Khi nào việc liên kết vùng Đông Nam Bộ còn quanh quẩn trên bàn giấy, trong các buổi hội thảo thì kinh tế khu vực này chưa thể cất cánh.

Liên kết Đông Nam Bộ vẫn là hình thức

Theo NLĐ | 18/09/2016, 05:56

Khi nào việc liên kết vùng Đông Nam Bộ còn quanh quẩn trên bàn giấy, trong các buổi hội thảo thì kinh tế khu vực này chưa thể cất cánh.

Việc làm sao tăng tính liên kếttrong vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đưa vùng kinh tế trọng điểm này phát triển đúng tầm... được các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đưa ra bàn thảo sôi nổi tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016. Hội thảo năm nay có chủ đề “Hội nhập quốc tế: Tận dụng các cơ hội mới cho liên kết và tăng trưởng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban Kinh tế trung ương cùng 9 địa phương trong vùng tổ chức sáng 16.9 tại TP. HCM.

Tắc nghẽn giao thông lẫn giao thương

Đông Nam Bộ đã được quy hoạch thành vùng kinh tế trọng điểm và đang là khu vực năng động nhất cả nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là khu vực đầu tàu kinh tế cả nước với 4 hạt nhân là TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực này đang đứng thứ hai cả nước về số DN thành lập mới với 3.376, chiếm 69% tổng số DN thành lập mới của cả nước.

Mặc dù giữ vị trí kinh tế quan trọng như vậy nhưng Đông Nam Bộchưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng chưa phát triển kịp nhu cầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, vấn đề liên kết vùng còn yếu. Đặc biệt, vùng kinh tế trọng điểm này còn thiếu thể chế đặc thù cũng như quy chế điều phối và liên kết kinh tế.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết thời gian qua, mặc dù đóng góp lớn cho GDP nhưng các tỉnh Đông Nam Bộ chỉ giữ lại được 18,5% cho đầu tư phát triển. Do chưa được đầu tư tương xứng nên vùng chưa thể phát triển mạnh, giao thông trong vùng có nguy cơ tắc nghẽn dẫn đến tắc nghẽn về giao thương. Nếu được giữ lại nhiều hơn cho đầu tư, vùng này đã phát triển nhanh và mạnh hơn.

Nếu chỉ hăng hái hội nhập mà bỏ qua khâu chuẩn bị năng lực nội tại thông qua cải cách thể chế thì sẽ bỏ qua cơ hội và phải trả giá lớn. Hội nhập mang lại vô vàn cơ hội nhưng song song đó là hàng loạt thách thức rất lớn, trong khi nguồn lực và năng lực còn rất hạn chế. Chẳng hạn, trường hợp TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) được thông qua, về lý thuyết, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này nhiều nhất, trong đó ngành dệt may hưởng lợi lớn nhất.

Tuy nhiên, theo tính toán, dệt may Việt Nam chỉ hưởng lợi 5,3% vì 70%-80% bông xơ sợi Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... nên không đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi để được hưởng ưu đãi thuế của TPP.

“Trong khi đó, 2 năm nay, rất nhiều DN nước ngoài đổ vào Việt Nam để đón đầu, hưởng lợi từ TPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Với thách thức như trên, làm thế nào để biến cơ hội thành hiện thực là bài toán vô cùng khó trong điều kiện năng lực chớp cơ hội còn rất hạn chế. Đây không chỉ là vấn đề nan giải của vùng Đông Nam Bộ mà còn của cả nước, phụ thuộc vào tầm nhìn, ý chí, năng lực của các địa phương” - TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Vẫn mạnh ai nấy làm

TS Vũ Thành Tự Anh nhận xét vấn đề liên kết vùng đã đặt ra cả chục năm qua nhưng là liên kết mang tính hành chính, hình thức, chứ không phải cơ chế hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, việc liên kết vùng cần dựa trên các quy luật của thị trường, nương theo dòng chảy của thị trường.

Cho rằng việc phối hợp giữa các ngành, các địa phương chưa chặt chẽ, ông Võ Văn Khoa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước, nêu dẫn chứng thời gian qua, việc liên kết vùng chưa trở thành trọng tâm phát triển, các tỉnh chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu vùng, thiếu sự hợp tác của các địa phương trong việc hoạch định chính sách, giới thiệu và phân bổ nhà đầu tư... Việc xúc tiến đầu tư vào KCN, cụm công nghiệp chủ yếu do DN tự tìm đến, sau đó mới thông qua địa phương. Hệ quả của việc thiếu liên kết dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nhà đầu tư.

Ông Võ Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc liên kết còn nằm trên văn bản, chứ chưa triển khai thực tế nên địa phương nào nấy làm, dẫn đến vỡ quy hoạch.

Kết thúc diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia và DN vẫn chưa tìm được lời giải chung cho bài toán liên kết vùng.

Chỉ số mở cửa đạt gần 110%

Theo ông Đặng Xuân Quang, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính theo độ mở cửa kinh tế, đo bằng tỉ trọng xuất khẩu trên GDP, Đông Nam Bộ có chỉ số mở cửa đạt gần 110%, trong khi cả nước chỉ khoảng 70%. Tỉ lệ đầu tư trên GDP ở Đông Nam Bộ chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước, nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,4-1,6 lần bình quân cả nước.

Tính đến tháng 8.2016, đã có 11.537 dự án nước ngoài đầu tư vào khu vực này với tổng vốn 140,2 tỉ USD. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn vùng đạt gần 60 tỉ USD vốn đăng ký, chiếm 45%-55% đầu tư nước ngoài của cả nước.

Theo Thanh Nhân/Người lao động
Bài liên quan
Liên kết vùng để cùng nhau ứng phó hạn mặn tại ĐBSCL
“Từ nửa cuối tháng 12.2023 tới nay, đa phần khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như không có mưa, chỉ một số nơi có lượng mưa rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm ở tất cả mọi nơi với tỉ lệ hụt chuẩn lượng mưa trong thời kỳ này từ 62-94%”, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên kết Đông Nam Bộ vẫn là hình thức