Nhiều bạn gái chia sẻ về hiện tượng đau bụng dữ dội khi bước vào ngày đèn đỏ. Các bạn cũng hay mách nhau bí quyết loại bỏ cơn đau bằng cách uống các loại thuốc như panadol, morphine, efferalgan… việc lạm dụng này khiến phụ nữ dễ vô sinh
Không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau khi bị đau bụng kinh |
Nếu đau quá hoặc kèm những triệu chứng như nôn ói, đi ngoài… nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sản có uy tín, để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị tốt nhất.
Các nguyên nhân gây đau bụng kinh:
- Đau bụng kinh đơn thuần (sinh lý) do có các cơn co thắt tử cung mạnh, giảm máu đột ngột ở vùng tử cung gây ra đau (do phụ nữ ra máu nhiều).
Thường gặp ở phụ nữ dưới 20 tuổi, gia đình có các thành viên cũng bị đau bụng kinh, hút thuốc lá, béo phì, uống rượu, kinh nguyệt không đều, phụ nữ chưa có con, dậy thì sớm trước tuổi 11, căng thẳng, stress, lo lắng.
- Đau bụng kinh có nguy cơ bệnh lý như:
+ Lạc nội mạc tử cung. Các tế bào lót tử cung di chuyển đến các khu vực khác của xương chậu, gây đau dữ dội kéo dài.
+ U xơ tử cung thường là u lành.
+ Viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng.
+ Hẹp cổ tử cung, cổ tử cung rất nhỏ nên làm chậm dòng chảy kinh nguyệt.
Để giảm triệu chứng đau bụng kinh mà không dùng thuốc, bạn có thể áp dụng một trong các cách sau:
- Dùng khăn đắp nước ấm vào phần bụng dưới để máu kinh lưu thông tốt
- Gừng giã hoặc cắt lát mỏng đắp vào phần bụng dưới khoảng 5 phút
- Dán cao
- Dùng dầu xoa nhẹ vùng bụng dưới.
Theo thạc sĩ Đông y Vũ Quốc Trung, đau bụng kinh trong Đông y gọi là "thống kinh", chỉ triệu chứng đau bụng khi hành kinh. Nguyên nhân do huyết ứ (máu không lưu thông), huyết hư (thiếu máu), khí hư (khí yếu)... Trong y học hiện đại, cơ chế đau bụng kinh được giải thích là do khi hành kinh bị rối loạn nội tiết. Các niêm mạc ở tử cung bong ra gây chảy máu. Nếu hành kinh kéo dài, máu ra nhiều sẽ càng đau hơn.
Lương y Trung khuyên không nên dùng các loại thuốc giảm đau trị đau bụng kinh vì nó đều ít nhiều ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa. Một số loại thuốc giảm đau còn gây ức chế thần kinh.
"Các loại thuốc chống viêm, giảm đau tuy có tác dụng giảm đau nhanh nhưng cũng gây tác dụng phụ lên gan, thận, dạ dày như làm viêm loét dạ dày, độc gan, thận... Còn uống thuốc tránh thai có tác dụng làm mỏng nội mạc tử cung theo thời gian, giảm đau bụng kinh rõ rệt nhưng sẽ có hại đến khả năng sinh sản của các chị em, đồng thời nó còn làm tăng nguy cơ tim mạch, mỡ máu, nguy cơ tắc mạch...", ông Trung phân tích.
Để an toàn và hiệu quả hơn, lương y Vũ Quốc Trung khuyên các chị em nên tìm đến các bài thuốc đông y gia truyền hoặc dân gian. Để giảm đau có thể massage nhẹ nhàng, chườm nóng, uống nước gừng hay ăn nhẹ. Trước khi đến kỳ vài ngày nên tránh các thực phẩm lạnh, nhiều gia vị, tươi sống. Trong kỳ kinh nên ăn ngải cứu...
"Tuyệt đối không được mách nhau dùng các loại thuốc vì ngoài những tác dụng phụ như trên, nhiều khi đau bụng kinh không phải là trạng thái sinh lý bình thường mà là biểu hiện của một số bệnh lý như bệnh lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, cổ tử cung chít hẹp, dính khoang tử cung...", lương y Vũ Quốc Trung cho biết.