Đề xuất của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM về việc lập “phố nhạy cảm đang là chủ đề khiến dư luận quan tâm. Điều này đã được các đại biểu nhân dân lên tiếng.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với việc lập “phố nhạy cảm” như đề xuất của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM. Tuy nhiên, một số đại biểu lưu ý các bước lập “phố nhạy cảm” cần phải thận trọng, bởi nếu làm không cẩn trọng rất dễ dẫn đến cách hiểu là thừa nhận hoạt động mại dâm.
Trên Dân Trí, Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến cho biết, đi nhiều nước trên thế giới, thấy cơ quan chức năng có đưa những hoạt động nhạy cảm vào khu phố để quản lý được tốt hơn, thậm chí để còn khám, chữa bệnh định kỳ đối với một số người hành nghề dễ mắc bệnh.
Không chỉ là quản lý người hành nghề, cách này còn để quản lý cả cán bộ công chức. Cán bộ công chức nếu "mon men" vào khu đó, có nghĩa là có vấn đề và chế tài áp dụng rất mạnh. Lập khu nhạy cảm để quản lý cán bộ công chức cũng là chia sẻ của ông Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP.HCM). Ông Nghĩa nói: “Nếu đồng ý, chúng ta sẽ phải thiết kế đề án một cách khoa học, có sự chuẩn bị tâm lý, có sự chuẩn bị dư luận và phù hợp với đặc điểm, tình cảm của con người Việt Nam. Một khi gom lại quản lý, sẽ có rất nhiều người không dám vào khu vực đó, đặc biệt là cán bộ, công chức”,
Cũng theo Dân Trí, ông Tiến đã nêu gợi ý UBND TPHCM phải nghiên cứu kỹ để tìm giải pháp vừa giảm thiểu tệ nạn, vừa kiểm soát được tệ nạn xã hội. Còn nếu để không, người “hành nghề” vẫn ngày ngày đứng đầy các gốc cây, góc đường, góc phố mà chính quyền không thể có đủ lực lượng mà xử lý hết được.
“Chúng tôi vẫn đang còn cân nhắc, chưa có tiếng nói ủng hộ hay không ủng hộ. Vừa rồi ở Hải Phòng rộ lên chuyện ở Đồ Sơn, nhiều người nói lập khu nhạy cảm có thuận lợi, đặc biệt với các tỉnh có lượng khách du lịch nước ngoài lớn” – ông Tiến nói.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, cũng đồng tình với đề xuất của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM và lưu ý cần tính toán để có bước đi phù hợp.
“Theo tôi cần phải gom các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” lại một khu vực để quản lý tốt hơn. Còn nếu ai hoạt động bên ngoài khu vực đó sẽ bị xử lý hình sự”, đại biểu Vinh nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ngay ở TP.HCM thì cũng có nhiều ý kiến phản đối việc thành lập khu nhạy cả, Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM, Giám đốc công ty cổ phần Tư vấn quản trị công nghệ quốc tế, cho rằng về góc độ quản lý thì đề xuất lập “phố nhạy cảm” cần được xem xét. Tuy nhiên, theo ông Quân, lập “phố nhạy cảm” đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa hoạt động mại dâm.
“Nếu hợp pháp hóa thì không phù hợp với thuần phong mỹ tục của một xã hội Á Đông như Việt Nam, và đặc biệt là không phù hợp với cách thức quản lý của chúng ta hiện tại. Rất nhiều vấn đề của xã hội đã có luật để quản lý nhưng vẫn không quản lý được. Tinh thần thượng tôn pháp luật chưa được như mong muốn, ngay cả trong cách hành xử của một số người được giao trách nhiệm thực thi công vụ. Đơn giản như vấn đề lòng lề đường mà còn quản chưa được thì việc lập “phố nhạy cảm” sẽ phát sinh nhiều phức tạp nữa”, ông Quân chia sẻ trên Thanh Niên.
Đại úy Nguyễn Nam Hào (thuộc Cơ quan CSĐT Bộ công an) cho rằng, mọi đề xuất đều phải căn cứ trên các quy định của pháp luật, phù hợp với pháp luật hiện hành thì đề xuất mới có tính khả thi. Các đề án đưa ra đều không được trái với các quy định của pháp luật.
A.T (tổng hợp)
>> Chấn động vùng quê vì chủ hụi vỡ nợ gần 14 tỉ đồng
>> Phải làm gì khi Blogger Matt Kepnes nói sẽ không trở lại du lịch VN?
>> Danh hài Hồng Tơ từng mang 550 cây vàng đi đánh bạc, chui vào tủ quần áo trốn nợ
>> Bí ẩn viên ruby bảo vật nặng 2,1kg ở Yên Bái
>> Ông Kim Jong-un ra lệnh xây trại heo, nhằm có thịt nuôi quân
>> Clip tài xế taxi ở Hà Nội ốm đòn vì tông nhiều người rồi bỏ chạy