Hồi ký McNamara
Hồi ký McNamara

Kỳ 33: Tổng thống Johnson “Tôi sẵn sàng chơi bất cứ ván bài nào miễn là có kết quả”

16/01/2015, 06:07

Tất cả bắt đầu vào đầu giờ chiều ngày 2.12 khi tôi gặp Tổng thống Johnson trong trang trại của ông. Tôi nói với ông rằng sau chuyến đi Sài Gòn về, tôi ngày càng tin rằng chúng ta nên dứt khoát nghĩ đến một biện pháp nào khác hơn là biện pháp quân sự như là một giải pháp độc nhất...

Kỳ 32: Binh sĩ Mỹ tử trận tăng từ 500 đến 800 người mỗi tháng
Kỳ 31: Thà nước Mỹ cứu rỗi linh hồn còn hơn gỡ thể diện ĐNÁ!
Các cuộc gặp gỡ với Lodge, Westmoreland và đô đốc Sharp các ngày 28 và 29 tháng 11 càng khẳng định những sợ hãi tồi tệ nhất của tôi.
Tinh thần và lòng can đảm của binh sĩ Mỹ gây ấn tượng rất nhiều nơi tôi, nhưng tôi cũng đã nghe và thấy cả lô vấn đề. Sự hiện diện của Mỹ cứ lún sâu: chính trị bất ổn định, công tác bình định sa lầy, binh sĩ NVN đào ngũ tăng vọt.
Westmoreland càng làm tôi thất kinh khi nói đến con số 400.000 binh sĩ vào cuối năm 1966 cộng với khả năng sẽ còn tăng thêm 200.000 người nữa vào năm 1967, thêm vào đó là việc BV nay đã có khả năng chuyển vận đến 200 tấn hàng tiếp liệu mỗi ngày xuôi đường mòn Hồ Chí Minh bất chấp oanh kích ngăn chặn đến đâu - quá đủ cho các cuộc hành quân của VC trong mức độ như hiện nay, đó là chưa kể đến nguồn tiếp liệu tại chỗ của họ ở miền Nam.
Tất cả làm tôi đổi thái độ hẳn.

Quay trở lại Washington, tôi trình lên Tổng thống Johnson một sự chọn lựa ảm đạm giữa hai phương án: hoặc đi đến một thỏa hiệp (mà di sản sẽ còn tệ hơn là một NVN độc lập không CS như theo mục tiêu của chúng ta) hoặc nghe theo yêu cầu của tướng Westmoreland và gia tăng oanh kích BV. Tôi cũng thận trọng lưu ý rằng các biện pháp sau cùng này chưa hẳn sẽ đảm bảo thành công, rằng số binh sĩ Mỹ tử trận sẽ lên đến cả ngàn người mỗi tháng, và rằng có thể đến đầu năm 1967 chúng ta sẽ phải đứng trước một tình thế “không quyết định gì được nữa” trong một tình huống bạo lực, tàn phá và chết chóc cao hơn nhiều.

Tôi chẳng cho thấy mình nghiêng về 1 trong 2 giải pháp bất hạnh đó. Song tôi có nói rằng nếu như phải tăng oanh kích và thêm quân bộ chiến, chúng ta nên dọn đường bằng một đợt ngưng oanh kích kéo dài từ 3 đến 4 tuần. Suy nghĩ của tôi rất đơn giản, như tôi trình bày với Tổng thống: “Tôi rất băn khoăn về việc chúng ta phải tăng cường độ chiến tranh tại VN mà không cố thử tìm cách kết thúc chiến tranh qua việc ngưng oanh kích hoặc ít nhất cũng đã tỏ rõ cho dân chúng rằng chúng ta đã làm mọi việc vì mục đích đó”.

Phương án thứ nhất mà tôi trình bày chẳng thu hút mấy chú ý. Phương án thứ nhì – ngưng oanh kích – thoạt đầu bị nội các tiếp đón lạnh nhạt song sau đó được quan tâm nhiều hơn do có 2 diễn biến trong tháng 11. Một loạt các cuộc tiếp xúc giữa đại sứ Mỹ tại LHQ, ông Adlai Stevenson – vừa qua đời cách đây không lâu – với ông TTK LHQ UThant thu hút chú ý của công luận qua một bài báo của Eric Sevareid đăng trên tạp chí Look, qua đó hàm ngụ rằng Mỹ không muốn thương thuyết.
Trong một buổi ăn trưa thanh thản với cố vấn an ninh Mac Bundy, đại sứ LX tại Washington Anatoly Dobrynin – tất nhiên là do nhận chỉ thị từ Moscow – đã nói với Mac Bundy rằng nếu ngưng oanh kích trong 2 hoặc 3 tuần, Mosccow sẽ dùng ảnh hưởng của mình để thúc Hà Nội thương thuyết. Điều này sẽ khởi động cuộc thảo luận sau này.

Tất cả bắt đầu vào đầu giờ chiều ngày 2.12 khi tôi gặp Tổng thống Johnson trong trang trại của ông. Tôi nói với ông rằng sau chuyến đi Sài Gòn về, tôi ngày càng tin rằng chúng ta nên dứt khoát nghĩ đến một biện pháp nào khác hơn là biện pháp quân sự như là một giải pháp độc nhất. Tôi thúc Tổng thống cho kèm theo việc triển khai thêm bộ binh một kế hoạch chính trị nào đó – một cuộc ngưng oanh kích chẳng hạn.

Trong suốt 5 ngày sau đó, chúng tôi tích cực thảo luận về vấn đề này. Cuối cùng thì đa số các cố vấn của Tổng thống đều thuận tình thừ ngưng oanh kích. Tổng thống triệu tập chúng tôi vào phòng họp nội các hôm 17.12.1965. Tổng thống bắt đầu cuộc họp với câu nói “Tôi sẵn sàng chơi bất cứ ván bài nào miễn là có được kết quả”. Tôi cũng thố lộ ra hết mọi suy nghĩ thầm kín và hy vọng mong manh của tôi:

“McNamara: Giải pháp quân sự là không chắc chắn rồi. Cuối cùng chúng ta cũng phải tìm đến một giải pháp ngoại giao mà thôi.

Tổng thống: Như thế có nghĩa là mọi việc chúng ta làm trên chiến trường cũng chẳng chắc đem lại chiến thắng à?

McNamara: Tôi muốn nói như sau: Chúng ta không thể tìm được một giải pháp quân sự. Chúng ta cần thăm dò nhiều biện pháp khác…

Phương cách tiến hành hoạt động quân sự của chúng ta không thể dẫn đến một kết cục thắng lợi. Có vẻ như mâu thuẫn đấy khi tôi đến gặp qúy vị để bàn về việc gia tăng thêm quân đến 400.000 người. Nhưng tăng thêm quân như thế có nghĩa là leo thang và dẫn đến các hậu quả không mong muốn. Thành ra, tôi đề nghị tính đến các phương án khác…”.

Tổng thống rời cuộc họp mà lòng thì nghiêng về một giải pháp tạm ngưng oanh kích, tôi nghĩ như vậy, song vẫn chưa dứt khoát điều gì. Rồi thì ngày 22.12, cả tòa Bạch Ốc lẫn Sài Gòn loan báo hưu chiến trong 30 giờ, bao gồm cả ngưng oanh kích BV, bắt đầu từ hôm trước lễ Giáng sinh.

Sáng hôm lễ Giáng sinh, Tổng thống Johnson quyết định gia hạn “ngưng oanh kích vì lễ lạc” thêm một hai ngày nữa. Khi hay tin này, tôi làm một việc mà trước giờ tôi chưa hề làm: tiếp cận trực tiếp (thuyết phục) Tổng thống thay vì phải loay hoay bàn bạc mãi với các đồng sự của tôi. Tôi gọi điện thoại cho Tổng thống tối 26.12. Thật là chẳng kín đáo chút nào khi một Bộ trưởng Quốc phòng gọi cho Tổng thống Hoa Kỳ từ một lữ quán nhỏ trên núi, thông qua người trực điện thoại của lữ quán này. Dẫu sao thì, tổng đài lúc nào cũng đáng tin cậy của tòa Bạch Ốc đã nhanh chóng nối liên lạc giữa tôi với Tổng thống lúc đó đang ở tại nhà một người bạn ở Round Mountain, Texas. Tổng thống đồng ý ngay khi tôi đòi đến nông trang của ông để bàn về Việt Nam...
Danh Đức dịch (Tiêu đề của Một Thế Giới)
Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 33: Tổng thống Johnson “Tôi sẵn sàng chơi bất cứ ván bài nào miễn là có kết quả”