Số lượng lao động nhập cư từ Việt Nam đã giảm mạnh do Nhật Bản, Đài Loan và các nước tiếp tục đóng cửa biên giới với người nước ngoài vì đại dịch COVID-19.

Lao động Việt sang Nhật kiếm gần gấp đôi ở Đài Loan, số lượng giảm mạnh do COVID-19

Nhân Hoàng | 31/05/2021, 11:42

Số lượng lao động nhập cư từ Việt Nam đã giảm mạnh do Nhật Bản, Đài Loan và các nước tiếp tục đóng cửa biên giới với người nước ngoài vì đại dịch COVID-19.

lao-dong-viet-sang-nhat-kiem-gan-gap-doi-o-dai-loan.jpg
Nhiều người Việt Nam di cư theo diện thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản nhận mức lương cao hơn các nước châu Á khác

Theo trang Nikkei, Việt Nam lên kế hoạch đưa 500.000 lao động ra nước ngoài trong vòng 5 năm đến 2025, nhưng các nhà phân tích hiện cho rằng con số đó là quá cao.

Trong 3 tháng đầu năm nay, khoảng 10.000 lao động Việt Nam đến Đài Loan và khoảng 18.000 lao động sang Nhật Bản, theo số liệu của Hiệp hội Cung ứng Nhân lực Việt Nam.

Nhật Bản đã cấm nhập cảnh với tất cả công dân nước ngoài không cư trú kể từ giữa tháng 1.2021 khi nước này phải đối mặt với một làn sóng COVID-19 mới. Điều này sẽ có tác động đến Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng mang lại cơ hội việc làm cho công dân nước ngoài tại quốc gia châu Á đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, một phần do dân số già.

Việt Nam là nhà cung cấp thực tập sinh kỹ năng lớn nhất tại Nhật Bản. Hiện nay có khoảng 200.000 người Việt Nam sống và làm việc tại đây với tư cách là thực tập sinh kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, xây dựng và sản xuất.

Chương trình cũng được thiết kế để chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển nhưng trên thực tế, nhiều công ty Nhật Bản coi thực tập sinh nước ngoài chỉ đơn giản là lao động giá rẻ.

Các hạn chế nhập cảnh từ Nhật Bản cũng ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty đưa thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang nước này và ngày càng có nhiều tổ chức như vậy tạm ngừng kinh doanh tại đây.

HanoiLink trước đây chủ yếu đưa lao động sang Nhật Bản nhưng Chủ tịch Tô Tiến Nghĩa cho biết gần đây công ty đang nghĩ đến việc tập trung sang các nước khác. Nhật Bản từng là một điểm đến hấp dẫn với mức lương cao hơn ở đó. Một lao động Việt Nam tại Nhật Bản kiếm được trung bình từ 1.200 đến 1.400 USD/tháng, so với mức 700 đến 800 USD/tháng ở Đài Loan.

lao-dong-viet-sang-nhat-kiem-gan-gap-doi-o-dai-loan2.jpg
Việt Nam đã tụt hậu trong việc thực hiện các bài kiểm tra kỹ năng và ngôn ngữ cho những người lao động muốn tận dụng chương trình thị thực mới của Nhật Bản dành cho những người lao động có tay nghề cao

Tuy nhiên ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, Việt Nam đã phải vật lộn để đưa lao động sang Nhật Bản theo chương trình thị thực mới cho lao động có tay nghề cụ thể được triển khai vào tháng 4.2019 cho 14 lĩnh vực đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Điều này do Việt Nam đã chậm tiến hành các bài kiểm tra kỹ năng và ngôn ngữ theo yêu cầu Nhật Bản với các lao động tương lai của họ, tụt hậu so với nhiều quốc gia châu Á đã bắt đầu kiểm tra hai năm trước đó, bao gồm cả Philippines.

Vào năm 2020, khi đại dịch xảy ra, số lượng lao động Việt Nam đến Nhật Bản giảm một nửa, xuống còn khoảng 38.000 người. Đó cũng là con số cao nhất trong khu vực châu Á. Đài Loan đã tiếp nhận 34.000 lao động Việt Nam. Hàn Quốc chỉ tiếp nhận 1.300 lao động Việt Nam trong năm 2020.

Tiếp sau Nhật Bản, Đài Loan đã cấm tất cả công dân nước ngoài không cư trú vào ngày 19.5 do tình trạng mắc COVID-19 đang gia tăng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam có kế hoạch đưa 90.000 lao động ra nước ngoài vào năm 2021, tăng gần 10.000 người so với năm trước, nhưng xu hướng giảm có thể sẽ tiếp tục.

Khi số lượng lao động nhập cư từ Việt Nam vào nước ngoài tiếp tục giảm, nền kinh tế đất nước cũng đang bị ảnh hưởng. Theo báo chí trong nước, khoảng 600.000 người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, với lượng tiền gửi về từ lao động nhập cư đạt ít nhất 4 tỉ USD mỗi năm.

Bài liên quan
Vụ tai nạn lao động 7 người chết ở Yên Bái: Khởi tố một nhân viên nhà máy xi măng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái vừa khởi tố Trần Mạnh Hùng (SN 1980) về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lao động Việt sang Nhật kiếm gần gấp đôi ở Đài Loan, số lượng giảm mạnh do COVID-19