Ta không chỉ chứng kiến việc nhịn đói khó khăn như thế nào khi một người không có “đạo đức”, mà ta còn chứng kiến việc đòi hỏi đạo đức từ một người đã bị bỏ đói cũng khó khăn không kém.
Trải nghiệm cái đẹp có thể khiến cuộc đời trở nên ý nghĩa
Có lần tôi phải trình tòa án một bản báo cáo sức khỏe tâm thần của cậu bé vị thành niên đã ăn trộm ổ bánh mì trong lúc tuyệt vọng cùng cực; phiên tòa xét xử đã đặt câu hỏi liệu cậu bé có cảm thấy “thấp kém” hay không. Phải thừa nhận rằng từ góc nhìn tâm thần học, cậu bé không thể được xét là có mặc cảm thấp kém dưới bất kỳ khía cạnh nào. Bởi vì, ở hoàn cảnh cụ thể ấy, cậu bé sẽ phải có tâm thế “thượng đẳng” mới có thể cưỡng lại sự cám dỗ khi đối mặt với cơn đói như thế!
Ta trao ý nghĩa cho cuộc đời không chỉ thông qua những hành động khi đáp lời, mà còn có thể đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống như một người đại diện tích cực, vừa như một người tràn đầy tình thương trong sự dâng hiến dành cho cái đẹp, cái vĩ đại, cái thiện. Nhưng tại sao việc trải nghiệm cái đẹp lại có thể khiến cuộc đời trở nên ý nghĩa.
Hãy hình dung bạn đang ngồi trong một khán phòng, lắng nghe bản giao hưởng yêu thích nhất, âm nhạc khiến bạn xúc động đến nỗi như có cơn run rẩy chạy dọc sống lưng. Bây giờ hãy hình dung trong khoảnh khắc ấy có ai đó hỏi rằng cuộc đời bạn có ý nghĩa gì không. Chắc chắn trong trường hợp này, bạn chỉ có thể đưa ra một câu trả lời đại loại: “Cuộc đời tôi có ý nghĩa vì đã được sống trong chính khoảnh khắc này!”.
Những người không thưởng thức nghệ thuật mà tận hưởng thiên nhiên có lẽ cũng có cảm giác tương tự như vậy, và cả những người trải nghiệm việc tìm hiểu người khác cũng vậy. Ta không biết được thứ cảm giác bất thình lình ập đến với sự hiện diện của một người đặc biệt là gì, và ta diễn dịch cảm giác ấy một cách đại khái: việc người ấy tồn tại trong thế giới này, chỉ việc ấy thôi đã khiến cho thế giới và cuộc đời trở nên có ý nghĩa.
Chúng ta trao ý nghĩa cho cuộc đời không chỉ thông qua hành động mà còn thông qua tình yêu, và cuối cùng là thông qua đau khổ. Bởi vì cách con người đương đầu với giới hạn bản thân sẽ liên quan đến việc giới hạn ấy ảnh hưởng thế nào đến hành động và khả năng yêu thương của họ, cách họ cư xử và chấp nhận đau khổ trước những hạn chế – trải qua tất cả những việc này nhưng họ vẫn có khả năng hoàn thiện giá trị con người.
Vậy là, cách ta giải quyết khó khăn sẽ thể hiện ta là ai và cũng giúp ta sống ý nghĩa hơn. Ta không nên quên tinh thần thể thao, thứ tinh thần chỉ có duy nhất ở con người! Vận động viên làm gì nếu không phải là tạo ra những khó khăn cho chính mình để rồi trưởng thành hơn bằng cách vượt qua chúng? Tất nhiên, việc tạo ra khó khăn cho bản thân không phải là điều khôn ngoan; về tổng thể, việc chịu đựng hậu quả bất hạnh chỉ có ý nghĩa nếu sự bất hạnh đó xảy ra là do định mệnh nên không thể né tránh và không thể trốn chạy.
Số phận là một phần thiết yếu trong cuộc sống
Định mệnh, tức là những gì xảy ra với chúng ta, chắc chắn có thể định hình theo cách này hay cách khác. Goethe, nhà khoa học, chính khách người Đức đã từng phát biểu rằng: “Không có bất kỳ tình cảnh khó khăn nào mà không thể được tôn vinh bằng thành tựu hay sức chịu đựng”. Hoặc ta thay đổi số phận khi có thể, hoặc ta cam lòng chấp nhận nếu cần thiết phải như thế. Dù trong trường hợp nào, chúng ta cũng đều đạt đến sự trưởng thành thông qua những bất hạnh ấy.
Dường như thật sai lầm khi con người chỉ biết oán trách bất hạnh đến với họ hoặc chì chiết số phận mình. Mỗi chúng ta sẽ trở thành thế nào nếu không có số phận sắp đặt? Sự tồn tại của chúng ta sẽ thành hình, thành dạng khác đi như thế nào nếu không phải chịu những nhát búa số phận và sự thiêu đốt của những thống khổ mà bàn tay số phận bắt ta gánh chịu? Những ai chống lại số phận – tức là chống lại những hoàn cảnh họ không thể chịu đựng và chắc chắn là họ không thể thay đổi - đã không hiểu thấu được ý nghĩa của số phận. Số phận là một phần thiết yếu trong tổng thể cuộc sống của chúng ta; và thậm chí không có chuyện một phần nhỏ nhất bị buộc tách lìa khỏi tổng thể này mà không phương hại đến toàn bộ, đến hình thái của tồn tại.
Vì vậy, số phận là một phần cuộc sống và nỗi thống khổ cũng như thế. Do đó, nếu như cuộc đời có ý nghĩa thì nỗi thống khổ cũng có ý nghĩa. Thế nên, chừng nào nỗi thống khổ còn cần thiết và không thể tránh khỏi, chừng đó nó còn có khả năng mang lại ý nghĩa. Có một sự nhất trí công nhận và đánh giá cao về nỗi thống khổ như thế.
Nhiều năm trước, tin tức ghi nhận việc Hội Hướng đạo nam sinh ở Anh đã trao giải thưởng cho ba cậu bé đạt được những thành tựu xuất sắc; vậy ba cậu bé nhận giải thưởng này là ai? Đó là ba bé trai phải điều trị bệnh nan y mà vẫn chịu đựng số phận nghiệt ngã bằng lòng dũng cảm không chút sợ hãi. Đây là một sự công nhận rõ ràng rằng nỗi thống khổ đích thực của một số phận độc nhất vô nhị chính là một thành tựu và là thành tựu cao nhất mà con người có thể đạt được. Do vậy, điều quan trọng nhất ở đây không phải là thành tựu hay sự chịu đựng – đúng hơn là, trong một số trường hợp, bản thân sự chịu đựng đã là thành tựu vĩ đại nhất.
Nhà thơ người Áo Rilke từng có lần thốt lên: “Chúng ta phải chịu hết những đau khổ!”. Rilke thấu hiểu rằng nếu những thành tựu ý nghĩa trong cuộc đời của chúng ta có thể đạt được trong công việc thì cũng có thể tìm thấy trong nỗi thống khổ.
Dù như thế nào, luôn chỉ có một lựa chọn trong cùng một thời điểm để trao ý nghĩa cho cuộc đời, cho khoảnh khắc. Vì vậy, dù ở bất kỳ thời điểm nào, chúng ta chỉ cần đưa ra một đáp án, nhưng mỗi lần như thế, cuộc đời sẽ đặt ra một câu hỏi rất cụ thể. Tất cả những điều này dẫn đến thực tế là cuộc đời luôn cho chúng ta một khả năng để hoàn thiện ý nghĩa, do đó luôn tồn tại một lựa chọn có ý nghĩa.
Ta cũng có thể nói rằng con người tạo ra ý nghĩa thông qua sự tồn tại cho đến “tận hơi thở cuối cùng”; miễn là còn thở, còn có ý thức được thì mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trả lời những câu hỏi của cuộc đời. Điều này sẽ không gây ngạc nhiên khi ta nhớ lại chân lý cơ bản sâu xa nhất của việc làm người chính là phải có ý thức và trách nhiệm!