Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lo ngại rằng, việc Mỹ đánh thuế với hàng Trung Quốc sẽ dẫn tới nguy cơ các sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam.

Lo hàng Trung Quốc tràn ngập Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

tuyetnhung | 09/07/2018, 16:26

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lo ngại rằng, việc Mỹ đánh thuế với hàng Trung Quốc sẽ dẫn tới nguy cơ các sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm (Hà Nội, 9.7), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ đã có báo cáo lên Chính phủ về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tới nền kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại cuộc họp- Ảnh: MOIT

Bộ trưởng cho rằng cuộc chiến này không chỉ là cạnh tranh thương mại, mà còn là cạnh tranh quyền lực, là cuộc chiến về bản quyền, công nghệ, chính sách tiền tệ... giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ không chỉ áp thuế với Trung Quốc mà còn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước đồng minh của mình.

Đáng chú ý, người đứng đầu ngành Công Thương bày tỏ lo ngại việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm của Trung Quốc gồm cả các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ... sẽ tràn vào Việt Nam

"Chúng ta đã áp dụng thuế tự vệ với thép, phân bón nhưng dệt may, đồ gỗ, da giày. Nếu những sản phẩm này của Trung Quốc bị chặn đường xuất khẩu sang Mỹ thì họ sẽ đẩy mạnh xuất sang Việt Nam, liệu chúng ta có dễ dàng ngăn chặn không?", Bộ trưởng đặt câu hỏi

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - ông Phan Văn Chinh nhìn nhận nhiều ý kiến cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ là cơ hội cho Việt Nam nhưng theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu thì đây không là cơ hội vì nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở, vì vậy mọi hoạt động diễn ra trên thế giới đều gây tác động cụ thể.

Thậm chítheo ông Chinh, nếu không xử lý khéo léo thì Mỹ có thể sẽ áp dụng chính sách này với các nước xuất siêu sang Mỹ. Như vậy, thách thức đối với xuất khẩu có thể thấy rõ.

Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, điểm khó trong cuộc chiến này là chưa biết rõ thời gian kết thúc khi nào nên khó đưa ra dự báo chính xác để xây dựng được chiến lược ứng phó. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt được đưa ra sẽ là tổ chức tốt nguồn hàng; củng cố,mở rộng thị trường xuất khẩu và khâu tổ chức xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 113,93 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017 (thấp hơn mức tăng 19,4% của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016), bằng 48% kế hoạch năm. Trong đó, đáng chú ý có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỉ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỉ USD), hàng dệt, may (13,42 tỉ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỉ USD), giày dép các loại (7,79 tỉ USD). Bộ Công Thương dự báo cả năm nay kim ngạch sẽ đạt 240 tỉ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc các nước tăng cường áp dụng biện pháp bảo hộ khiến xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng.

Theo đó, Bộ sẽ cố gắng "khơi thông" thị trường xuất khẩu, cụ thể là kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; xác định tiếp tục tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp. Cùng với đó là việc thay đổi một cách căn bản hơn công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tuyết Nhung
Bài liên quan
Bộ Công Thương thúc đẩy thực hiện các quy hoạch về năng lượng, khoáng sản
Bộ Công Thương đang khẩn trương thực hiện các quy hoạch về năng lượng và khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo hàng Trung Quốc tràn ngập Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung