Hãng Al Jazeera dẫn giới phân tích nhận định lời kêu gọi kiềm chế mà Mỹ đưa ra có thể bị Israel phớt lờ, tình hình chính trị trong nước mới là yếu tố chi phối quyết định của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Góc nhìn

Liệu Mỹ có thể kiềm chế Israel?

Cẩm Bình 16/04/2024 14:21

Hãng Al Jazeera dẫn giới phân tích nhận định lời kêu gọi kiềm chế mà Mỹ đưa ra có thể bị Israel phớt lờ, tình hình chính trị trong nước mới là yếu tố chi phối quyết định của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Trước đợt tấn công lớn mà Iran vừa thực hiện, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định luôn sát cánh bên đồng minh nhưng lại kêu gọi Israel không nên thực hiện thêm hành động nào có thể kéo khu vực vào một cuộc chiến rộng lớn hơn.

Theo giới phân tích, vài ngày tới sẽ chứng minh hai điều trên tương thích với nhau không.

Động thái khó hiểu của Mỹ

img_3261.jpeg
Mỹ kêu gọi Israel nuốt giận, tránh gây leo thang hơn nữa - Ảnh: Reuters

Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Quincy Trita Parsi nhận định rằng với cả Mỹ lẫn Israel, đợt tấn công mới nhất của Iran là hành động táo bạo. Động thái này trao cho Washington cái cớ duy trì sự hỗ trợ quân sự cho đồng minh, đồng thời chuyển hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế khỏi khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra ở Dải Gaza.

“Israel được Tổng thống Biden đề nghị xem sự phản công vừa rồi là một chiến thắng và hãy ngừng tay. Nhưng đề nghị không đủ mạnh, bởi suốt 7 tháng qua Thủ tướng Netanyahu luôn không nghe lời khuyên lẫn cảnh báo từ Tổng thống Biden. Đây là thời điểm nhà lãnh đạo Mỹ phải đặt ra giới hạn rõ ràng và mạnh mẽ hơn để Israel không đẩy toàn khu vực đến bờ vực chiến tranh”, theo ông Parsi.

Iran tuyên bố đợt tấn công mới nhất nhằm mục đích đáp trả vụ tập kích khuôn viên Đại sứ quán nước này ở Syria ngày 1.4. Một số nhà phân tích cho rằng Tehran còn muốn thông qua vụ tấn công để gửi thông điệp đến Mỹ.

99% trong số hơn 300 máy bay không người lái (UAV) lẫn tên lửa bị Israel cùng đối tác đánh chặn thành công. Như vậy đợt tấn công cho phép Iran đáp ứng kỳ vọng "phải đáp trả" mà lại loại bỏ được loạt yếu tố khó lường làm bùng lên chiến tranh tầm khu vực, theo học giả Khalil Jahshan (Trung tâm Ả Rập Washington D.C). Ông nêu ý kiến: “Mặc dù không tin thuyết âm mưu, tôi vẫn có cảm giác rằng các bên liên quan phối hợp với nhau. Rất nhiều thông tin đã được chia sẻ giữa Iran với Mỹ. Vì vậy đợt tấn công chẳng hề bất ngờ, nói cách khác đây giống vở kịch chính trị”.

Nhà phân tích Brian Finucane (tổ chức Crisis Group) nhận định tuyên bố mà chính quyền Tổng thống Biden đưa ra sau đợt tấn công ngày 14.4 đại diện cho cách tiếp cận của Mỹ với xung đột Dải Gaza 7 tháng qua: đóng cả vai kẻ phóng hỏa lẫn lính cứu hỏa.

Washington không ngừng hỗ trợ đồng minh về vật chất lẫn chính trị bất chấp áp lực ngày càng tăng do chiến dịch quân sự Israel thực hiện gây thương vong quân sự quá lớn. Chính quyền Tổng thống Biden chủ yếu gây sức ép với Thủ tướng Netanyahu bằng lời nói thay vì hành động cụ thể, phải đến đầu tháng 4 khi xảy ra vụ việc Israel tấn công nhầm đoàn xe cứu trợ khiến 7 nhân viên thiệt mạng thì Mỹ mới thể hiện lập trường cứng rắn hơn.

Đặc biệt, ông Finucane còn lưu ý rằng Israel dùng chiến đấu cơ Mỹ cung cấp thực hiện hoạt động tấn công mục tiêu tại Syria kể cả vụ tập kích khuôn viên Đại sứ quán Iran - động thái vi phạm Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Washington.

Học giả Joshua Landis (Đại học Oklahoma) cũng chỉ ra Mỹ, Anh, Pháp từng phản đối Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố lên án vụ tập kích khuôn viên Đại sứ quán Iran. Theo ông, “Mỹ nói đã đến lúc ngừng leo thang, nhưng trên thực tế họ đang “đổ dầu vào lửa” khi đứng về phía Israel một cách phiến diện và vi phạm chuẩn mực quốc tế”.

Israel có chịu ngừng?

Giới phân tích cho rằng quyền quyết định hoàn toàn nằm trong tay Israel. Học giả Firas Maksad (Viện Nghiên cứu Trung Đông) nhận định Mỹ - Israel đều có không muốn căng thẳng leo thang vì lý do riêng của mỗi nước. Tuy nhiên Thủ tướng Netanyahu lại rất khó đoán, và nếu Tel Aviv không chịu ngừng tay thì Washington buộc phải tiếp tục hỗ trợ đồng minh.

Giáo sư Andreas Krieg (Đại học King London) nhấn mạnh với cả Mỹ lẫn Israel, tình hình chính trị trong nước sẽ định hướng bước đi tiếp theo.

“Thủ tướng Netanyahu rất cần một chiến thắng. Ông ấy cần khẩn trương thể hiện sức mạnh trước cử tri nên dễ quyết định sự leo thang căng thẳng hơn. Nhà lãnh đạo Israel luôn mạo hiểm vì sự sống còn chính trị của mình”, theo học giả Krieg. Tiếp tục chiến tranh dường như cách tốt nhất để Thủ tướng Netanyahu duy trì quyền lực.

Trong khi đó, đợt tấn công mà Iran vừa thực hiện “tiếp sức” cho nỗ lực cấp thêm viện trợ cho Israel ở Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cuối tuần trước tuyên bố chuẩn bị đưa gói viện trợ mới ra bỏ phiếu thông qua.

Học giả Landis nhận định Tổng thống Biden vẫn tiếp tục chịu áp lực phải chấm dứt được xung đột, nhưng ông hiểu rõ cái giá của quyết định trở mặt với Israel khi bầu cử sắp diễn ra.

Bài liên quan
Ông Trump đổi ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ
Đài CNN đưa tin Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa lựa chọn quan chức tư pháp bang Florida Pam Bondi giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, thay thế ứng viên Matt Gaetz rút lui.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu Mỹ có thể kiềm chế Israel?