Nhân dịp lễ Ngày giải phóng Triều Tiên 15.8, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã gởi thư chúc “đồng chí Putin may mắn” trong công cuộc xây dựng một nước Nga hùng mạnh.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin “thư gởi lời chúc nồng ấm đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhân dân Nga thân thiện”, nhân dịp 73 năm ngày bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách đô hộ của Nhật Bản và kết thúc Thế chiến 2.
KCNA còn nhắc lại “truyền thống đầy giá trị của việc nhân dân hai nước cùng sánh vai chống kẻ thù chung trong cuộc kháng chiến chống Nhật khốc liệt chính là cội nguồn của mối quan hệ hữu nghị CHDCND Triều Tiên - Nga, và là động lực dẫn dắt tiếp tục phát triển quan hệ song phương trong thời đại mới”.
Hãng thông tấn Triều Tiên cũng cho biết Điện Kremlin đã gởi điện tín chúc mừng, và ông Putin gởi lời chúc sức khỏe đến ông Kim, đồng thời cho biết lãnh đạo Nga sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên trong tương lai gần.
Người phát ngôn Dmitry Peskov xác nhận với hãng tin nhà nước RIA Novosti: “Vâng, chúng tôi đã gởi lời chúc mừng đến họ nhân ngày kỷ niệm quan trọng”, nhưng không cho biết chi tiết.
Hồi tháng 6, nhân cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bình Nhưỡng, ông Kim cũng khen vai trò lãnh đạo của ông Putin trong việc Nga chống Mỹ, và ông cũng hỏi thăm “sức khỏe đồng chí Putin”.
Điện Kremlin cũng đã mời ông Kim thăm Nga, nhân dịp Diễn đàn Kinh tế Đông Á diễn ra ở thành phố Vladivostok (Viễn Đông Nga) vào tháng 9 tới.
Nga có chung một đường biên giới ngắn với Triều Tiên ở vùng Primorye. Trước khi diễn ra cuộc gặp lịch sử ngày 12.6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với ông Kim, ông Putin đã hứa Nga sẽ nỗ lực giúp bán đảo Triều Tiên hòa bình, và lưu ý Nga có một vai trò lớn trong việc giúp Triều Tiên phục hồi nền kinh tế èo uột sau nhiều năm đóng cửa với thế giới bên ngoài, cũng như bị quốc tế cấm vận.
Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom đã nối lại đàm phán xây một tuyến ống dẫn dầu từ Nga qua Triều Tiên để đến Hàn Quốc. Tuyến ống này sẽ không giao khí đốt cho Triều Tiên, nhưng được nhận định là Gazprom - có quan hệ thân cận với Điện Kremlin - có tiềm năng trúng một hợp đồng béo bở, nhờ chính sách ngoại giao giữa Nga - Triều.
Theo Newsweek, sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận Triều Tiên cũng có thể giúp nền kinh tế Nga, nơi từng đón nhận rất đông nhân công Triều Tiên trước khi một bộ phận phải về nước vì Nga cần tuân thủ lệnh trừng phạt do Hội đồng bảo an LHQ công bố cuối năm 2017.
Nhân công Triều Tiên giữ vai trò chính trong ngành xây dựng ở Nga, nhất là ở vùng Viễn Đông Nga. Hồi cuối năm ngoái, có thông tin Nga có thể giúp Triều Tiên “lách” lệnh cấm vận quốc tế, bằng cách cung cấp dầu cho nước này.
Năm 2015, Điện Kremlin mời ông Kim tham dự cuộc duyệt binh nhân Ngày Chiến thắng phát xít Đức của Nga, mà nếu diễn ra thì đó là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Kim kể từ sau năm 2011, khi ông kế nhiệm cha ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il.
Nhưng ông Kim đã không đi Nga, Bình Nhưỡng chỉ cử một đặc sứ đi thay ông.
Mãi đến tháng 3.2018, ông Kim mới lần đầu tiên đi nước ngoài, qua Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, rồi ông có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4, trước khi gặp ông Trump ở Singapore.
Bích Ngọc (theo Newsweek)