Virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 và các biến thể của nó sẽ không biến đi đâu cả mà ở lại lâu dài với chúng ta. Nhân loại sẽ phải học cách sống chung với nó như với một số bệnh tật khác. Sống chung như thế nào? Bằng cách nào?

Làm thế nào để sống chung với COVID-19?

Quỳnh Yên - Theo The Atlantic | 02/09/2021, 11:16

Virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 và các biến thể của nó sẽ không biến đi đâu cả mà ở lại lâu dài với chúng ta. Nhân loại sẽ phải học cách sống chung với nó như với một số bệnh tật khác. Sống chung như thế nào? Bằng cách nào?

Trong những năm 1980, các bác sĩ tại một bệnh viện ở Anh đã chủ định thực hiện một thí nghiệm: làm cho một nhóm 15 người tình nguyện nhiễm một loại coronavirus. COVID-19 lúc đó chưa tồn tại, điều mà các nhà khoa học quan tâm là một coronavirus cùng họ, được gọi là 229E, gây ra bệnh cúm thông thường. Virus 229E có mặt khắp nơi nhưng lại ít được biết đến. Phần lớn chúng ta đã bị nhiễm virus này, đầu tiên có lẽ khi còn nhỏ, nhưng tác động của nó nhẹ đến nỗi chúng ta hầu như không nhận ra. Và quả thật, trong số 15 người lớn tình nguyện xịt virus 229E vào mũi thì chỉ có 10 người bị nhiễm và trong đó chỉ 8 người thực sự có triệu chứng cúm.

Năm sau, các bác sĩ lặp lại thí nghiệm. Họ lại xịt 229E vào mũi những người tình nguyện ban đầu, trừ một người. Sáu trong số những người đã bị nhiễm trước đây giờ tái nhiễm, nhưng lần nhiễm thứ hai này không ai có triệu chứng. Từ đó các bác sĩ phỏng đoán rằng sự miễn nhiễm đối với coronavirus suy giảm nhanh chóng và việc tái nhiễm là phổ biến. Nhưng những lần nhiễm về sau thì nhẹ hơn, thậm chí không có triệu chứng. Phần lớn trong chúng ta chẳng những từng bị nhiễm virus 229E mà thậm chí còn có thể bị nhiễm nhiều lần.

Nghiên cứu nhỏ này ít gây ấn tượng vào thời điểm đó. Trong những năm 1980 - 1990, việc nghiên cứu coronavirus còn chưa được chú ý tới trong nghiên cứu virus nói chung vì bịnh cúm chúng gây ra có vẻ nhỏ nhặt trong toàn bộ những vấn đề lớn về sức khỏe con người.

Thế rồi, vào mùa xuân năm 2020 các nhà khoa học cấp tốc đi tìm manh mối cho sự miễn nhiễm chống lại con novel coronavirus đã tái phát hiện công trình nghiên cứu có từ nhiều thập niên trước này.

virus.jpg
SARS-CoV-2 là dòng thứ 5 của coronavirus

Trước khi virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19 xuất hiện, chỉ có 4 dòng coronavirus bao gồm cả 229E lưu hành ở người. Cả 4 dòng coronavirus này gây ra các bệnh cúm thông thường, và theo các chuyên gia, dòng coronavirus mới nhất này sẽ là dòng thứ 5. Trong trường hợp đó, bệnh COVID-19 có thể sẽ rất giống với bệnh cúm từ virus 229E, nghĩa là nó cứ trở đi trở lại nhưng phần lớn là ít khi được nhận ra.

Thật khó để tưởng tượng ra tương lai đó khi mà các đơn vị chăm sóc đặc biệt hiện nay lại đang đông nghẹt bệnh nhân do sự gia tăng mạnh các ca nhiễm bởi biến chủng Delta. Nhưng đại dịch sẽ kết thúc. Nó sẽ kết thúc cách này hay cách khác. Các ca nhiễm và ca tử vong gia tăng mạnh hiện tại là kết quả của việc coronavirus gặp hệ thống miễn nhiễm ngây thơ. Nhưng khi có đủ số lượng người đạt được mức độ miễn nhiễm nào đó qua vắc xin hoặc nhờ nhiễm rồi lành thì con coronavirus sẽ chuyển biến thành cái mà các nhà dịch tễ học gọi là một bệnh đặc hiệu (endemic), thứ bệnh không thể bị loại bỏ nhưng không còn gây chết người.

Với tấm chăn miễn nhiễm ban đầu được trải ra đó, số người phải nhập viện và tử vong vì COVID-19 sẽ giảm. Việc định kỳ tiêm liều vắc xin tăng cường cũng sẽ tăng thêm khả năng miễn dịch. Trong kịch bản này, các ca nhiễm có thể từng lúc tăng hay giảm nhưng sẽ tránh được điều tồi tệ nhất là tử vong hàng loạt.

Chúng ta không biết chính xác 4 con coronavirus gây ra các bệnh cúm thông thường đã lần đầu tiên gây nhiễm cho con người như thế nào, nhưng có lẽ ít nhất 1 trong số đó đã bắt đầu cùng với một đại dịch. Chúng ta phải điều chỉnh suy nghĩ của mình về đại dịch. Chúng ta không thể tránh được mãi mãi con coronavirus, chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng bị phơi nhiễm cách này hay cách khác với con virus này. Nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm Richard Webby nói: “Chúng ta sẽ phải sống chung với nó”.

Việc COVID-19 sẽ kết thúc như một bệnh đặc hiệu là khá rõ ràng, tuy nhiên con đường để tới đó thì không rõ ràng như vậy. Một phần vì con đường còn tùy thuộc vào chúng ta. Việc COVID-19 sẽ kết thúc như một bệnh đặc hiệu không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua mọi biện pháp đề phòng. Càng làm phẳng đường cong lây nhiễm thì các bệnh viện càng bớt bị quá tải và chúng ta càng có thêm thời gian để chích ngừa cho ai chưa chích, kể cả trẻ em.

Con đường để COVID-19 kết thúc như một bệnh đặc hiệu cũng tùy thuộc vào việc con virus này tiếp tục biến thể đến đâu. Biến thể Delta đã làm cho mọi kế hoạch mở cửa trở lại vào mùa hè năm nay bị phá sản. Và với một bộ phận lớn dân số thế giới còn chưa được tiêm chủng, con virus có rất nhiều cơ hội để biến thể thành những chủng dễ lây, dễ nhiễm hơn.

Tuy nhiên, tin tốt là con virus này khó có khả năng biến đổi đến mức biến hệ miễn dịch của chúng ta thành con số 0. “Phản ứng miễn nhiễm của chúng ta phức tạp đến mức về cơ bản virus không thể nào thoát khỏi tất cả các phản ứng ấy”, Sarah Cobey, nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Chicago nói. Thí dụ, các kháng thể nhanh chóng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 có thể suy giảm mức độ hiệu quả theo thời gian như khi các kháng thể này chống lại phần lớn các tác nhân gây bệnh, nhưng các tế bào B và tế bào T dự trữ – cũng nhận diện được virus – đã nằm chờ sẵn ở đó. Điều đó có nghĩa, sự miễn nhiễm lúc đầu có thể suy giảm nhưng sự bảo vệ chống lại bệnh nặng và tử vong thì bền vững hơn nhiều.

Bảo vệ chống lại bệnh nặng và tử vong quả thực là mục đích ban đầu của vắc xin. Tuy nhiên, các chuyên gia vắc xin cảnh báo không nên đặt kỳ vọng quá cao. Vắc xin chống lại bệnh đường hô hấp hiếm khi bảo vệ toàn bộ vì nó tạo miễn nhiễm ở phổi nhiều hơn ở mũi, nơi tiếp xúc đầu tiên với con virus. Nhưng hiệu quả đặc biệt từ những thử nghiệm lâm sàng ban đầu đã mang lại nhiều hy vọng. Với vắc xin Pfizer và Moderna được cho là có hiệu quả đến 95% chống lại lây nhiễm có triệu chứng, người ta bỗng thấy có hy vọng loại bỏ được bệnh COVID-19 như đã loại bỏ bệnh sởi hay quai bị ở Mỹ.

Thế rồi bỗng nhiên xuất hiện sự bất ngờ không lấy gì làm thú vị: những biến chủng mới như Beta, Gamma và giờ là Delta làm xói mòn ít nhiều khả năng bảo vệ của vắc xin. “Bây giờ chúng ta đang ở vị trí mà chúng ta nghĩ chúng ta đã ở cách đây một năm”, Ruth Karron, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Miễn nhiễm Đại học Johns Hopkins, nói. Vắc xin vẫn còn tác dụng bảo vệ chống lại bệnh nặng như chúng ta chờ đợi, nhưng miễn nhiễm cộng đồng lại có vẻ như ngoài tầm với. Con virus sẽ tiếp tục lưu hành nhưng số người bị bệnh nặng đến mức phải nhập viện hay tử vong sẽ giảm. Những vụ bùng phát ca nhiễm trong số những người đã tiêm vắc xin đã cho thấy mô hình ấy đang diễn ra. Và cả những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao như Anh, Iceland, Israel cũng đang chứng kiến các ca nhiễm tăng vọt nhưng với chỉ một bộ phận nhỏ chưa tiêm chủng bị tử vong.

Thời điểm và tính trầm trọng của những ca tái nhiễm và nhiễm đột phá, một khi C0VID-19 đã trở thành bệnh đặc hiệu, thì tùy thuộc vào hiệu quả bảo vệ của hệ miễn nhiễm chống lại virus suy giảm nhanh đến mức nào. Và điều đó, đến lượt nó, phụ thuộc vào sự phối hợp của hai yếu tố: một là hệ miễn nhiễm của chúng ta bị bào mòn nhanh đến mức nào khi chống lại virus SARS-CoV-2, và hai là con coronavirus này biến đổi nhanh đến mức nào để tự giấu mình.

Bộ máy miễn nhiễm đơn giản là khó trỗi dậy để chống lại một kẻ thù cũ hơn, nhưng việc tái nhiễm hoặc nhiễm đột phá lại có tác dụng tăng cường sức mạnh cho phản ứng miễn dịch. Một ca nhiễm đột phá thì “giống như liều vắc xin tăng cường”, Laura Su, nhà miễn nhiễm học thuộc Đại học Pennsylvania nói. Trong cuộc nghiên cứu về dòng virus 229E, các bác sĩ cũng phát hiện ra rằng những người tình nguyện nào không bị nhiễm lần đầu thì có nhiều khả năng bị nhiễm năm sau hơn là những người đã bị nhiễm lần trước.

vaccine.jpg
Vắc xin giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm COVID-19 

Bản thân con virus cũng sẽ biến đổi theo thời gian. Với việc ngày càng nhiều người đạt được miễn dịch qua việc bị nhiễm rồi khỏi hay qua việc chích vắc xin, con virus cũng sẽ tìm cách thoát khỏi sự miễn dịch. Đó là một hậu quả tự nhiên của việc sống chung với một con virus đang lưu hành; bởi bệnh cúm cũng biến đổi hàng năm như một phản ứng với sự miễn dịch hiện có nơi con người. Nhưng trong kịch bản bệnh đặc hiệu, khi nhiều người cùng có một mức độ miễn nhiễm nào đó, thì con coronavirus không có khả năng gây nhiễm cho quá nhiều người hoặc tự nhân bản quá nhiều lần nơi một người bị nhiễm.

Việc tái nhiễm với 4 con coronavirus thông thường có thể là do sự kết hợp giữa một bên là hệ miễn nhiễm yếu đi của chúng ta và bên kia là những con virus cũng biến đổi. Chắp nối tất cả những gì chúng ta biết, một mô hình bắt đầu xuất hiện: đầu tiên chúng ta có khả năng bị phơi nhiễm với các coronavirus ấy khi còn nhỏ, bệnh lúc ấy có xu hướng nhẹ; rồi hệ miễn nhiễm của chúng ta ngày càng bị rỉ sét đi; virus biến đổi; chúng ta bị tái nhiễm; phản ứng miễn dịch được nâng cấp; rồi hệ miễn dịch lại bị rỉ sét; virus lại biến đổi; chúng ta bị nhiễm. Và cứ như vậy…

Stephen Morse, nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, nói rằng trong trường hợp tốt nhất COVID-19 sẽ đi theo mô hình đó với các ca nhiễm nhẹ sau đó. Còn trong một kịch bản ít tốt hơn, COVID-19 sẽ giống như bệnh cúm giết 12.000 - 61.000 người Mỹ mỗi năm, tùy mùa nặng hay nhẹ.

Việc chuyển qua chấp nhận COVID-19 như một bệnh đặc hiệu cũng là một vấn đề tâm lý. Khi mọi người đều đạt mức độ miễn nhiễm nào đó thì việc chẩn đoán bệnh COVID-19 sẽ trở thành chuyện bình thường như chẩn đoán bệnh viêm họng hay cúm vậy – đó chẳng phải tin tốt lành gì nhưng cũng không có gì phải sợ hãi hay lo lắng, bối rối.

Với bệnh cúm, xã hội nói chung đã đồng ý về nguy cơ phải chấp nhận khi sống chung với virus. Với bệnh COVID-19 thì chưa có sự đồng tình ấy. Thực tế mà nói, nguy cơ với COVID-19 như một bệnh đặc hiệu sẽ nhỏ hơn nhiều so với nguy cơ của làn sóng Delta hiện nay, nhưng nó sẽ không bao giờ biến mất. “Chúng ta cần chuẩn bị để mọi người chấp nhận rằng bệnh sẽ không giảm xuống bằng 0, mà sẽ giảm xuống ở mức chấp nhận được”, Julie Downs, nhà tâm lý học nghiên cứu những quyết định về sức khỏe tại Đại học Carnegie Mellon nói.

Với vắc xin tốt hơn và việc điều trị tốt hơn, nguy cơ của bệnh COVID-19 sẽ còn giảm hơn nữa. COVID-19 trở thành một bệnh đặc hiệu có nghĩa là cần tìm ra phương cách mới, chấp nhận được, để sống chung với con virus. Mới đầu sẽ thấy lạ, sau đó thì hết lạ và dần trở thành bình thường.

 

Bài liên quan
Mark Zuckerberg: Chính quyền Biden gây sức ép lớn để Meta xóa nội dung tiêu cực về vắc xin
Mark Zuckerberg nói với Joe Rogan trong một podcast được công bố hôm 10.1 rằng Meta Platforms đã bị chính quyền Biden gây sức ép để xóa nội dung về tác dụng phụ của vắc xin COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm thế nào để sống chung với COVID-19?