Vào ngày 21.3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến ​​bỏ phiếu về nghị quyết đầu tiên của tổ chức quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm đảm bảo công nghệ mới này mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia, tôn trọng nhân quyền và “an toàn, bảo mật, đáng tin cậy”.
Nhịp đập khoa học

Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết đầu tiên về AI, do Mỹ đề xuất

Sơn Vân 17:34 21/03/2024

Vào ngày 21.3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến ​​bỏ phiếu về nghị quyết đầu tiên của tổ chức quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm đảm bảo công nghệ mới này mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia, tôn trọng nhân quyền và “an toàn, bảo mật, đáng tin cậy”.

Mỹ, nước đề xuất nghị quyết này, hy vọng tổ chức thế giới sẽ thông qua nó bằng sự đồng thuận, nghĩa là sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Jake Sullivan cho biết nếu nghị quyết được thông qua thì đó sẽ là một “bước tiến lịch sử” trong việc thúc đẩy việc sử dụng AI một cách an toàn.

Trong một tuyên bố với hãng tin AP hồi đầu tháng 3, Jake Sullivan nói: “Nghị quyết sẽ thể hiện sự ủng hộ toàn cầu với bộ nguyên tắc cơ bản để phát triển và sử dụng AI, đồng thời sẽ vạch ra con đường tận dụng các hệ thống AI một cách tốt đẹp và quản lý rủi ro”.

Dự thảo nghị quyết nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các nước giàu và các quốc gia đang phát triển nghèo hơn, đồng thời đảm bảo tất cả nước này đều có mặt trong các cuộc thảo luận về AI. Nó cũng nhằm mục đích đảm bảo rằng các nước đang phát triển có công nghệ và khả năng tận dụng lợi ích của AI, bao gồm phát hiện bệnh tật, dự đoán lũ lụt, giúp đỡ nông dân và đào tạo lực lượng lao động thế hệ tiếp theo.

Dự thảo nghị quyết ghi nhận sự phát triển và sử dụng AI đang diễn ra nhanh chóng, đồng thời nhấn mạnh “tính cấp bách của việc đạt được sự đồng thuận toàn cầu về các hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”. Ngoài ra, nó cũng chỉ ra rằng “quản trị hệ thống AI là một lĩnh vực đang phát triển” cần thảo luận thêm về các phương pháp khả thi.

Các Big Tech (hãng công nghệ lớn) nói chung đã ủng hộ việc cần phải điều chỉnh AI, đồng thời vận động hành lang để đảm bảo bất kỳ quy tắc nào đều có lợi cho họ.

Các nhà làm luật Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt lần cuối vào ngày 13.3 với các quy tắc AI toàn diện đầu tiên trên thế giới, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới sau một vài thủ tục cuối cùng.

Các quốc gia trên thế giới, gồm cả Mỹ, Trung Quốc và G20 (nhóm 20 nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu) cũng đang tiến hành xây dựng các quy định về AI.

Dự thảo nghị quyết lưu ý đến những nỗ lực khác của Liên Hợp Quốc, gồm cả của Tổng thư ký Antonio Guterres và Liên minh Viễn thông Quốc tế, nhằm đảm bảo rằng AI được sử dụng để mang lại lợi ích cho thế giới.

Jake Sullivan nói với AP rằng Mỹ đã nhờ đến Đại hội đồng, cơ quan hoạch định chính sách chính của Liên Hợp Quốc, “để có một cuộc thảo luận toàn cầu thực sự về cách quản lý những tác động của công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng”.

Dự thảo nghị quyết của Mỹ khuyến khích tất cả quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế, cộng đồng công nghệ, xã hội dân sự, giới truyền thông, học viện, tổ chức nghiên cứu, cá nhân “phát triển và hỗ trợ các khuôn khổ và phương pháp quản lý và quản trị cho các hệ thống AI an toàn”. Nó cảnh báo chống lại việc “thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng hệ thống AI không đúng hoặc độc hại, chẳng hạn như không có biện pháp bảo vệ đầy đủ hoặc theo cách không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Theo dự thảo nghị quyết, mục tiêu chính là sử dụng AI để giúp thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển đang bị tụt hậu của Liên Hợp Quốc vào năm 2030, bao gồm chấm dứt nạn đói nghèo toàn cầu, cải thiện sức khỏe trên toàn thế giới, đảm bảo chất lượng giáo dục cho tất cả trẻ em và đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

Dự thảo nghị quyết kêu gọi 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và các bên khác hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận các lợi ích của chuyển đổi kỹ thuật số cùng hệ thống AI an toàn. Nó “nhấn mạnh rằng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản phải được tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy trong suốt vòng đời của hệ thống AI”.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính phủ nước này đã bắt đầu đàm phán với tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc khoảng 3 tháng trước, dành hàng trăm giờ đàm phán trực tiếp với từng quốc gia và 42 giờ đàm phán, chấp nhận ý kiến đóng góp từ 120 nước. Nghị quyết đã trải qua nhiều bản dự thảo và đạt được sự ủng hộ đồng thuận từ tất cả quốc gia thành viên vào tuần trước, quan chức này nói với điều kiện giấu tên vì ông không được phép phát biểu công khai.

Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, nói với AP vào tuần trước rằng nghị quyết “nhằm xây dựng sự đồng thuận quốc tế về cách tiếp cận chung trong việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng hệ thống AI”, đặc biệt là hỗ trợ các mục tiêu của Liên Hợp Quốc vào năm 2030.

Bà nói, nếu nghị quyết được thông qua, đó sẽ là “một bước tiến lịch sử trong việc thúc đẩy AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy trên toàn thế giới”.

lien-hop-quoc-bo-phieu-ve-nghi-quyet-dau-tien-ve-ai.jpg
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho biết nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc “sẽ vạch ra con đường tận dụng tốt các hệ thống AI, đồng thời quản lý rủi ro” - Ảnh: AFP

Ngày 14.3 vừa qua, tại hội nghị ở Ý, các Bộ trưởng Công nghiệp G7 (nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) nhất trí điều chỉnh các quy tắc về phát triển AI và bảo đảm chuỗi cung ứng trong những lĩnh vực quan trọng.

Bộ trưởng Công nghiệp Ý - Adolfo Urso cho biết việc điều chỉnh các quy tắc nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng nhất của AI và những lĩnh vực công nghệ mới nổi. Các nước sẽ hỗ trợ đầu tư chung vào AI, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ủy ban châu Âu yêu cầu các ứng dụng, nền tảng số, mạng xã hội cung cấp thông tin về cách thức xử lý, ứng phó rủi ro mà công nghệ sử dụng AI có thể gây ra với hoạt động bầu cử. Yêu cầu được gửi đến các nền tảng TikTok, Facebook, Instagram, X, Snapchat, Google, YouTube và Bing.

EC nêu rõ những rủi ro mà AI có thể gây ra, như cung cấp thông tin sai lệch, phát tán hình ảnh, âm thanh và video giả mạo do công nghệ deepfake tạo ra, hay thao túng các dịch vụ có thể gây rối loạn thông tin với cử tri.

Tại phiên đối thoại về kinh tế lần thứ ba diễn ra gần đây tại thành phố Busan (Hàn Quốc), các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thảo luận về tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng, công nghệ mới nổi và lĩnh vực kỹ thuật số.

Các bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu chung về các công nghệ cốt lõi và mới nổi. Về quản trị AI, ba nước nhất trí phối hợp chặt chẽ trong ứng phó các mối đe dọa an ninh mạng và bảo mật dữ liệu.

Bài liên quan
Thuốc điều trị bệnh phổi nguy hiểm do AI phát triển đầu tiên trên thế giới bước vào thử nghiệm lâm sàng
Một loại thuốc thử nghiệm được thiết kế với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI) nhắm vào căn bệnh phổi nguy hiểm và thường gây tử vong đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ở Trung Quốc và Mỹ, theo công ty phát triển thuốc Insilico Medicine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
8 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết đầu tiên về AI, do Mỹ đề xuất