Mùa Đông của Úc, trời đỏng đảnh lúc mưa lúc nắng, lúc lặng lúc gió, lúc ấm lúc giá. Trên quảng trường Martin giữa trung tâm Sydney những cây phong cũng đủ mùa. Có cây rụng hết lá, có cây lá đang vàng, có cây lá chuyển qua đỏ và có cây lá đang xanh…

Lãng đãng chiều Đông Sydney

Một Thế Giới | 13/10/2013, 08:00

Mùa Đông của Úc, trời đỏng đảnh lúc mưa lúc nắng, lúc lặng lúc gió, lúc ấm lúc giá. Trên quảng trường Martin giữa trung tâm Sydney những cây phong cũng đủ mùa. Có cây rụng hết lá, có cây lá đang vàng, có cây lá chuyển qua đỏ và có cây lá đang xanh…

           

1. Dòng người lại qua quảng trường Martin cũng đủ màu không phải bởi trang phục mà bởi màu da: đen, trắng, vàng, xám, nâu. Hải âu lang thang cuốc… bộ trên hè phố cũng đủ màu, chân xám, chân đỏ, chân… vàng, mỏ xám, mỏ trắng mỏ… đỏ. Tôi lang thang đại lộ George, cuộc sống cũng thật đủ kiểu. Góc này một ông gốc Tàu ngồi kéo nhị, chả ai cho tiền cả, ngoài tôi một người Việt. Ông gốc Tàu cúi đầu chào tôi rồi như chỉ dành tiếng đàn của ông cho riêng tôi. Tôi thấy qua cặp kính của ông ngân ngấn nước, chẳng rõ vì bản nhạc mà ông kéo gợi ông nhớ quê nhà xa xôi hay vì tưởng tôi là đồng hương, phà một chút hơi ấm nơi xứ người lạnh giá.

Qua một ngã tư nhộn nhịp những bước chân giữa tiếng động cơ xe ồn ào bỗng vút lên tiếng kèn đồng bản hành quân giục giã của các chiến binh Tây Ban Nha thuở nào. Một người đàn ông da trắng, mũi lõ, mắt lè xanh cao lớn, trạc tuổi 50 thổi kèn. Ông trèo trên bệ một cột  trụ thép chống đường ray cho xe monday chạy, miệng vừa thổi, chân vừa co gót gõ vào thanh thép làm nhịp. Dưới chân ông thổi kèn không ngửa mũ, có nghĩa là ông thổi kèn cho ông… sướng cơn chứ không phải để xin tiền.

Còn bên tượng đài nữ hoàng Victoria với vương miện, ngai vàng, phương trượng quyền y, cũng có một nhóm trai gái đàn guitar điện, đánh trống một bản nhạc tươi vui của Mỹ La Tinh để giới thiệu một đĩa nhạc mới của mình. Một cô gái rất xinh, mặc váy ngắn cỡn nếu là ca sĩ ở Việt Nam lên sân khấu biểu diễn chắc chắn sẽ bị ngành văn hóa phạt 5 triệu chứ không ít, đến bên nhóm nhạc cúi xuống để lấy đĩa nhạc miễn phí.

Trời lạnh thế, tôi phà ra khói, ấy vậy mà cô chân trần không vớ, cúi xuống lộ nội y phía sau và lồ lộ bộ ngực đồ sộ ở cổ áo không nội y phía trước. Bỗng tiếng cười ré lên, tôi cứ nghĩ ai đó cười thích thú khi được chiêm ngưỡng thân hình hấp dẫn của cô nàng tóc vàng hoe này. Nhưng không phải, tiếng cười rồi tiếng cười nữa của mấy cô người Nhật hay Hàn Quốc khi phát hiện chùm râu trắng xóa của kẻ tinh nghịch nào đó vẽ trên miệng nữ hoàng Victoria kính mến.  Xứ sở này ưa hài hước và tự do thật!

dsc_0617_resize

2. Phố xá ở Sydney thật vui nhộn, ai muốn vẽ tranh cứ bày vải, giấy trên vỉa hè mà vẽ. Đang vẽ, có đứa trẻ nào tự tiện vẽ tiếp ở khoảng trống thì cũng cứ việc… vẽ. Có điều rác không xả, không ai cãi lộn nhau, hàng ngàn xe hơi vù vù lại qua không một tiếng còi. Rời khu vực đường George, đường Elizabeth… tôi đi về phía vịnh Darlinghurst  một trung tâm du lịch nổi tiếng của Sydney, nắng đột ngột lên đến rực rỡ, nắng làm những chiếc lá phong đổi màu sắc, vàng, vàng tươi hơn, đỏ, đỏ óng hơn.

Trên bãi neo du thuyền đám đông du khách quay quanh nhóm thổ dân Úc da nâu đen, mặt, ngực, tay chân được quệt đủ các loại sơn trắng, đỏ, đen. Nhóm thổ dân vừa đánh trống vừa múa. Một cô  gái đến ngồi bên họ, lão thổ dân đưa trống cho cô, cô gõ theo nhịp trống xứ Ả rập, các thổ dân vẫn múa theo vũ đạo ngàn xưa rừng rú của mình. Tôi cũng được mời gõ trống, tôi gõ Tình bằng có cái trống cơm rồi tăng nhịp lên làm loạn tay, chân mấy bác thổ dân. Thế rồi chỉ còn lại tiếng cười, tiếng cười không phân biệt sắc tộc, tiếng cười không chia biên giới, tôn giáo, chủ nghĩa. Tiếng cười hòa vào nhau tạo nên một bản giao hưởng tươi vui của cuộc sống có tên gọi “cười kiểu Úc”, như ở Việt Nam người ta thường bảo “Uống bia kiểu Úc”.

dsc_0386_resize

Ồ, nắng vừa rực rỡ thế, cả bầu trời Sydney vừa xanh thế, mây đen đã ùn tới rồi, gió từ biển thốc vào vịnh Darlinghurst làm cánh buồm các du thuyền ngả nghiêng, đột nhiên tôi ước giữa cái âm thanh phố phường Sydney muôn màu sắc kia xuất hiện dưới bóng cây phong lá vàng cuối thu còn rớt lại, một cô gái Việt Nam mảnh khảnh, mặc áo dài trắng mong manh, tóc dài xõa lưng, gảy đàn bầu.

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm ớ canh chày

Thức đủ năm canh…

 3. Ở Sydney mỗi sớm cuốc bộ khắp các con phố rợp các bóng cây cổ thụ. Những ngôi nhà rào tường thấp lè tè, cửa cổng gài then hững hờ. Nhà nào cũng rộng trên 600 m2, phía trước có vườn trồng hoa, chanh, quýt, táo, bưởi. Tất cả đều… mở. Từ một ngôi biệt thự xinh xinh vẳng ra tiếng piano chậm rãi. Bầu trời trong lành nhởn nhơ tiếng quạ. Ở nhiều nơi quạ luôn kêu “quạ, quạ quạ!” nháo nhác, gấp gáp ,hối hả còn ở Sydney này, quạ nhả từng tiếng “Ạ, à, ờ” khoan thai.

Trên các con phố, bồ câu, sáo sậu, chim chóc cũng tưng tưng nhảy với những chú cò, ả cò mỏ đen dài ngoẵng. Chúng coi con người chả ra “cái đếch gì” nên người đi cứ đi, chúng đi cứ đi. Cả thành phố như khu rừng của chúng. Hàng đàn vẹt tự do bay lượn, ríu rít trong các lùm cây. Đã lâu rồi tôi không còn làm thơ nữa, thấy lũ vẹt tự do bay lượn khắp nơi giữa lòng thành phố, tự dưng “lòi” ra mấy câu thơ:

Vẹt, vẹt, vẹt

Mày đậu, cánh xanh

Mày bay, cánh đỏ

Ở đây chả ai nguyền rủa mày: Đồ con vẹt! Nói như vẹt!

Bởi mày không bị săn đuổi, bị nhốt vào lồng, bị dạy dỗ tiếng người rồi đem ra làm thú vui, mua bán ở chợ

Vẹt, vẹt, vẹt

 Ở Sydney

Mày được cất lên tiếng hót của chính mình

 Còn khi đi dạo ở vườn Hoàng gia gần Nhà hát Con Sò còn gọi là Nhà hát Cánh Buồm, từng đàn hải âu sà xuống bên người, chúng đùa nhởn nhơ với những đứa trẻ. Và cũng ở vườn Hoàng gia này, tôi sững sờ trước những cây cổ thụ với muôn hình dáng kỳ lạ, mà mỗi cây đều có lý lịch cuộc đời như lý lịch cuộc đời con người. Nào là cây móng rồng đỏ, gốc từ đảo Canary, 200 tuổi. Tháng 5.2008 bị đổ, người ta làm bệ chống để bảo vệ cho cây. Người ta gọi là cây móng rồng vì nó họ xương rồng, nhựa màu đỏ, sử dụng làm vec-ni đánh gỗ đàn violin. Còn đây là cây Fucus May phola, 100 tuổi được mệnh danh là “cây của những đứa trẻ”. Còn đây là cây Ginco Bilola còn gọi là cây “Mái tóc gái đồng trinh”. Đi dạo trong rừng cây mà như đi giữa những câu chuyện cổ tích thần tiên.

dsc_0509_resize

Tôi được Châu Định một Việt kiều ở Úc lái xe chở đi khắp nước Úc,từ Sydney đến Brisban, qua bãi biển Vàng Golk Coast,vòng về thủ đô Canberra đến Melbuorne đâu đâu tôi cũng thấy những công viên, bảo tàng, bờ biển… đẹp nhất ở Úc đều mở cho bất cứ ai đến nghỉ ngơi, thưởng lãm. Bởi với nước Úc đã từ lâu có nguyên tắc: “Tất cả các giá trị tài nguyên của nước Úc đều của mọi công dân Úc”. Thậm chí, tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra cũng luôn rộng mở. Cùng với nguyên tắc ấy, là một nguyên tắc nữa: “Tất cả những ai làm tổn hại đến các giá trị của chung nước Úc đều bị nghiêm trị”.

Nhà thơ Lâm Như Tạng một chuyên gia nghiên cứu hiến pháp của Úc, đã sống ở Úc hơn 20 năm kể với tôi rằng: Một đôi sáo đến làm tổ ở vườn nhà ông, tổ của nó bị gió làm rơi xuống, ông đã đi nhặt từng trái trứng chim rồi bắc thang trèo lên cây đặt lên tổ cho đôi sáo kia. Bởi với người Úc, điều đó đương nhiên là… luật.

4. Khi tôi lang thang ở Mũi Cá heo, Sydney, gặp một ông người Úc ngồi bên bờ biển, đôi mắt xanh da trời cứ nhìn vào làn sóng cũng xanh da trời. Tôi hỏi ông tìm gì, ông bảo: “Mùa này biển động, cá voi có thể ngoi lên bất cứ lúc nào”. Ông kể, niềm vui của ông khi về già là dắt con chó ra biển ngắm biển lúc bình minh, lúc hoàng hôn, cả lúc trăng sáng nữa. Lúc nào ông mệt, con chó biết ý đi chậm lại để… dắt ông. Tôi hỏi ông cứ dạo bên biển như vậy, ông mơ ước điều gì? Ông nói: “Cả nước Úc là một viên kẹo nằm trong lòng bàn tay của tôi”. Nói rồi ông giục tôi ra chơi với lũ hải âu đang đậu khắp bãi biển. Không biết có phải vì cái ước mơ rất trẻ con hồn nhiên của ông già Úc kia mà đột nhiên tôi thành đứa trẻ, tôi tung tăng chạy trên cát đuổi lũ chim hải âu làm chúng chạy ton ton rồi rào rào vỗ cánh bay. Tôi reo cười như một đứa trẻ thật sự. Sydney đã biến tôi thành một đứa trẻ như thế!

dsc_0674_resize

dsc_0487_resize

img_0928_resize

dsc_0264_resize  dsc_0266_resize

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Lưu Trọng Văn – Ảnh: Lưu An Trọng Hà

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãng đãng chiều Đông Sydney