Đài CNN chỉ ra bất ổn về viện trợ từ một số nước phương Tây cộng thêm tình hình chiến sự bất lợi thúc đẩy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ đưa ra phát ngôn “dịu dàng” ngầm ngỏ ý sẵn sàng đàm phán với Nga.
Góc nhìn

Lý do khiến ông Zelensky ngầm ngỏ ý muốn đàm phán với Nga

Cẩm Bình 21/07/2024 11:20

Đài CNN chỉ ra bất ổn về viện trợ từ một số nước phương Tây cộng thêm tình hình chiến sự bất lợi thúc đẩy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ đưa ra phát ngôn “dịu dàng” ngầm ngỏ ý sẵn sàng đàm phán với Nga.

Tuần qua, Tổng thống Zelensky đề xuất Nga cử phái đoàn tham dự hội nghị hòa bình dự kiến tổ chức vào tháng 11. Lâu nay nhà lãnh đạo Ukraine luôn thể hiện lập trường cứng rắn như không mời Nga dự hội nghị tại Thụy Sĩ tháng trước và nhất quyết không chịu đàm phán trừ phi Nga khôi phục biên giới hai nước năm 1991 (rút khỏi tất cả lãnh thổ chiếm đóng, kể cả bán đảo Crimea).

screenshot-2024-07-21-105029.png

Hiện tại Ukraine đang đối mặt với tình hình chiến sự bất lợi. Nhờ bắt đầu nhận thêm được vũ khí Mỹ từ tháng 5 mà Kyiv cải thiện khả năng phòng thủ, nhưng đà tiến quân của Nga vẫn chưa hoàn toàn dừng lại. Moscow tiếp tục chiếm dần lãnh thổ.

Song song đó, tại một số nước phương Tây - đặc biệt là Mỹ và Đức - xuất hiện dấu hiệu không muốn tiếp tục viện trợ nữa. Tổng thống Zelensky ngày 15.7 thừa nhận: “Không phải mọi thứ đều tùy thuộc chúng tôi. Kết quả cuộc chiến tùy thuộc vào không chỉ người dân lẫn mong muốn của Ukraine mà còn vào tài chính, vũ khí, sự ủng hộ chính trị, sự đoàn kết trong EU, NATO và toàn thế giới”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst nhận định động thái ngầm ngỏ ý sẵn sàng đàm phán là phản ứng hợp lý trước diễn biến cựu Tổng thống Donald Trump chọn thượng nghị sĩ bang Ohio J.D.Vance làm đối tác tranh cử. Cả hai đều chủ trương phản đối viện trợ cho Ukraine.

Theo cựu Đại sứ Herbst, có thể Tổng thống Zelensky muốn tiếp cận chính quyền Trump tương lai bằng cách thể hiện lập trường sẵn sàng đàm phán miễn là thỏa thuận đưa ra công bằng.

Ngày 19.7 vừa qua, Tổng thống Zelensky vừa có cuộc điện đàm “tốt đẹp” với cựu Tổng thống Donald Trump. Chính trị gia người Mỹ cam kết nếu tái nắm quyền sẽ đem lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt cuộc chiến Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng hai người thảo luận một số biện pháp khiến hòa bình trở nên công bằng và thực sự lâu dài.

Loạt điều kiện không thể chấp nhận

Thời gian gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tái khẳng định sẵn sàng đàm phán, mặc dù với loạt điều kiện mà cả Ukraine lẫn phương Tây hoàn toàn không thể chấp nhận. Ông tuyên bố chỉ chấm dứt cuộc chiến Ukraine nếu Kyiv giao toàn bộ 4 vùng Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhzhia, đồng thời từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.

Nhà nghiên cứu Orysia Lutsevych (tổ chức Chatham House) đánh giá so sánh với đòi hỏi công khai của Tổng thống Putin, phát ngôn ngầm ngỏ ý mới đây của Tổng thống Zelensky giống như thông điệp gửi đến các quốc gia nam bán cầu.

“Đó là thông điệp vừa gửi cho Nga vừa gửi cho nam bán cầu, rằng Ukraine không cản trở nỗ lực tìm kiếm hòa bình. Tuy nhiên họ không thể đáp ứng mọi điều kiện từ phía Nga cũng như không đầu hàng Nga”.

Bất ổn về viện trợ

Vũ khí Mỹ bắt đầu ra đến tiền tuyến vào tháng 5 sau quãng thời gian dài trì hoãn. Phương Tây cũng cho phép Ukraine dùng vũ khí mà họ viện trợ tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga (giới hạn ở địa điểm lực lượng Nga chuẩn bị đánh sang biên giới). Các động thái này giúp Kyiv chặn đà tiến quân của Moscow nhưng nhìn chung họ vẫn chỉ đang ở thế phòng thủ chứ chưa thể phản công giành lại phần lãnh thổ bị chiếm.

Nhà phân tích Riley Bailey (Viện nghiên cứu Chiến tranh) nhận định, Nga hiện triển khai chiến lược tấn công trên toàn bộ tiền tuyến hòng khiến Ukraine phải dàn trải nguồn lực tiến hành phòng thủ, không thể tích lũy vũ khí lẫn nhân lực chuẩn bị cho một cuộc phản công.

Sự thành bại của phản công sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ viện trợ từ phương Tây. Tổng thống Zelensky tuyên bố viện trợ hiện tại chỉ đủ để ngăn cản Nga tiến quân chứ chẳng đủ sức giành chiến thắng.

Tuần qua còn mang đến thêm bất ổn. Đầu tiên là cựu Tổng thống Donald Trump chọn “phó tướng”, tiếp theo đến Đức thông báo cắt giảm viện trợ năm sau từ 8 tỉ euro xuống 4 tỉ euro.

Ở kịch bản Mỹ ngừng viện trợ, châu Âu không tăng viện trợ và Ukraine không thể tiếp cận số tài khoản bị phong tỏa của Nga, tình hình chiến sự nhiều khả năng càng trở nên bất lợi hơn nữa với Kyiv.

Theo cựu Đại sứ Herbst: “Chúng ta chẳng thể biết nếu đắc cử thì ông Trump sẽ làm gì, nhưng trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông ấy có người hiểu rằng Tổng thống Putin là mối đe dọa trực tiếp, kết quả cuộc chiến Ukraine rất quan trọng đối với Mỹ”.

Còn một yếu tố nữa có thể thuyết phục chính quyền Trump tương lai suy nghĩ lại. Nếu ông cắt viện trợ và Ukraine thất bại thì Mỹ sẽ mất thể diện do lỗi của ông.

Giới phân tích xác định gói viện trợ hơn 60 tỉ USD mà Quốc hội Mỹ phê duyệt đầu năm nay đủ dùng trong 12 - 18 tháng, cho phép Ukraine tái xây dựng lực lượng chuẩn bị phản công. Nhà nghiên cứu Orysia Lutsevych nhấn mạnh Kyiv cần đạt thắng lợi ngoài chiến trường rồi mới bắt đầu xem xét liệu Nga có thực sự mong muốn đàm phán hay không.

Bài liên quan
Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa Mỹ: Bước leo thang báo động trong cuộc chiến kéo dài
Vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, một sự kiện đáng chú ý đã xảy ra: Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
10 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do khiến ông Zelensky ngầm ngỏ ý muốn đàm phán với Nga