Nhìn chung những nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất đều có sự "góp mặt" từ Trung Quốc. Đơn cử ở nhóm hàng lớn nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thì Trung Quốc đứng thứ 2 với kim ngạch đạt 5,05 tỉ USD, trong khi tốc độ tăng đến 80,8%.
Thống kê của Tổng cục Hải quan tính đến hết tháng 5.2019 cho thấy, Việt Nam chi tới 29,9 tỉ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc những tháng vừa qua tăng rất cao, lên tới 20,3% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm đến 29,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm. Như vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất.
Hơn nữa, tốc độ tăng trường kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc cũng nằm trong nhóm các thị trường có tốc độ tăng cao nhất những tháng đầu năm. Cụ thể, với nhóm hàng lớn nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thì Trung Quốc đứng thứ 2 với kim ngạch đạt 5,05 tỉ USD và tốc độ tăng lên đến 80,8%.
Ở những nhóm hàng lớn khác, Trung Quốc cũng hầu hết chiếm vị trí cao nhất về kim ngạch như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 5,67 tỉ USD, tăng 29,2% (chiếm 38% kim ngạch nhập khẩu cả nước).
Nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 4,69 tỉ USD (chiếm hơn 46% kim ngạch cả nước), tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng nhóm điện thoại các loại và linh kiện nhập từ Trung Quốc đạt 2,75 tỉ USD (chiếm 56,6% kim ngạch cả nước), giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 2,59 triệu tấn, trị giá đạt 1,63 tỉ USD, tăng 0,1% về lượng, giảm 12,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Hóa chất và sản phẩm từ hóa chất, Trung Quốc cũng chiếm vị trí số 1 với kim ngạch 1,27 tỉ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018... Theo đó, tính đến hết tháng 5.2019 có tới 5 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên.
Tuyết Nhung