Nếu ngày hôm nay, chúng ta cứ nhất định bảo thủ với những cách làm mang tính “đặc thù” của mình – sự hời hợt, nông cạn đến khó hiểu chỉ vì ưa chuộng những cái hào nhoáng, mới mẻ, hiện đại… thì trong tương lai không xa, cái giá của “học phí” kia sẽ trượt dài theo cái đà của sự tha hóa hôm nay.
Trong quá trình phát triển không gian của các điểm dân cư, chúng ta luôn gặp một vấn đề thường trực, đó là ít nhất có ba luồng ý kiến trái chiều: 1. Luồng ý kiến muốn đập bỏ xây mới; 2. Luồng ý kiến muốn duy trì, bảo tồn nguyên trạng; 3. Luồng ý kiến trung dung: vừa giữ gìn các yếu tố có giá trị, vừa cần phải phát triển để đáp ứng yêu cầu mới.
Trong bài viết này tôi xin được nói rõ cái ý của mình về loại ý kiến trung dung.
Việc xây dựng một công trình hoàn toàn mới trên một khu đất nào đấy đối với hầu hết mọi người ngày nay thường chỉ xoay quanh ý kiến đại loại: đẹp – xấu – bình thường; tiện nghi – chưa tiện nghi – bình thường; hiện đại – cổ hủ - không tân không cổ…
Việc giải tỏa trắng một khu đất nào đấy để “làm việc khác” thường gặp phàn nàn từ phía những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc đền bù khi giải tỏa. Việc giải tỏa liên quan đến một kiến trúc cổ và cũ nào đấy để “làm việc khác” thường gặp “giông tố” từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía những người “yêu di sản”.
Đứng trước luồng ý kiến thứ ba nêu trên, nhà đầu tư nên có phương thức tiếp cận như thế nào đối với dự án của mình: vừa đạt được lợi ích, vừa dung hòa được dư luận xã hội đang “tứ bề soi xét”. Để dễ hình dung toàn bộ vấn đề đang nhiều tranh luận này, xin thử lấy công trình nhà thờ Bùi Chu để bàn cụ thể.
Nhà thờ Bùi Chu nằm giữa khoảng sân thoáng rộng. Kiến trúc cổ kính, sơn màu thổ hoàng, lợp ngói tuyệt đẹp, dài 78 m, rộng 22 m và cao 15 m với đôi tháp chuông hai bên cao 35 m.Nhà thờ được xây cách đây 135năm, thuộc hàng quy mô và sớm bậc nhất trong các nhà thờ ởNam Định. Ảnh: Hoàng Đông - Zing
Công trình nhà thờ Bùi Chu có những giá trị bất biến sau:
Đây là một dấu ấn lịch sử.Mà đã là lịch sử thì dù có nhiều tiền đến bao nhiêu cũng không mua được, không làm thêm ra được lịch sử. Lịch sử thì cần phải được tôn trọng, vì lịch sử chứa đựng sự thật và người ta chỉ có thể thấu hiểu, cảm kích và thấm nhuần những gì chứa đựng sự thật. Vì vậy mà lịch sử không phải là tính giáo điều, lịch sử là bài học, là ký ức;
Đây là một cấu trúc xây dựng ghi dấu một giai đoạn phát triển của kiến trúc Việt Nam: bắt đầu có sự giao lưu mạnh mẽ với kiến trúc và văn hóa phương Tây. Tôi nghĩ điều này có ý nghĩa không nhỏ và không thể chối cãi. Dù muốn hay không, lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng là lịch sử của những cuộc giao lưu văn hóa. Những cuộc giao lưu này rốt cục đã đem lại cho diện mạo kiến trúc và đô thị của chúng ta một gương mặt mới, hội nhập với thế giới văn minh. Điều này dù không muốn thì cũng vẫn là một thực tế.
Nhà thờ Bùi Chu không phải là một cấu trúc xây dựng đơn lẻ, nó là một “mắt xích” quan trọng nhất trong “chuỗi” các kiến trúc Ki tô giáo ít nhất ở trong hai tỉnh – tỉnh Nam Định và Ninh Bình. “Một số lượng lớn các nhà thờ và thánh đường xinh đẹp nằm rải rác trên cả nước, trong đó có một nhóm nhà thờ tuyệt đẹp nằm ở tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Những tòa nhà này và trang trí nội thất bên trong chúng thật sự là những viên ngọc kiến trúc nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc Beaux Arts với thẩm mỹ truyền thống của Việt Nam. Sự hủy hoại những công trình kiến trúc này là một mất mát cho nhân loại" - ông Martin Rama viết (trích từNgười Lao động, ngày 01.5.2019).
Một cấu trúc xây dựng bằng kết cấu gạch và gỗ có 135 tuổi (1884 - 2019) nếu là một hội trường bình thường thì việc đập bỏ để lấy đất xây dựng mới chắc không ai ý kiến gì. Nhưng đây lại là một nhà thờ, có nghĩa là một địa điểm thánh thiêng. Hàng bao nhiêu đời giáo dân Bùi Chu từng hiện diện nơi đây với lòng thành kính hơn là chỉ thuần túy đến một nơi hội họp.
Đã là một địa điểm thánh thiêng thì việc gìn giữ, bảo quản nó về mặt hình thức là vô cùng cần thiết. Vì tuy rằng hình thức kiến trúc chỉ là cái lớp vỏ vật chất, nhưng cái vỏ ấy lại giúp chuyển tải những giá trị tinh thần, tín ngưỡng sâu sắc của văn minh. Ngày nay, kỹ thuật xây dựng dù có tân kỳ đến bao nhiêu thì cũng chỉ được qui đổi bằng giá trị đầu tư, nhưng không thể so sánh với một bức tường gạch cổ xưa trát vữa, tô đắp gờ chỉ, hoa văn… với nghệ thuật đương thời.
Điều này giải thích tại sao người ta phải lưu giữ giọng hát của danh ca thần đồng Robertino trong các bản thu âm chứ không phải chỉ là các bản nhạc chép lời và những giai thọai liên quan. Trường hợp của danh ca Pavarrotti cũng tương tự, nếu không có các bản thu giọng hát của ông thì đời sau sẽ chi có một hình dung mù mờ về "Vầng mặt trời" của âm nhạc Italy và thế giới này mà thôi.
Ngoài bốn giá trị bất biến nêu trên, còn có thể thấy ba lý do chính để người ta đập bỏ chứ không phải trùng tu nhà thờ. Đó là: kết cấu tường gạch chịu lực và cột gỗ không đủ sức chịu lực trong thời gian tới để phải thay thế; trần mái làm bằng vật liệu địa phương, trong đó có những vòm cong bằng vôi rơm đang xuống cấp có thể rơi xuống bất cứ lúc nào gây nguy hiểm cho tính mạng giáo dân; không gian không đủ sức chứa số lượng giáo dân tăng cao hơn trước…
Ba vấn đề nêu trên là hoàn toàn chính xác và chính đáng. Nhưng dưới góc độ bảo tồn thì không nhất thiết phải đập bỏ để xây dựng mới (dù là theo bản vẽ sao chép lại từ kiến trúc cũ). Vậy tại sao chúng ta không tiếp cận vấn đề của nhà thờ này bằng biện pháp trùng tu cục bộ (từng phần) – sửa chữa, cải tạo và gia cố kết cấu chịu lực - nâng cấp mở rộng không gian công trình.
Trùng tu cục bộ (từng phần)sẽ đem lại hiệu quả: bảo tồn, lưu giữ được những giá trị gốc và chính yếu của công trình, tiết kiệm thời gian và công sức, tiền bạc.
Sửa chữa, cải tạo và gia cố kết cấu chịu lực:bảo đảm sự phục vụ an toàn của kiến trúc đối với giáo dân bằng những biện pháp kỹ thuật xây dựng hiện đại nhất.
Nâng cấp mở rộng không gian công trình:đáp ứng nhu cầu thực tế của giáo xứ.
Nếu các biện pháp trên thực tế không thể áp dụng vào việc sửa chữa, cải tạo và nâng cấp mở rộng nhà thờ thì cũng không vì vậy mà ta chọn hạ sách “hạ giải” toàn bộ bề mặt kiến trúc. Các mặt đứng nhà thờ bằng kết cấu tường gạch chịu lực mà trên đó là các chi tiết trang trí cách nay 135 năm chính là những bằng chứng vô song về văn hóa, nghệ thuật quan trọng của một thời kỳ lịch sử, cho dù so với các dòng nghệ thuật chính thống thì nó vẫn chưa phải thuộc hàng đỉnh cao thì cũng nhất định phải cho được giữ nguyên bản gốc.
Những bức tường này một khi không còn phải mang tải trọng của công trình sẽ trở nên tuyết đối an toàn và tạo nên một giá trị vô song cho chính nó về sự tích tụ của thời gian và lịch sử hơn 130 năm.
Thử hình dung một công trình trong đó sự đan cài cũ – mới được khéo léo sắp đặt sẽ đem lại hiệu quả to lớn đến nhường nào. Tôi muốn nhắc đến kinh nghiệm tuyệt vời của việc tu sửa lại nhà ga cũ thành Viện Bảo tàng Orsayở Paris ngày nay theo bản thiết kế của nhóm kiến trúc sư ACT-Architecture.
Các kiến trúc sư tham gia dự án này đã tôn trọng kiến trúc cũ của Victor Laloux, làm nổi bật gian giữa như một trục chính và sử dụng mái che lợp kính. Ngày nay, Bảo tàng Orsay là một trong những điểm du lịch quan trọng và thu hút du khách nhất thành phố, năm 2007, Orsay đứng thứ 9 trong số những bảo tàng đông khách nhất trên thế giới.
Mặt đứng Viện Bảo tàng Orsay ở Paris ngày nay vẫn là mặt đứng của nhà ga xe lửa trước kia - gần như không có sự thay đổi nào. Một kinh nghiệm quan trọng về duy trì sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đáng chú ý cho các hoạt động tương tự ở Việt Nam ngày nay. Ảnh: TL
Bên trong Viện Bảo tàng Orsay ở Paris ngày nay – nhà ga xe lửa trước kia - dù cho công năng và nội thất đều thay đổi, nhưng sự hài hòa Cũ - Mới vẫn được duy trì. Ảnh: TL
Ở Macao, điều để lại ấn tượng nhất cho du khách chính là phế tích ngôi nhà thờ Saint- Paul chính là bức tường với nhiều phù điêu, tượng đá hoa cương đứng sừng sững như một nhân chứng lịch sử cho tận đến ngày nay. Tuy rằng, mãi đến năm 2005, bức tường nhà thờ Saint Paul mới được UNESCO công nhận là di sản thế giới trong nhóm các công trình ở Macao.
“Bức tường” - mặt đứng của nhà thờ Saint Paul trước kia - đến tận 2005 mới được UNESCO công nhận là di sản thế giới trong nhóm các công trình ở Macao. Nếu như người Macao trước 2005 đã "hạ giải" luôn "bức tường" này với lý do đây chỉ còn là một phần hoang tàn, đổ nát của một công trình cũ thì ngày nay Macao đã mất đi một di sản tầm thế giới!. Ảnh: TL
Còn nhiều lắm những kinh nghiệm về bảo tồn, lưu giữ đến “từng đoạn, từng mẩu” kiến trúc cũ để gắn chúng với đời sống đương đại ở khắp nơi trên thế giới, trong những quốc gia hùng cường về kinh tế. Chúng tôi không muốn liệt kê ra đây những bài học kinh nghiệm quí báu của thế giới mà hôm nay chúng ta chưa phải “đóng học phí”. Nhưng nếu ngày hôm nay, chúng ta cứ nhất định bảo thủ với những cách làm mang tính “đặc thù” của mình – sự hời hợt, nông cạn đến khó hiểu chỉ vì ưa chuộng những cái hào nhoáng, mới mẻ, hiện đại… thì trong tương lai không xa, cái giá của “học phí” kia sẽ trượt dài theo cái đà của sự tha hóa hôm nay.
Cử chỉ này sẽ thay con người của ngày hôm nay nói với thế hệ mai sau về những điều mà hôm nay chúng tanghĩ suyvàứng xửnhư thế nào đối với lịch sử và quá khứ của chính mình.
Chỉ có những kẻ có một quá khứ tồi tệ thì mới muốn che giấu hoặc đào thoát khỏi chính lịch sử của bản thân mà thôi.
PGS-TS-KTS. Lê Thanh Sơn(ĐH Kiến trúc TP.HCM, Người Đô Thị)