sự mà ngay cả trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội…
Danh Đức dịch (Tiêu đề của Một Thế Giới)