Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng giảm ở kỳ hạn 1 tháng, hiện chỉ còn 4,75%/năm. Tuy nhiên, lãi suất lại tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt còn lại dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tăng lần lượt đến 4,10%/năm và 4,42%/năm.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), so với cuối tháng 4, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đối với các giao dịch VND giảm ở kỳ hạn 1 tháng, hiện còn 4,75%/năm. Tuy nhiên, lãi suất lại tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt còn lại dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tăng lần lượt đến 4,10%/năm và 4,42%/năm.
Đối với các giao dịch USD, so với thời điểm cuối tháng 4, lãi suất bình quân liên ngân hàng không đổi ở kỳ hạn 1 tháng, vẫn giữ mức 0,68%/năm, trong khi đó lãi suất bình quân tăng giảm trái chiều ở các kỳ hạn chủ chốt còn lại.
Theo đó, lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng giảm ở kỳ hạn 1 tuần, hiện còn 0,51%/năm, tuy nhiên lãi suất bình quân tăng lần lượt đến 0,39%/năm và 0,62%/năm ở kỳ hạn qua đêm và 2 tuần.
Về doanh số giao dịch, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 85.482 tỉ đồng, bình quân 28.494 tỉ đồng/ngày. Bình quân ngày giảm 2.242 tỉ đồng so với cuối tháng 4.
Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 62.587 tỉ đồng, bình quân khoảng 20.862 tỉ đồng/ngày. Như vậy, bình quân ngày đã tăng 5.787 tỉ đồng so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 1 tuần, chiếm 48% tổng doanh số giao dịch VND và qua đêm chiếm 25%. Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 55% và 25% tổng doanh số giao dịch bằng USD.
Về lãi suất huy động, hiện tại, mặt bằng lãi suấtVND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Lãi suất từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Ở kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 5,4-6,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Về mặt bằng lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Thống đốc NHNN. Theo đó, từ ngày 29.4, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần như Ngân hàng Sài gòn Hà nội (SHB), Ngân hàng Tiên phong (TPBank) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%/năm đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn thuộc các lĩnh vực này.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 5-6%/năm.
Lãi suất cho vay USD cũng tương đối ổn định, hiện phổ biến ở mức 2,8-6,2%/năm,trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-5,2%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,3-6,2%/năm.
Về thị trường ngoại hối, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), tỷ giá mua, bán VND/USD niêm yết (vào cuối ngày) ổn định ở mức 22.255-22.325 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD cả hai chiều mua và bán so với ngày cuối tuần trước.
Theo NHNN, thời gian tới cơ quan này sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Phan Diệu