Hal Brands là một chuyên gia nghiên cứu đối ngoại của Mỹ. Trên Bloomberg, Hal Brands đã có một bài phân tích về cuộc chiến tiêu hao giữa Nga và phương Tây trên chiến trường Ukraine.
Cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao khốc liệt. Khi xung đột kéo dài, câu hỏi trở thành, thời gian nghiêng về bên nào? Kyiv đang đánh cược rằng đòn bẩy của họ sẽ tăng lên khi một nước Nga bị cô lập đối mặt với sự tàn phá về kinh tế và quân sự. Đánh cuộc của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông có thể tàn phá Ukraine ngay cả khi chỉ dùng một quân đội yếu, đồng thời sử dụng mối đe dọa của sự hỗn loạn kinh tế toàn cầu để cắt đứt huyết mạch của Kyiv với thế giới bên ngoài. Mỗi bên đang cố gắng làm cho bên kia bị khuất phục, một động lực sẽ thúc đẩy sự bất ổn sâu rộng - và khiến Mỹ phải đối mặt với những thách thức khó chịu.
Trong những tuần gần đây, giao tranh chủ yếu xảy ra ở miền đông Ukraine. Nga đang sử dụng các cuộc tấn công bằng pháo kích ác liệt và các cuộc tấn công có phương pháp để từ từ chiếm thêm lãnh thổ, với hy vọng "giải phóng hoàn toàn khu vực Donbas”. Ukraine đang rơi vào lơ lửng, gây cho Nga thiệt hại nhưng cũng chịu tổn thất nặng theo thừa nhận của chính Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.
Bất chấp việc Nga giành được lãnh thổ, Ukraine vẫn có lý do để lạc quan. Sức mạnh quân sự của Ukraine, về các khía cạnh quan trọng, đang mạnh lên khi Kyiv nhận được pháo tầm xa hơn và các loại vũ khí hiện đại khác từ các nước phương Tây. Một số cơ quan tình báo hàng đầu thế giới cũng đang làm việc hiệu quả cho Kyiv, cung cấp thông tin giúp các chỉ huy quân đội Ukraine dự đoán được các đòn tấn công của đối phương và tấn công nhiều mục tiêu của chính họ.
Ngược lại, sức mạnh quân sự của Nga có thể sẽ bị suy giảm trong một cuộc chiến tranh lâu dài, vì nền kinh tế và công nghiệp quốc phòng của Nga phải chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt và tinh thần của các lực lượng của họ sẽ suy giảm khi thương vong gia tăng. Chừng nào Ukraine còn được phương Tây chống lưng, Kyiv có thể nuôi hy vọng làm suy yếu và cuối cùng là phá vỡ quân đội Nga - và sau đó có thể chiếm lại một số lãnh thổ từ tay Moscow.
Tuy nhiên, có những lưu ý quan trọng. Một là mối đe dọa về “sự mệt mỏi Zelensky” - mối nguy mà các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ mệt mỏi với các yêu cầu của Kyiv về tiền và súng vào thời điểm nền kinh tế của họ đang suy yếu và kho vũ khí của họ đang cạn kiệt. Một gói hỗ trợ gần đây của Mỹ trị giá 40 tỉ USD cho Ukraine đã vấp phải sự chỉ trích của đảng Cộng hòa vì những lý do vừa nêu. Nếu chi phí của cuộc chiến tiếp tục tăng và nếu Zelensky tiếp tục khăng khăng rằng Ukraine sẽ giải phóng tất cả lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ kể từ năm 2014, những người ủng hộ ông ta từ bên ngoài có thể coi ông ta không phải là nguồn cảm hứng mà là gánh nặng.
Triển vọng đó sẽ tương tác với chiến lược của Tổng thống Putin, liên quan đến việc áp dụng các lệnh trừng phạt trong khi biến Ukraine thành một vùng thảm họa. Việc phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine, đặc biệt là Odesa, đang khiến việc xuất khẩu lúa mì và các hàng hóa khác trở nên khó khăn. Sự khốc liệt đang diễn ra ở Ukraine đã gây ra sự suy thoái kinh tế thảm khốc. Nga có thể không thể đánh bại Ukraine về mặt quân sự, nhưng họ có thể phá hủy nền kinh tế và buộc Kyiv phải đưa ra những yêu cầu to lớn trong nhiều năm tới đối với những nước ủng hộ họ.
Hơn nữa, Tổng thống Putin đang sử dụng viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu như một phương tiện đạt được mục đích địa chính trị. Nếu Ukraine không thể xuất khẩu lúa mì, các nước trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Giá năng lượng cao đang làm gia tăng áp lực suy thoái ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Bằng cách gây đủ đau đớn, Tổng thống Putin có thể loại bỏ các thành viên miễn cưỡng, chẳng hạn như Đức, khỏi liên minh hậu thuận và giúp Ukraine theo đuổi hòa bình. Sự hỗn loạn toàn cầu cũng có thể giúp ích cho Tổng thống Putin theo những cách khác: Chiến tranh càng kéo dài, khả năng một cuộc khủng hoảng lớn đối với Iran hoặc Đài Loan sẽ kéo sự chú ý của Mỹ sang nơi khác càng cao.
Thật vậy, chiến lược này có thành công hay không, nó sẽ thử thách Washington. Để đối phó với chiến dịch bóp nghẹt kinh tế của Moscow, Mỹ có thể sử dụng tài sản nhà nước của Nga mà nước này đã đóng băng để duy trì và tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, điều đó chắc chắn sẽ làm gia tăng lo ngại toàn cầu về việc vũ khí hóa sự thống trị tài chính của Mỹ. Mỹ có thể cố gắng lật ngược thế cờ đối với Tổng thống Putin bằng cách tăng cường sự bao vây kinh tế đối với Nga. Nhưng điều này có lẽ sẽ đòi hỏi phải sử dụng nhiều hơn các biện pháp trừng phạt thứ cấp - trừng phạt các bên thứ ba làm ăn với Moscow - từ đó sẽ gây ra xích mích lớn hơn với các nước phụ thuộc vào dầu của Nga hoặc các mặt hàng xuất khẩu khác.
Có lẽ nhức nhối nhất là vấn đề khôi phục khả năng xuất khẩu của Ukraine (đặc biệt là lúa mì) ra thế giới. Điều này là rất quan trọng để giảm bớt những cú sốc kinh tế mà chiến tranh đã gây ra. Tuy nhiên, điều đó có thể yêu cầu phải thực hiện các bước như hộ tống các tàu Ukraine, "gắn cờ lại" cho chúng là của Mỹ, hoặc buộc mở một hành lang trên đất liền hoặc hàng hải an toàn - những hành động có thể đưa lực lượng của Mỹ vào trung tâm của một cuộc chiến đang diễn ra.
Thay vì chủ yếu nhằm ngăn chặn Nga tấn công các nước NATO, Mỹ sau đó sẽ cố gắng buộc Nga ngừng cản trở hoạt động thương mại của Ukraine với thế giới. Điều này có thể dẫn đến một thời điểm nguy hiểm, vì thành công trong việc giảm bớt áp lực kinh tế từ Nga có thể dẫn đến sự thất bại trong chiến lược giành chiến thắng trước Tổng thống Putin.
Xung đột ở Ukraine dường như đã đi vào trạng thái cân bằng trên chiến trường. Nhưng sự hỗn loạn mà chiến tranh tạo ra, và những tình huống bối rối trên toàn cầu mà cuộc chiến thể hiện, mới chỉ bắt đầu.