Nguồn vốn liệu có phải là điểm mấu chốt trong kế hoạch phát triển ĐBSCL về lâu dài không? Theo các ý kiến tại Diễn đàn MDEC-Hậu Giang 2016, câu trả lời là “không”. Thực tế cho thấy tổng mức đầu tư của nhà nước vào ĐBSCL chưa tương xứng là một trong những nguyên nhân, nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Lời giải cho bài toán phát triển ĐBSCL: Tiền không phải tất cả

Nhàn Đàm | 14/07/2016, 13:38

Nguồn vốn liệu có phải là điểm mấu chốt trong kế hoạch phát triển ĐBSCL về lâu dài không? Theo các ý kiến tại Diễn đàn MDEC-Hậu Giang 2016, câu trả lời là “không”. Thực tế cho thấy tổng mức đầu tư của nhà nước vào ĐBSCL chưa tương xứng là một trong những nguyên nhân, nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Sự kiện đáng chú ý đối với kinh tế Việt Nam vài ngày gần đây là Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2016 (MDEC-Hậu Giang 2016), nhằm vạch ra chiến lược phát triển mới cho ĐBSCL – một trong những khu vực kinh tế giàu tiềm năng nhất cả nước. Các nhà phân tích kỳ vọng Diễn đàn MDEC-Hậu Giang 2016 lần này sẽ mở ra cánh cửa phát triển mới cho 13 tỉnh khu vực ĐBSCL, và sẽ có thể là tiền đề cho việc mở rộng việc triển khai các chiến lược phát triển kinh tế đặc thù lan rộng ra những khu vực kinh tế quan trọng khác trên cả nước. Vì thế, điểm mấu chốt nhất của Diễn đàn MDEC-Hậu Giang lần này là một tầm nhìn về chiến lược phát triển phù hợp với ĐBSCL về lâu dài, chứ không phải đơn thuần chỉ là tiền bạc.

Một quan điểm có thể dễ dàng làm vừa lòng khá nhiều người quan tâm đến tình hình kinh tế ở khu vực ĐBSCL nói chung và tại diễn đàn MDEC-Hậu Giang 2016 nói riêng, đó là quy sự phát triển dưới mức tiềm năng của khu vực này cho sự thiếu hụt về tài chính và nguồn vốn. Trên thực tế, nếu xét trên tỷ lệ đóng góp GDP cho cả nước và tổng mức đầu tư trở lại của chính phủ vào khu vực ĐBSCL, thì đúng là 13 tỉnh thành khu vực này đang chịu một số thiệt thòi. Theo báo cáo gửi đến Diễn đàn của ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, tổng mức đầu tư của chính phủ vào khu vực ĐBSCL chưa tương xứng với những đóng góp của vùng. Cụ thể, ĐBSCL hiện chiếm 21% dân số và đóng góp tới 17,8% vào GDP cả nước, nhưng tổng mức đầu tư trở lại của chính phủ vào khu vực này chỉ chiếm khoảng 15,5% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Câu chuyện của ĐBSCL vì thế cũng đang có những điểm tương đồng với trường hợp của TP.HCM, khi tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước cao hơn hẳn so với mức đầu tư trở lại của chính phủ. Điều này dĩ nhiên sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của khu vực ĐBSCL thấp hơn hẳn so với tiềm năng, do nguồn vốn đầu tư chưa tương xứng. ĐBSCL đang giữ vai trò một trong số những khu vực kinh tế có thể làm đầu tàu của cả nước bên cạnh miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Trong đó việc tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng của ĐBSCL những năm qua một phần lớn do phải kéo các khu vực kém phát triển hơn trong cả nước, thông qua việc phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tương xứng.

Vậy, nguồn vốn tài chính liệu có phải là điểm mấu chốt trong kế hoạch phát triển cho ĐBSCL về lâu dài hay không? Theo các ý kiến tại Diễn đàn MDEC-Hậu Giang 2016, câu trả lời có lẽ là “không”. Đúng là việc tổng mức đầu tư của chính phủ vào ĐBSCL chưa tương xứng là một trong những nguyên nhân, nhưng đó không phải là yếu tố chủ chốt. Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng nông nghiệp ở ĐBSCL gần đây nhanh hơn mức trung bình trong vài năm qua, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng ngày càng thấp, và đây là một nghịch lý cần phải mổ xẻ. Nhận định này cũng nhận được sự đồng tình của ông Cát Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), theo đó cả lĩnh vực huy động vốn lẫn tín dụng cho khu vực ĐBSCL đều tăng trưởng ở mức cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Theo ông Võ Trí Thành, giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trên thực tế đã liên tục giảm trong vòng 3 năm qua chứ không phải chỉ đến khi hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ở ĐBSCL trong nửa đầu năm nay thì mới sụt giảm.

Dù hiện tại khu vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 33,1% cơ cấu kinh tế của cả vùng ĐBSCL nhưng về quy hoạch cũng như tình hình thực tế thì ĐBSCL là khu vực được định hướng phát triển theo hướng tập trung và ưu tiên cho nông nghiệp. Điều này được thể hiện rõ qua các số liệu thống kê về sản lượng nông nghiệp, theo đó ĐBSCL hiện chiếm 70% sản lượng trái cây cả nước, 60% kim ngạch thủy sản và 95% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Vì thế, việc gia tăng tín dụng vào nông nghiệp ở ĐBSCL tăng mạnh trong thời gian qua nhưng giá trị sản xuất lại giảm rõ ràng là một nghịch lý, mà một nguyên nhân là mô hình phát triển kinh tế vùng ở ĐBSCL đã không còn phù hợp nữa.

Quan sát kỹ hơn, có thể thấy khá nhiều bất cập trong chính sách chú trọng và tập trung vào nông nghiệp ở ĐBSCL. Theo đó phần lớn sản phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL như gạo, các loại trái cây hay các loại thủy sản đều được xuất khẩu dưới dạng thô có giá trị rất thấp (theo thống kê của Tổng hội NN-PTNT thì có tới 90% nông sản được xuất khẩu dưới dạng thô), số thương hiệu xuất khẩu nông sản đạt đẳng cấp quốc tế trên cả vùng là rất ít. Ngoài việc chỉ tập trung vào sản xuất nông sản thô có giá trị thấp, dường như chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp vốn có quá nhiều bất cập ở ĐBSCL còn hạn chế đến mức tối đa sự tham gia của các lực lượng kinh tế khác có thể thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp của toàn vùng.

Theo thống kê, trước khi xảy ra tình trạng hạn mặn vào đầu năm nay, ĐBSCL là khu vực có số diện tích đất nông nghiệp được phép chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc loại thấp nhất cả nước; điều này không chỉ hạn chế các lĩnh vực phi nông nghiệp như công nghiệp và các ngành dịch vụ, mà còn ảnh hưởng đến chính ngành nông nghiệp của ĐBSCL. Trong đó, số diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu từ lúa sang các loại cây trồng hoặc các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn rất thấp, với lý do an ninh lương thực. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết hiện cả 13 tỉnh thành ở ĐBSCL không hề có một khu nông nghiệp công nghệ cao nào – một nghịch lý không thể hiểu nổi với một khu vực chuyên tập trung vào nông nghiệp như ĐBSCL. Đó là kết quả của chính sách tập trung vào nông nghiệp nhưng lại thực hiện một cách cứng nhắc và bảo thủ, hạn chế sự tham gia của các DN sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Với những bất cập quá lớn đó, dễ dàng nhận ra rằng kể cả khi chính phủ và các nhà đầu tư có rót thêm vốn vào ĐBSCL nữa thì kết quả cũng sẽ ít khả quan. Con số 28.500 tỉ đồng đầu tư cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế xã hội vừa được công bố tại diễn đàn MDEC-Hậu Giang 2016 rõ ràng là không có nhiều ý nghĩa, khi nó quá dàn trải, và nhất là không giải quyết được bài toán cơ bản về phát triển kinh tế tại ĐBSCL. Trong bài toán phát triển này, tiền không phải là tất cả.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trong 2 năm, Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu thuộc chương trình đặc biệt của Chính phủ
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong 2 năm (2022 - 2023), Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỉ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lời giải cho bài toán phát triển ĐBSCL: Tiền không phải tất cả