Bình quân mỗi năm có đến 70% sản lượng sầu riêng Đắk Lắk xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Xuất khẩu trái sầu riêng cần đa dạng thị trường thay vì chỉ đưa sang Trung Quốc

Hồ Phong | 22/07/2022, 11:40

Bình quân mỗi năm có đến 70% sản lượng sầu riêng Đắk Lắk xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Hôm nay 22.7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam, ngay tại tỉnh Đắk Lắk, nơi có diện tích trồng sầu riêng lớn tại Tây Nguyên.

Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngày 11.7, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này.

Theo Sở NN-PTNT, hiện Đắk Lắk có khoảng 17.000ha sầu riêng, trong đó có khoảng 15.000ha cho thu hoạch; sản lượng khoảng 140.000 tấn và dự kiến sản lượng đến năm 2025 là 300.000 tấn. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai rất thích hợp, các giống sầu riêng được người dân Đắk Lắk trồng nhiều như Ri6, Dona… có giá trị kinh tế cao.

 Được biết, từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh, duy trì trung bình hằng năm hơn 16%. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam, nhưng chủ yếu là đi theo đường tiểu ngạch. Khi nghị định thư được chính thức thông qua, sầu riêng Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Đắk Lắk nhìn nhận sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với vùng trồng sầu riêng của tỉnh. Trước hết là sản phẩm sẽ có thị trường ổn định, sản lượng xuất đi sẽ tăng lên và giá bán cũng sẽ tăng lên đáng kể…

Và để đón đầu cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững ngay khi Nghị định thư bắt đầu được xây dựng. 

Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã thiết lập và xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.500ha và 24 mã cơ sở đóng gói trên địa bàn toàn tỉnh. Ta đang chờ phía Trung Quốc xem xét và cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng.

Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết sở đã làm tất cả những gì cần thiết để phía Trung Quốc kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng đủ tiêu chí cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch. Cơ quan chức năng đã tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các chủ vườn, chủ cơ sở đóng gói, đồng thời tăng cường kiểm tra để bảo đảm không có việc gian lận trong hoạt động xuất khẩu. Đây là bước đầu rất quan trọng để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) nhấn mạnh, trong xuất khẩu, việc tuân thủ các quy định là yêu cầu quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết để sản phẩm có thể nhập khẩu vào thị trường đối tác. Nhưng điều quan trọng là người nông dân phải duy trì sự tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong suốt quá trình sản xuất. Đắk Lắk cần có những chương trình giám sát, bởi bên cạnh kiểm tra sự tuân thủ thì chương trình cũng hỗ trợ đào tạo, tập huấn trực tiếp cho người nông dân để họ bảo đảm được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Việc khai thông được xuất khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc dĩ nhiên là điều đáng mừng. Tuy nhiên, có lẽ các nhà hoạch định xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk không nên quá dựa dẫm vào một thị trường mà cần phải tiếp tục mở rộng, phát triển sang các thị trường khác. 

Theo Cục Xúc tiến thương mại, khảo sát qua một vòng các siêu thị và cửa hàng thực phẩm tại thành phố Sydney, bang New South Wales, không khó để có thể bắt gặp sầu riêng Ri6 Việt Nam được bày bán trên các kệ hàng bắt mắt nhất. Từ chỗ là một sản phẩm ít người biết tới, cho đến nay sầu riêng Việt Nam đã trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất trên thị trường Úc, tạo lập được nhiều thương hiệu đặc trưng, có sức lan tỏa cao, khẳng định là loại "quả vua" trong các dòng sầu riêng bày bán ở thị trường này.

Từ thực tế đó, Đắk Lắk và các tỉnh khác cần mạnh dạn mở hướng ra các thị trường ở châu Âu và Bắc Mỹ vì một khi đã chinh phục được thị trường Úc thì cũng có thể chinh phục được các thị trường khó tính khác.

Theo đường chính ngạch, trái sầu riêng của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây. Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
30 phút trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu trái sầu riêng cần đa dạng thị trường thay vì chỉ đưa sang Trung Quốc