Các nhà khoa học đã tìm ra kỹ thuật mới để đọc bức thư cổ bị niêm phong cách đây hơn 300 năm mà không cần mở nó.
Một nhóm học giả quốc tế đã dùng một kỹ thuật hiện đại để đọc bức thư cổ bị niêm phong phức tạp cách đây hơn 300 năm mà không cần mở nó. Kỹ thuật đột phá này là sự hợp tác của các nhà nghiên cứu liên ngành từ Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ (MIT), Đại học Hoàng đế London, Đại học Queen Mary của Anh… Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện này vào ngày 2.3 trong một bài báo trên Nature Communications.
Kỹ thuật mở thư ảo được sử dụng để khám phá nội dung của một bức thư được gửi vào ngày 31.7.1697. Nó chứa yêu cầu của Jacques Sennacques gửi cho người anh họ Pierre Le Pers, một thương gia người Pháp ở The Hague, về bản sao giấy báo tử của người tên Daniel Le Pers.
Bức thư này đến từ Bộ sưu tập Brienne lưu giữ 2.600 lá thư không được gửi thành công từ khắp châu Âu đến Den Haag trong khoảng thời gian từ năm 1689-1706. 600 bức trong số đó chưa bao giờ được mở do bị niêm phong bằng một quy trình được gọi là “khóa thư”.
“Khóa thư” là một kỹ thuật gấp và cố định một tờ giấy phẳng thành phong bì của chính nó nhằm bảo mật thông tin. Điều này giống như một dạng mã hóa cổ đại. Những tài liệu bị khóa như vậy không thể mở ra mà không bị rách, thậm chí nội dung được lé lộ qua các vết rách có thể chỉ là ghi chú giả mạo.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy X-quang được thiết kế cho ngành nha khoa để tạo ra các bản quét 3D cho thấy chính xác cách lá thư bị gấp lại. Sau đó, họ dùng một thuật toán tự động để tái tạo hình ảnh 3D của chữ cái bị gấp và chuyển nó thành dạng 2D tương ứng. Kỹ thuật này cho phép thấy được nội dung bên trong cũng như các nếp gấp của bức thư.
Điều này đã được thực hiện thành công trước đây với sách và tài liệu cổ có một hoặc hai nếp gấp. Tuy nhiên, cách gấp phức tạp của bức thư trên đặt ra nhiều thách thức kỹ thuật hơn. Erik Demaine, giáo sư khoa học máy tính tại MIT nói: “Chúng tôi đã không chắc chắn rằng kỹ thuật này có thể khám phá nội dung bức thư”.
Jana Dambrogio, nhà nghiên cứu tại MIT, giải thích: “Viết thư là một hoạt động thường ngày trong nhiều thế kỷ, xuyên các nền văn hóa, biên giới và các tầng lớp xã hội. Nó là liên kết còn thiếu giữa các kỹ thuật bảo mật thông tin vật lý từ thế giới cổ đại với mật mã kỹ thuật số hiện đại”.
Tiến sĩ Daniel Starza Smith từ KCL nhấn mạnh: “Khi mở một bức thư bằng cách thông thường, bạn sẽ không còn cơ hội nghiên cứu nó một cách nguyên vẹn. Kỹ thuật mở thư ảo này là một bước đột phá đối với việc nghiên cứu các tài liệu lịch sử bởi các nếp gấp, đường xếp của tờ giấy cũng có thể cung cấp những bằng chứng có giá trị cho các nhà sử học”.
Các nhà nghiên cứu tin rằng tác động của thành công này sẽ không chỉ dừng lại ở bộ sưu tập Brienne, bởi còn rất nhiều tài liệu cổ trên khắp thế giới chưa được mở. Các kỹ thuật tính toán hứa hẹn sẽ đẩy nhanh nghiên cứu về “khóa thư” cũng như giúp ích cho các học giả và sinh viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Một ví dụ quan trọng là hàng trăm vật phẩm chưa được mở trong số 160.000 lá thư chưa được gửi trong Prize Papers, một kho lưu trữ các tài liệu bị người Anh tịch thu từ tàu địch giữa thế kỷ 17 và 19”, nhóm nghiên cứu cho biết.