Trong khi Đại học Đà Nẵng đang chuẩn bị tuyển hơn 15.000 chỉ tiêu thì Trường đại học Quảng Nam vẫn loay hoay bài toán thu hút thí sinh.

Sự trái ngược tại Quảng Nam và Đà Nẵng trước mùa tuyển sinh

Quế Sơn | 13/03/2023, 16:20

Trong khi Đại học Đà Nẵng đang chuẩn bị tuyển hơn 15.000 chỉ tiêu thì Trường đại học Quảng Nam vẫn loay hoay bài toán thu hút thí sinh.

Trường đại học Quảng Nam chỉ tuyển 500 sinh viên mà vẫn khó

Trường đại học Quảng Nam từng có thời gian quy mô đào tạo gần 7.000 sinh viên. Tuy nhiên, kể từ mùa tuyển sinh năm 2016, số lượng tuyển sinh của nhà trường bắt đầu sụt giảm. Dù đưa ra nhiều giải pháp, từ đẩy mạnh tư vấn, quảng bá đến nâng cao chất lượng đào tạo song kết quả tuyển sinh những năm gần đây vẫn chưa chuyển biến.

Giai đoạn 2019-2020, trường tuyển sinh đại học chính quy mỗi năm chưa đến 300 sinh viên, hai năm 2021, 2022 có khá hơn với 500 sinh viên/năm nhưng vẫn là con số khiêm tốn với một trường đại học (chỉ đạt 50% chỉ tiêu).

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo nhà trường cho rằng do nhu cầu thị trường lao động thay đổi nhanh chóng và nằm bên cạnh các trung tâm giáo dục lớn với quy mô ngày càng mở rộng nên việc tuyển sinh gặp khó khăn.

Tuy nhiên, việc mở thêm các ngành mới để thu hút thí sinh lại không dễ. PGS-TS Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Nam cho biết: “Hiện trường chỉ có 15 tiến sĩ, chủ yếu ở các ngành khoa học cơ bản và giáo dục. Muốn duy trì các mã ngành đào tạo hiện có và mở thêm các mã ngành mới mà xã hội có nhu cầu cao cần có thêm tiến sĩ”.

TS Phạm Nguyễn Hồng Ngự - Trưởng phòng Đào tạo, lý giải thêm nhà trường cần bổ sung đội ngũ vì quy định một mã ngành đào tạo phải có 5 tiến sĩ và trường hiện có 11 ngành. Hơn nữa giảng viên đại học phải có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên. Song hiện nay, đội ngũ chưa đủ đáp ứng yêu cầu chứ chưa nói đến mở thêm mã ngành mới.

Ở góc độ tài chính, Phó giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam Phạm Thị Thanh Thảo chia sẻ: “Khi tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, cần tránh tình trạng bộ máy cồng kềnh để rồi không đủ kinh phí trả lương hằng năm”.

Để giải quyết bài toán viên chức của Trường đại học Quảng Nam, ông Lưu Tấn Lại - Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết sở đang tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút sinh viên xuất sắc theo Nghị định 140. Ông Lại cũng đề nghị nhà trường quan tâm đến vấn đề giữ chân đội ngũ, vì thời gian qua một số giảng viên được nhà trường cử đi đào tạo tiến sĩ sau khi học xong đã xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc.

Đại học Đà Nẵng tuyển sinh hơn 15.000 chỉ tiêu

Ngày 12.3, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023 cho các trường ĐH thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc (cơ sở đào tạo thành viên) thu hút hàng nghìn học sinh THPT và phụ huynh quan tâm theo dõi và tương tác.

PGS-TS Lê Thành Bắc - Phó giám đốc ĐHĐN cho biết năm 2023 ĐHĐN tuyển sinh ĐH chính quy đối với 9 cơ sở đào tạo thành viên với tổng chỉ tiêu 15.380 sinh viên (SV) trong 146 ngành, chương trình đào tạo thuộc 16 lĩnh vực.

Một số ngành, chương trình đào tạo mới mở năm 2023 gồm Marketing số (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh - Trường ĐH Kinh tế); Trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn); Công nghệ Nano, công nghệ vật liệu (Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh); Kỹ thuật xét nghiệm y dược (Khoa Y - dược)...

Trường ĐH Ngoại ngữ tuyển sinh mở lớp Ngôn ngữ Anh ở Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum (hình thức 2+2: SV trúng tuyển học 2 năm đầu tại Kon Tum, 2 năm cuối học và nhận bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHĐN). Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật mở lớp Công nghệ kỹ thuật ô tô tại Phân hiệu ĐHĐN (hình thức 2+2)...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự trái ngược tại Quảng Nam và Đà Nẵng trước mùa tuyển sinh