Lượng khí thải carbon trên thế giới đã giảm kỷ lục 7% trong năm 2020 khi các quốc gia áp dụng biện pháp đóng cửa và hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu giảm kỷ lục trong năm 2020

Long Hải | 15/12/2020, 15:10

Lượng khí thải carbon trên thế giới đã giảm kỷ lục 7% trong năm 2020 khi các quốc gia áp dụng biện pháp đóng cửa và hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19.

co2.jpg
Lượng khí thải carbon trên thế giới đã giảm kỷ lục 7% trong năm 2020

Theo bản đánh giá hàng năm của Dự án Carbon toàn cầu (GCP), sự sụt giảm này tương đương khoảng 2,4 tỉ tấn CO2, nhiều hơn đáng kể so với mức giảm kỷ lục hàng năm trước đó. Ví dụ như 0,9 tỉ tấn vào cuối Thế chiến thứ hai hay 0,5 tỉ tấn vào năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế cao điểm.

Các nhà nghiên cứu quốc tế thực hiện dự án cho biết, lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp sẽ vào khoảng 34 tỉ tấn CO2 trong năm nay - vẫn là một phần đáng kể trong “ngân sách carbon” còn lại của Trái đất.

Theo GCP, mức giảm khí thải carbon rõ rệt nhất là ở Mỹ (giảm 12%) và Liên minh châu Âu (giảm 11%). Tuy nhiên ở Trung Quốc, lượng khí thải chỉ giảm xuống 1,7% trong năm 2020 khi Bắc Kinh tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.

Theo lĩnh vực, lượng khí thải từ ngành giao thông vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mức giảm toàn cầu, với lượng khí thải carbon từ ô tô giảm tới 50% vào đỉnh điểm của đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên trong tháng 4. Tính đến tháng 12, lượng khí thải từ vận tải đường bộ đã giảm 10% và từ hàng không giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp đứng thứ hai với mức giảm 22% toàn cầu và 30% tại một số quốc gia áp dụng các biện biện pháp đóng cửa mạnh tay nhất.

co22.jpg
Ngành công nghiệp đứng thứ hai với mức giảm 22% toàn cầu

Kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng phát thải carbon toàn cầu đã bắt đầu chững lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo còn quá sớm để nói rằng lượng khí thải sẽ tăng nhanh như thế nào trong năm 2021. Các xu hướng phát thải dài hạn sẽ bị ảnh hưởng khi các quốc gia bắt đầu kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Corinne Le Quere, nhà khí hậu học tại Đại học East Anglia của Anh nói: “Tất cả các yếu tố vẫn chưa được áp dụng để giảm lượng khí thải toàn cầu và lượng khí thải đang dần quay trở lại mức năm 2019”.

Mặc dù ghi nhận lượng khí thải nhà kính giảm chưa từng thấy trong năm 2020 nhưng các chuyên gia cảnh báo điều đó tác động “không đáng kể” đến xu hướng nóng lên toàn cầu trong thời gian dài nếu không có sự chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Philippe Ciais, một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học Khí hậu và Môi trường của Pháp, nói rằng nếu không có đại dịch thì rất có thể lượng khí thải carbon của các quốc gia như Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020.

Ngoài năm 2020, lượng khí thải carbon vẫn tăng không ngừng kể từ năm 2015. Để đạt được mục tiêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris là giới hạn mức tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21, Liên Hợp Quốc cho biết thế giới cần giảm 7,6% lượng khí thải carbon hàng năm vào năm 2030.

Phát thải CO2 tích tụ trong khí quyển gây nóng lên toàn cầu. Đến khi nhiệt độ vượt quá 1,5 độ C (so với thời tiền công nghiệp), sẽ có tác hại rộng khắp cho các hệ thiên nhiên. Như vậy, thế giới có một “ngân sách carbon” hữu hạn, tức lượng CO2 được phép thải ra mà chưa khiến nhiệt độ ngưỡng không thể quay đầu. Giới khoa học cảnh báo “ngân sách carbon” này sẽ bị dùng hết trong vòng một thập kỷ với đà hiện tại.

Grant Allen, giáo sư Vật lý Khí quyển tại Đại học Manchester, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Nói một cách đơn giản, lượng khí thải carbon trên toàn cầu tiếp tục vượt xa khả năng khóa chặt của tự nhiên”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lượng khí thải CO2 toàn cầu giảm kỷ lục trong năm 2020