Dù đã được bác sĩ kiểm tra và phát hiện tăng tiểu cầu nguyên phát, nhưng người đàn ông 45 tuổi bỏ điều trị khiến sau đó bị nhồi máu cơ tim nguy kịch.
Ngày 10.8, Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nguy kịch do không chịu điều trị căn bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát trước đó của mình.
Bác sĩ Nguyễn Thái Anh - Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện TP.Thủ Đức cho hay, bệnh nhân này là ông N.M.Q. (45 tuổi), được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đau ngực trái rất dữ dội, sau đó nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, huyết áp tụt dần. Ngay sau khi đo điện tâm đồ, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng.
Qua khai thác bệnh sử cho thấy, cách đây 1 năm, bệnh nhân này được chẩn đoán tăng tiểu cầu nguyên phát nhưng gần đây đã bỏ điều trị. “Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim”, bác sĩ Thái Anh nói.
Các bác sĩ Hồi sức tim mạch, Huyết học, Cấp cứu đã tiến hành hội chẩn nhanh và đưa ngay bệnh nhân lên phòng thông tim để can thiệp tái thông mạch vành. Kết quả cho thấy, người bệnh tắc hoàn toàn 100% nhánh động mạch vành liên thất trước. Các bác sĩ tiến hành hút huyết khối, đặt stent thành công tái thông dòng chảy mạch vành.
Bác sĩ Nguyễn Thái Anh cho biết, đây là trường hợp tiểu cầu tăng rất cao 820 G/L (bình thường dưới 400 G/L), nên bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao huyết khối, và có khả năng tái thành lập huyết khối sau can thiệp nên đã được phối hợp thêm thuốc giảm tế bào (Hydroxyurea) song song với kháng đông và kháng kết tập tiểu cầu.
“Sau 10 ngày nằm viện theo dõi, bệnh nhân hết đau ngực, thấy khỏe hơn và đã được xuất viện, tiếp tục tái khám theo dõi sau xuất viện”, bác sĩ Thái Anh cho biết thêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Thái Anh, tăng tiểu cầu nguyên phát (ET: Essential thrombocythemia) là một rối loạn dòng tế bào gốc tạo máu được đặc trưng bởi sự tăng sinh quá mức dòng tiểu cầu và kèm theo các đột biến gen JAK2 hoặc MPL. Các biến chứng của bệnh gồm huyết khối, xuất huyết và tiến triển đến xơ tủy hoặc bạch cầu cấp dòng tủy. Tần suất mắc 1 – 2.5/100.000 dân/năm; bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người lớn tuổi, nhiều nhất ở độ tuổi 50 – 70 tuổi.
Mục đích điều trị là làm giảm các biến chứng huyết khối, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch và điều trị thuốc chống tiểu cầu. Bệnh thường dẫn đến tử vong do biến chứng như: huyết khối, chuyển dạng sang xơ tủy hoặc bạch cầu cấp.