Đã có những cảnh báo về việc các doanh nghiệp Thái âm thầm mở rộng quy mô hoạt động khi Việt Nam vẫn đang vướng vào những vấn đề rắc rối bất tận về cải thiện môi trường đầu tư. Chúng ta đang nắm đằng lưỡi thanh kiếm của chính mình, và đổi lại chỉ là một lời an ủi của người Thái.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thì tuần vừa qua là một tuần vừa vui cũng vừa buồn. Vui khi hội nghị đối thoại giữa thủ tướng và doanh nghiệp diễn ra theo chiều hướng tích cực nhất từ trước đến nay, khi mà thủ tướng cùng các bộ ngành cam kết sẽ hỗ trợ tối đa giúp doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Nhưng buồn là khi mà các đối thủ ngoại vẫn tiếp tục âm thầm lấn sân ngay tại nền kinh tế nội địa, và khoảng cách thì đang ngày càng gia tăng, mà người Thái là điển hình.
Đã có những cảnh báo về việc các doanh nghiệp Thái âm thầm mở rộng quy mô hoạt động khi Việt Nam vẫn đang vướng vào những vấn đề rắc rối bất tận về cải thiện môi trường đầu tư. Nhưng đến khi hệ thống siêu thị Big C chính thức lọt vào tay một tập đoàn Thái Lan, cũng là lúc chiếc ly đã đầy tràn bởi giọt nước cuối cùng. Chúng ta đang nắm đằng lưỡi thanh kiếm của chính mình, và đổi lại chỉ là một lời an ủi của người Thái.
Vụ mua bán lớn nhất trong thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã kết thúc với nhiều cảm xúc lẫn lộn dành cho người Việt Nam. Nó là sự hòa trộn giữa những tiếc nuối khi Saigon Co.op đã lọt vào vòng đấu giá cuối cùng một chọi một với Central Group của Thái Lan, nhưng chỉ vì một vấn đề mang tính cơ chế mà thương hiệu Việt Nam này đã thất bại; đồng thời nó cũng đem lại những lo lắng khi một trong những hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất thị trường Việt Nam đã lọt vào tay người Thái.
Với việc thâu tóm thành công hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất miền Bắc là Big C, và trước đó là hệ thống siêu thị bán sỉ Metro, thì thế lực của các doanh nghiệp Thái Lan trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang nằm trong tốp đầu, và nó hoàn toàn có thể tạo ra những tác động lớn đối với khả năng sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp nội địa, qua đó tác động trực tiếp đến các vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam.
Sở dĩ như thế, là vì chiến lược xâm nhập thị trường Việt Nam của Thái Lan đang được tiến hành theo chuỗi khép kín, qua đó tạo dựng một hệ thống chu trình gắn kết chặt chẽ với nhau, từ nguồn gốc sản phẩm hàng hóa (nhập khẩu từ Thái Lan hoặc được các doanh nghiệp Thái sản xuất tại thị trường Việt Nam) cho đến khâu sở hữu hệ thống bán lẻ.
Đây cũng là xu hướng mà các tập đoàn quốc tế lớn đầu tư ở Việt Nam lựa chọn, khi nó sẽ tạo ra rất nhiều lợi thế từ chất lượng sản phẩm cho đến giá thành cạnh tranh. Việc các doanh nghiệp sản xuất nội địa có thể lọt vào được chuỗi khép kín này là việc rất khó khăn, không chỉ nằm ở yếu tố chất lượng hay giá cả, mà còn là sự ổn định mang tính lâu dài.
Đó là lý do tập đoàn TCC của Thái Lan sau khi mua lại hệ thống siêu thị bán sỉ Metro đã tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ của sản phẩm có xuất xứ Thái Lan trong danh mục hàng hóa tại hệ thống siêu thị này. Đơn giản vì đó là một bộ phận trong chuỗi khép kín mà TCC đang áp dụng tại thị trường Việt Nam. Trên thực tế điều này đang gây ra một sự lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, khi nguy cơ bị loại ra khỏi hệ thống bán lẻ là rất lớn, và có thể đẩy nền sản xuất của Việt Nam vào tình trạng nguy hiểm.
Đó là lý do mà thương vụ mua lại Big C trở thành một đề tài nhận được sự quan tâm lớn không chỉ của các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế mà còn của cả Chính phủ Việt Nam trước nguy cơ thị phần bán lẻ trong nước bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.
Có lẽ nhận thức được sự lo ngại này, nên ngay sau khi giành được hệ thống siêu thị Big C, Central Group và đối tác nội địa của mình là Nguyễn Kim đã ngay lập tức tuyên bố, là sẽ cam kết chú trọng việc sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa để bán tại hệ thống siêu thị này.
Đó là một phản ứng cần thiết mang tính trấn an các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam khi thực tế người Thái đã nắm một thị phần có lẽ là lớn nhất trong thị trường bán lẻ Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại thông qua số lượng các siêu thị và cửa hàng bán lẻ mà các doanh nghiệp Thái Lan đang sở hữu tại Việt Nam.
Xét trên nhiều khía cạnh, đó có lẽ không phải là một cam kết có nhiều tính tin cậy khi mà hầu hết các yếu tố đều đang chỉ ra rằng, nó đi ngược lại với chiến lược xây dựng chuỗi khép kín một cách bài bản mà hầu hết các tập đoàn Thái Lan đang tiến hành ở thị trường Việt Nam.
Trong ngắn hạn, có lẽ cam kết chú trọng việc sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa tại Big C của Central Group nhiều khả năng sẽ diễn ra. Vì thực tế là dù đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2011, thì lĩnh vực hoạt động của Central Group vẫn tương đối hạn chế, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực thời trang, điện máy, thương mại điện tử và kinh doanh khách sạn.
Việc Central Group có thể nhanh chóng chuyển đổi phần lớn các danh mục hàng hóa tại Big C từ nguồn cung ứng nội địa sang nguồn cung ứng từ Thái Lan thông qua nhập khẩu hay từ các doanh nghiệp Thái Lan sản xuất ngay tại thị trường Việt Nam là tương đối khó có thể xảy ra. Trong tương lai gần, Big C sẽ vẫn sử dụng phần lớn nguồn cung ứng hàng hóa có nguồn gốc nội địa từ các doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước.
Nhưng, về lâu dài thì điều này nhiều khả năng sẽ thay đổi, khi chiến lược cung ứng sản phẩm theo chuỗi khép kín của Central Group bắt đầu hoạt động. Ở thời điểm hiện tại, ưu thế của hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan so với hàng nội địa Việt Nam gần như đã là điều quá rõ ràng, tuy giá thành có phần cao hơn một chút so với hàng nội địa Việt Nam thì khoảng cách về chất lượng đang là quá lớn.
Theo các chủ siêu thị và cửa hàng bán lẻ đặc biệt tại khu vực miền Nam, chất lượng hàng hóa của Thái Lan gần tương đương với hàng hóa của Nhật Bản, trong khi giá chỉ tương đương với hàng Việt Nam hoặc cao hơn một chút. Với những lợi thế rõ rệt đó, gần như không có lý do gì để Big C nói riêng và các hệ thống siêu thị lớn nói chung tại Việt Nam lại không ưu tiên cho hàng hóa Thái Lan trong các danh mục hàng hóa bày bán của mình cả.
Vì thế, cam kết ưu tiên sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa của Central Group sau khi đã nắm được Big C trong tay, có lẽ chỉ là một lời an ủi của người Thái để tạm thời xoa dịu sự hoang mang của các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam mà thôi.
Trừ phi nền sản xuất của Việt Nam đạt được những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới, để có thể tạo ra những sản phẩm vượt trội cả về chất lượng lẫn giá thành so với hàng hóa Thái Lan, còn nếu không thì chẳng có gì có thể ngăn cản hàng hóa có xuất xứ từ Thái Lan chiếm lĩnh tại các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Trong bối cảnh cuộc đối thoại có quy mô lớn nhất giữa Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp nội địa vừa diễn ra, khi mà Chính phủ lần đầu tiên đưa ra cam kết mạnh mẽ nhất về việc sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, thì việc Central Group thâu tóm được Big C cũng đồng nghĩa với một thông điệp mà người Thái Lan dành cho Việt Nam. Đó là: các vị có cố gắng đấy, nhưng chỉ có thế thì vẫn chưa đủ đâu. Vì cam kết hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp nội địa phát triển cũng còn có nghĩa lý gì nếu như hàng hóa sản xuất ra không thể có chỗ đứng trong các hệ thống bán lẻ mà một phần lớn đang nằm trong tay người Thái.
Hàng hóa không thể có mặt trong các siêu thị, và không thể tìm được con đường đến tay người tiêu dùng, thì những cam kết hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng sẽ thành vô nghĩa. Chỉ trừ khi, những cam kết hỗ trợ đó lớn và bài bản đến mức, đủ để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đánh bật được hàng hóa từ Thái Lan cả về chất lượng lẫn giá thành.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)