1 hiện tượng vô cùng kỳ thú mới xảy ra ở miền Tây. Đó là tự dưng có đàn chim én bay đến đậu ngủ trên 1 chiếc bè. Trong khi quanh đó có cả làng bè mà đàn én trời lại chê, chỉ chọn chiếc bè này.

Kỳ lạ hàng ngàn chú chim én chỉ thích… ngủ trên bè cá

Thanh Tuấn | 14/02/2019, 12:01

1 hiện tượng vô cùng kỳ thú mới xảy ra ở miền Tây. Đó là tự dưng có đàn chim én bay đến đậu ngủ trên 1 chiếc bè. Trong khi quanh đó có cả làng bè mà đàn én trời lại chê, chỉ chọn chiếc bè này.

Vũ điệu én ì xèo bay lượn như chào xuân

Những ngày gần đây, cư dân ở khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP.HCM ùn ùn kéo đến chiếc bè của anh Huỳnh Công Tình (tên thường gọi là Quý), neo đậu trên nhánh con sông Tiền (thuộc ấp Long Phước, xã Long Khánh A, H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) để chiêm ngưỡng đàn chim én kỳ lạ. Lượng người hiếu kỳ xem chim ngày càng đông, làm cho cồn Long Khánh chộn rộn lạ thường, như mùa xuân đang vẫy gọi. Nơi này trước đây bị vấn nạn sạt lở đất bờ sông hoành hành không tả nổi.

Bè của anh Tình - Ảnh: Thanh Vĩnh

Từ TX.Tân Châu (An Giang) qua đò Long Khánh, đã nghe nhiều người bàn tán về đàn chim. Họ còn trưng ra cả clip phim quay lại đàn én đông kịt, khi tìm chỗ đậu trên chiếc bè của anh Tình. Ai ai cũng mở lời với giọng hiếu kỳ: “Chẳng hiểu sao lại có đàn chim én lạ kỳ như vậy?”.

Nằm trên bờ - nơi dưới sông có bè của anh Tình, là nhà của bà Huỳnh Thị Rừng (60 tuổi). Bà Rừng kể, suốt năm 2018, anh Tình đậu chiếc bè ở cách nơi hiện nay đang đậu chừng 1 km, thì chẳng thấy con chim nào đến đậu. Nhưng vài tháng nay, khi anh Tình dời bè đến đậu chỗ mới thì bỗng dưng chim én ở đâu bay về ngủ rất đông, lạ thường. Trong khi anh Tình chẳng hề dùng tiếng chim kêu giả bằng loa dụ dỗ.

Bà Rừng cho biết, cứ hễ vào mỗi buồi chiều khoảng 18 giờ hơn, thì đàn én kéo nhau về. Chúng bay xà quần thành từng hàng như nhảy múa trên bầu trời, sau đó mới dần sà xuống bè của anh Tình đậu ngủ. Tiếng chim kêu rộn ràng làm cho dân làng nơi đây như được dịp thưởng thức bản nhạc hoàng hôn êm tai và yên bình.

“Kể từ ngày đàn én bay về đậu trên bè thằng Quý, tui thấy rất vui. Nơi đây trước kia vắng ngắt. Nhưng từ khi có chim én thì dân tứ xứ kéo tới ì xèo, xem chim. Ban đêm đèn thắp lên dưới sông sáng rực. Tui cảm thấy vui cực kỳ”, bà Rừng thổ lộ.

Bà Rừng hưởng lợi lây nhờ đàn chim - Ảnh: Thanh Vĩnh

Ông Võ Văn Em (67 tuổi, nhà gần bè anh Tình) cũng cho biết, ông là dân bản xứ, sống ở cồn Long Khánh từ bé đến nay. Nhưng từ xưa đến giờ chưa từng có đàn chim nào về đậu trên bất cứ chiếc bè nào ở ven 2 bên bờ con sông Tiền. Chạy dọc theo bờ sông cách bè anh Tình chỉ vài trăm mét có cả làng bè hơn chục cái, nhưng chẳng hiểu sao chim én lại không bay đến đó đậu ngủ, mà chỉ chui vào bè anh Tình.

“Đối diện bờ sông bên kia cũng có làng bè, mà xưa nay chưa hề có con chim én nào đậu ngủ như ở đây. Hiện tượng này hết sức kỳ lạ, mà dân ở đây ai cũng thắc mắc. Mới đêm hôm này, chim én về đậu chật kín hết những sợi dây do thằng Quý giăng. Hết chỗ đậu, chim đậu cả trên nóc bè để ngủ”, ông Em cho hay.

Anh Tình (chủ bè có đàn chim én ngủ) cho biết, quê anh ở cồn Long Khánh. Có thời gian anh lên TP.HCM làm nghề tài xế, rồi mua ô tô buýt chạy ở xứ Sài Thành. Kế đến anh mua ôtô chạy hợp đồng cho 1 công ty của Hàn Quốc. Giữa năm 2017, khi vừa hết hợp đồng này thì anh bán xe về cồn Long Khánh làm du lịch.

Nhà của vợ chồng anh hiện ở P.6, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Thấy ở cồn phát sinh bãi tắm nước ngọt khá đông khách, cha của anh kêu anh về đây khai thác du lịch, như góp chút công sức cho quê hương. Không ngờ, đàn chim như “tiếp tay” cho anh, hút khách du lịch…

Dân cù lao hứng khởi, nhận lộc trời ban

Anh Tình kể, anh bỏ ra gần 800 triệu đồng để đóng 1 chiếc bè nổi (diện tích 480 m2). Bè anh neo đậu nhằm bán nước giải khát, quán nhậu và phục vụ trò chơi dưới nước. Chẳng hạn như chạy môtô nước, ca nô kéo phao chuối, phao chơi cho trẻ em… Từ năm 2017 và suốt năm 2018, việc kinh doanh của anh ế ẩm. Cách đây hơn 4 tháng, anh mới thuê bến của ông Bảy Kỉnh để đậu bè với giá 1 triệu đồng/tháng.

Én về “sáng rực” bờ sông - Ảnh: Thanh Vĩnh

Theo anh Tình, khi bè anh đậu trên bến sông của ông Kỉnh thì khách cũng khá vắng. Khoảng hơn 3 tháng trước, lúc bè anh chưa khai trương bán thì bỗng đâu có 2 con chim én về đậu trong bè anh ngủ. Sáng ra chúng thải phân vương vãi khắp sàn bè, khiến anh phải nhọc công dội nước chà rửa. Thấy chim thải phân dơ dáy, anh cầm chổi quơ đuổi mấy con chim. Nhưng chúng bay đi đâu đó thì lát sau cũng bay về đậu trên chiếc bè của anh.

Chừng 1 tuần sau đó, đàn chim én ở đâu rủ nhau về đậu ngủ dày đặc tại bè anh. Khi đó anh mới nghĩ ra cách là huy tụ đàn chim về 1 khu cho chúng ngủ. Anh bắt đầu mua những tấm nhựa che nắng giăng dưới trần nóc bè để chim không bay vào bè được. Đồng thời anh giăng nhiều sợi dây căng ngang trần nóc ở khu vực mũi bè cho chim có chỗ đậu ngủ. Vài bữa sau, khi đàn chim bay về ngủ lên khoảng 500 con, thì có người ở xóm đòi bắt mần thịt nhậu. Tất nhiên, anh Tình ngăn cản.

Anh Tình cho biết, chỉ trong vòng hơn 2 tháng nay, chẳng rõ chim én ở đâu cứ rủ nhau bay về và chỉ chọn chiếc bè của anh đậu ngủ. Một vài người khách thấy đàn chim kỳ lạ nên khi xuống bè nhậu lấy điện thoại di động quay phim, rồi đăng lên Facebook. Thông tin từ đây lan tỏa ra, rồi báo và đài ở tỉnh Đồng Tháp cũng đăng thông tin này. Chiếc bè của anh bỗng nhiên nổi tiếng nhờ có đàn chim én, do du khách gần xa ì xèo kéo đến xem.

“Đàn chim này dạn khì. Khách ngồi nhậu kế bên mà chúng vẫn không bay. Có nhiều người đến đưa điện thoại kề sát vào quay phim mà nó vẫn chi chít giành chỗ đậu ngủ. Một vài người khách hơi kỳ, cứ đưa sát máy quay vào đàn chim, mặc cho nó thải phân vào mặt.

Chim én dày đặc trong bè anh Tình - Ảnh: Thanh Vĩnh

Tui sợ nó bay đi nên giăng dây ngăn riêng khu vực cho chim ngủ. Đặc tính của loài chim này là chúng thích chỗ nào có ánh đèn chiếu sáng. Thấy vậy tui mới lắp bóng đèn chiếu sáng cả đêm cho chim ngủ. Hiện giờ tui đã giăng được khoảng 75 sợi dây cho hơn 3.500 con chim én ngủ”, anh Tình kể.

Anh Tình phấn khởi nói, khoảng 1 tháng nay thì khách xuống bè của anh xem chim đông không tả nổi. Nhờ vậy mà anh bán nước giải khát, bán bia đắt khách, hơn hẳn so với trước đó. Khách tham quan từ khắp các tỉnh miền Tây và TP.HCM cũng về đây xem chim. Chẳng rõ sao anh không hề dụ dỗ hay cho ăn gì mà đàn chim kéo về ngày càng đông. Chim đông đến nổi đậu chật kín hết dây điện cũ anh giăng, còn đậu cả trên dây cáp điện thoại ở bè anh để ngủ. Có đến hàng ngàn con.

Bà Huỳnh Thị Rừng, khấp khởi mừng và kể: “Từ ngày đàn chim én về đậu ngủ ở bè chú Quý, tui cũng được hưởng lợi lây. Người ta tới xem chim đông quá nên tui giữ xe, có ngày kiếm được cả trăm ngàn đồng. Ngày cao điểm có khi kiếm được tới 500.000 đồng, giúp đời sống gia đình tui khỏe hơn. Vừa nghe tiếng chim kêu vui mà còn kiếm được bộn tiền nên tui vui hết sức. Xe ôtô từ TP.HCM cũng đến đây coi chim”.

Anh Tình kể về đàn chim- Ảnh: Thanh Vĩnh

Ông Phan Tấn Bình - Trưởng ấp Long Phước, xã Long Khánh A, chia sẻ: “Từ trước tới giờ ở xứ sở này chưa từng có hiện tượng này. Nhiều người nghĩ chủ bè dẫn dụ nên chim tới, nhưng thực sự là không có, tự nhiên chim bay đến ở. Chuyện này giống như thằng Quý được thiên nhiên ban tặng, hay “đất lành chim đậu” vậy. Tui cũng rất thích đến đây nhậu rồi xem chim. Chiều về hay sáng ra, chim bay lượn coi đẹp mắt lắm”.

Anh Tình thổ lộ: “Thấy đàn chim ai cũng thích nên tui bảo vệ. Tui định sắp tới làm thêm cái bè nữa, để tách quán nhậu và karaoke riêng. Còn chiếc bè hiện tại thì dành cho chim ngủ và chỉ bán nước giải khát. Khu vực 64 m2 bè tui đang dành cho chim ngủ tới đây sẽ còn mở rộng. Tui cũng nghĩ đây có lẽ là lộc trời ban cho mình. Tối đến ở đây người ta đi coi chim ì xèo, đông vui lắm”.

Thanh Vĩnh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
29 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ lạ hàng ngàn chú chim én chỉ thích… ngủ trên bè cá