Sau khi phát hiện hàng loạt trang web, app giao dịch bất hợp pháp, dư luận thắc mắc liệu có hình thức huy động vốn nào đang hoạt động công khai không?
Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát đi thông báo cảnh báo về các trang web, app giao dịch (Passion Invest, Finhay; Tikop, Infina, Savenow, BUFF...) thực hiện huy động vốn và có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép đang khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ngỡ ngàng khi các ứng dụng này đã hoạt động nhiều năm và thường xuyên được truyền thông rộng rãi.
Câu hỏi mà nhà đầu tư đang thắc mắc là: vì sao sau nhiều năm hoạt động công khai thì đến nay các ứng dụng mới được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát giác và ra thông báo? Liệu có những hình thức huy động vốn nào vẫn đang hoạt động công khai nhưng chưa được phát hiện sai phạm không?
Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi, giám sát các hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán, từ thời gian trước Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nắm bắt thông tin về một số doanh nghiệp sử dụng các app giao dịch trên điện thoại di động để trợ giúp các nhà đầu tư chứng khoán đầu tư vào các sản phẩm tài chính. Tuy nhiên, để thu thập tài liệu chứng minh hoạt động của các tổ chức này có dấu hiệu vi phạm hay không và đưa ra cảnh báo phù hợp cho nhà đầu tư thì sẽ mất một khoảng thời gian do một số yếu tố khó khăn tác động.
Cụ thể là các doanh nghiệp này không phải là các đơn vị do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành lập và quản lý mà được các Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố cấp theo Luật Doanh nghiệp.
Hoạt động của các đơn vị này được thực hiện trong môi trường công nghệ, thông qua cung cấp nền tảng công nghệ bao gồm hệ thống website và các ứng dụng app giao dịch trên điện thoại di động. Do đó việc thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp này để đưa ra các nhận định, đánh giá là tương đối khó khăn và mất thời gian.
Các doanh nghiệp này sử dụng các công cụ truyền thông, báo chí để quảng bá, thu hút vốn của nhà đầu tư nhưng lại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Dân sự. Điều này gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải tổ chức làm việc trực tiếp với một trong các doanh nghiệp trên tại trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thu thập bằng chứng bổ sung nhằm làm rõ hoạt động của doanh nghiệp và các đơn vị tương tự.
Sau khi nghiên cứu và xác minh, nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các công ty quản lý quỹ hợp pháp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư về hoạt động của các doanh nghiệp trên. Thông qua việc xử lý các tổ chức có dấu hiệu thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trái phép, cảnh báo nhà đầu tư về các rủi ro khi giao dịch với các tổ chức này sẽ định hướng dòng vốn của nhà đầu tư đến với các công ty quản lý quỹ đã được cấp phép, tạo điều kiện phát triển quỹ đầu tư chứng khoán.
Hiện nay trên thị trường, một số đại lý phân phối của các công ty quản lý quỹ cũng đang phát triển các ứng dụng công nghệ và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các công ty quản lý quỹ. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức huy động, yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ pháp lý trước khi thực hiện đầu tư (giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,...). Nhà đầu tư có thể tìm hiểu danh sách, thông tin các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngoài ra, cần định hướng các công ty Fintech sử dụng nền tảng công nghệ và hoạt động đúng vai trò cung cấp dịch vụ công nghệ trung gian cho các công ty quản lý quỹ, tuân thủ quy định của pháp luật nhằm khuyến khích phát triển công nghệ Fintech nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF...) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
"Việc này có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán", văn bản nêu.
Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Ủy ban khuyến cáo: "Nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh".
Giới chuyên gia cho rằng hiện nay, khung pháp lý với hình thức hợp tác kinh doanh hoặc hợp tác đầu tư khá lỏng lẻo và thông thoáng đến độ thiếu tin cậy, nên đã trở thành kẽ hở cho nhiều doanh nghiệp tận dụng để đưa ra các chiêu trò và cạm bẫy nhằm chiếm dụng vốn của nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí cho mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định, hợp tác đầu tư, dù lãi suất có cao đến đâu, đều không phạm luật. Song không có dự án thực nào mà lợi nhuận tới 40-80%/năm. Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo chế ngự lòng tham nếu không muốn mất trắng.
Trong một số lĩnh vực, hoạt động huy động vốn được quy định rất rõ ràng. Cụ thể, hoạt động huy động vốn cho các dự án nhà ở thương mại phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật về kinh doanh bất động sản và nhà ở. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng phải tuân thủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.