Ở ngoài, một cuộc chửi bới có thể có cả trăm người nhìn thấy nhưng trên mạng xã hội là hàng nghìn, hàng triệu người biết. Trẻ con sẽ bị tiêm nhiễm, luôn tìm những cuộc "xâu xé đồng loại" làm trò vui…

Livestream chửi bới trên mạng xã hội: Những cuộc "xâu xé" rùng mình

Theo Dân Trí | 14/06/2021, 15:04

Ở ngoài, một cuộc chửi bới có thể có cả trăm người nhìn thấy nhưng trên mạng xã hội là hàng nghìn, hàng triệu người biết. Trẻ con sẽ bị tiêm nhiễm, luôn tìm những cuộc "xâu xé đồng loại" làm trò vui…

Tế nạn nhức nhối "phát ngôn gây thù hận" trên mạng xã hội

VTV vừa lên án một cô người mẫu nổi tiếng của showbiz Việt vì hành vi phản cảm, lên mạng xã hội livestream chửi rủa nhân viên của mình với những lời lẽ tục tĩu. Theo VTV, có một tệ nạn nhức nhối "phát ngôn gây thù hận" đang xuất hiện trên mạng xã hội. Tệ nạn này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, thuần phong mĩ tục của người Việt.

Liên quan đến những phát ngôn thiếu chuẩn mực, bôi nhọ; VTV đã dẫn chứng vào tháng 8 năm ngoái, trong lúc livestream bán hàng, Facebook cá nhân có tên "Huấn Hoa Hồng" đã có những phát ngôn vu khống 80% cán bộ, công chức, thanh niên TP.HCM sử dụng ma túy. Hành động này khiến cá nhân này bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

vtv1.jpeg

Việc một cô người mẫu mắng chửi nhân viên cũng được nhắc tới trong chương trình Thời sự 19h VTV1 – 13.6.2021.

Trước đó, có nhiều "hiện tượng mạng" nổi lên chỉ vì những lần livestream với những nội dung chửi bới cũng bị dư luận phản ứng như Khá "Bảnh", Dương Minh Tuyền…

Thực tế, ngày càng nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để livestream chửi bới, cho mình cái quyền phán xét, nhục mạ, công kích người khác nếu không vừa ý. Chỉ cần gõ từ khóa "livestream chửi nhau", "thánh chửi"… trên google là ra hàng triệu kết quả các loại.

"Rùng mình trước những cuộc "xâu xé" người khác bằng các livestream"

Đó là chia sẻ của ca sĩ Thái Thùy Linh trước hiện tượng "rác văn hóa" đang ngập tràn trên mạng xã hội.

"Đây là trăn trở của tôi từ nhiều ngày nay. Tôi rất buồn vì xu hướng xã hội, văn hóa càng lúc càng đi xuống.

Nhiều người chạy theo giá trị vật chất, quá vội vàng, vì mệt mỏi. Trong đó có cả lý do dịch bệnh làm cho người ta bị bức bối, bị rơi vào thế kẹt, không biết than thở với ai nên có bộ phận có xu hướng xả stress bằng cách tìm niềm hả hê xấu xí khi nhìn những cuộc nhậu "xâu xé" người khác bằng các livestream chửi bới trên mạng xã hội.

Tôi thấy hình ảnh đó không khác gì hình ảnh một con gà hơi yếu, sơ sẩy một chút thì bị đàn gà lao vào mổ. Hiện tại có một bộ phận đang có kiểu đấy. Họ dùng lời lẽ nhấn chìm người khác. Tôi rất sợ hình ảnh đấy.

Tôi cảm nhận, một số người bức bối bởi cuộc sống thực tại, bị đè nén nên người ta thèm khát những gì như trong phim. Đơn giản như cuộc livestream chửi nhau, đấu võ miệng trên mạng cũng có rất nhiều người xem.

Thỉnh thoảng tôi cũng lướt qua những diễn đàn, dừng lại quan sát cách người ta tranh luận, ứng xử với nhau. Có những bình luận kiểu hả hê "như phim Trung Quốc, như phim cung đấu". Tôi thấy tình trạng này rất báo động. Nhiều người đang cổ vũ cái xấu, đang khơi gợi cái xấu bên trong những người khác, để họ hùa theo. Thậm chí, có những người trí thức nói rằng những cuộc "cắn xé" nhau trên mạng khiến họ không khỏi… rùng mình!

Những ngày vừa rồi vừa xem thông tin về COVID-19 vừa quan sát những đám đông trên mạng xã hội, tôi cảm thấy rất đau xót. Văn hóa đang bị kéo xuống, văn hóa lệch chuẩn lên ngôi.

Nhiều người có xu hướng cuốn theo những nội dung mang lại cảm xúc tiêu cực, cảm xúc thỏa mãn, hả hê trên nỗi đau của người khác. Xuất hiện những tòa án của đám đông cuồng nộ. Trong khi đó, những thông tin tích cực lại ít người quan tâm", ca sĩ Thái Thùy Linh nói.

vtv2.jpeg

Ca sĩ Thái Thùy Linh: "Đây là trăn trở của tôi từ nhiều ngày nay. Tôi rất buồn vì xu hướng xã hội, văn hóa càng lúc càng đi xuống...".

Cô chia sẻ thêm: "Tôi cực kỳ lo lắng cho trẻ em. Những đứa trẻ đã thiếu thốn đủ thứ để học hỏi, giải trí giờ toàn xuất hiện những thứ xấu như thế này, trong khi chúng như những tờ giấy trắng...

Rồi những đứa trẻ bị tiêm nhiễm, lớn lên với tâm thế luôn tìm những cuộc "xâu xé đồng loại" làm trò vui? Như thế thì cực kỳ nguy hiểm!".

"Phải có chế tài siết chặt hành động gây rối, hạ nhục người khác trên mạng"

Theo ca sĩ Thái Thùy Linh cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý tình trạng livestream chửi bới, clip dọa nạt, phát ngôn gây thù hận… trên mạng xã hội.

"Nếu hai người trực tiếp chửi nhau thì đó là chuyện giữa hai người, hoặc cùng lắm có bộ phận nhỏ những người xung quanh chứng kiến nhưng trên mạng xã hội thì có cả hàng nghìn, hàng triệu người biết.

Chính vì thế, việc chửi bới, vu khống, hạ nhục nhau trên mạng xã hội còn kinh khủng hơn là gây rối trật tự nơi công cộng ở ngoài đời thực. Đối với tôi, đó là gây rối trật tự công cộng trên mạng xã hội.

Trong cuộc sống đời thường đã có quy định xử phạt về việc gây rối trật tự nơi công cộng thì trên mạng xã hội cũng phải có chế tài để xử lý.

Ở ngoài, một cuộc đánh ghen, chửi bới sỉ nhục có thể có cả trăm người nhìn thấy nhưng trên mạng xã hội thì có cả hàng nghìn, hàng triệu người biết. Nếu ở ngoài, có ồn ào, công an sẽ xuất hiện để giải tán đám đông. Nên chăng, giờ cũng áp dụng như thế đối với những cuộc ồn ào trên mạng xã hội.

Khi có những cuộc chửi bởi, ảnh hưởng gây rối trên mạng xã hội, mọi người được quyền báo cáo, gửi tin nhắn về địa chỉ, cơ quan nào. Lúc đấy, các cơ quan quản lý vào cuộc. Đầu tiên là tạm dừng cuộc chửi bới, tranh luận, tạm khóa trang lại để điều tra xử lý.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng thì các cơ quan truyền thông, các trang tin cũng cần xem lại, siết chặt hơn cách truyền tải thông tin. Tôi được biết, có trang tin đưa những thông tin tiêu cực, mang lại năng lượng xấu. Thậm chí có trang tin bám sát, tường thuật chi tiết từng cuộc chửi nhau trên mạng xã hội. Tôi nghĩ, như thế vô tình là "cổ súy" cho những hành động sai trái tiếp diễn cũng như độc giả sẽ bị "đầu độc".

Giống như trước đây, có hiện trạng đăng tải, chia sẻ hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác (bị lộ) một cách thoải mái. Nhưng sau khi có chế tài, người ta rón rén hơn hẳn.

Vậy, bây giờ chỉ có chế tài siết chặt thì người ta sẽ cân nhắc nhiều hơn trước khi múa phím, sử dụng mạng xã hội như công cụ để hạ nhục người khác", ca sĩ Thái Thùy Linh khẳng định.

Lãnh Thanh Thu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Livestream chửi bới trên mạng xã hội: Những cuộc "xâu xé" rùng mình