Công ước The Hague I và The Hague II đã quy định và hoàn thiện thủ tục giải quyết tranh chấp.
Theo hai Công ước The Hague I và The Hague II, trình tự thủ tục giải quyết một vụ tranh chấp của Tòa Trọng tài gồm các bước như sau:
Ký thỏa thuận trọng tài: Điều 3 Công ước The Hague I quy định các bên muốn đưa một vụ việc lên Tòa Trọng tài giải quyết thì phải ký một thỏa thuận trọng tài, trong đó nêu rõ nội dung tranh chấp, phạm vi thẩm quyền của trọng tài viên và cam kết tuân thủ phán quyết của trọng tài.
Điều 52 Công ước The Hague II quy định cụ thể hơn, yêu cầu trong thỏa thuận trọng tài phải nêu thêm thời gian cụ thể, cách thức chỉ định trọng tài viên; hình thức, cách thức và thời gian tiến hành tố tụng; nơi tiến hành giải quyết…
Giải quyết các vấn đề liên quan đến thỏa thuận trọng tài: Theo điều 53 Công ước The Hague II, Tòa Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến thỏa thuận trọng tài nếu các bên (hoặc chỉ một bên trong trường hợp đặc biệt) có yêu cầu.
Chỉ định trọng tài viên và thành lập hội đồng trọng tài: Điều 32 Công ước The Hague I quy định nghĩa vụ trọng tài viên được trao cho một hay vài cá nhân được chọn bởi các bên tham gia tranh chấp.
Trong trường hợp các bên không thống nhất được trong việc lựa chọn, thì điều 45 Công ước The Hague II sẽ được áp dụng, theo đó:
Thủ tục tố tụng trọng tài: Theo quy định trong Công ước The Hague I, thủ tục tố tụng trọng tài gồm 2 giai đoạn riêng biệt.
Giai đoạn 1 là kiểm tra sơ bộ (preliminary examination) hay bào chữa (pleading); giai đoạn 2 là tranh luận (discussion) hay tranh luận trực tiếp (oral discussion).
Giai đoạn kiểm tra sơ bộ bao gồm việc thông báo của riêng từng bên tranh chấp, các văn bản pháp lý cũng như tài liệu có nêu vấn đề gây tranh chấp phải được gửi đến các thành viên của hội đồng trọng tài và đến bên có tranh chấp. Hình thức của thông báo cũng như thời gian phải gửi thông báo do hội đồng trọng tài quyết định.
Giai đoạn tranh luận là tranh luận công khai bằng lời nói giữa các bên với nhau trước khi hội đồng trọng tài thảo luận với các bên. Việc tranh luận sẽ diễn ra theo hướng dẫn của chủ tịch hội đồng trên cơ sở tài liệu mà các bên đã cung cấp.
Trong trường hợp cần thiết, hội đồng trọng tài có quyền đặt câu hỏi hay yêu cầu người đại diện của các bên giải thích.
Thủ tục tố tụng trọng tài rút gọn (Artribition by Summary Procedure): Đây là điểm được bổ sung của Công ước The Hague II, theo đó trong những trường hợp cần thiết và hai bên đồng ý, thủ tục tố tụng rút gọn sẽ thay thế thủ tục thông thường.
Trong thủ tục rút gọn chỉ có giai đoạn tranh luận bằng lời nói giữa các bên. Hội đồng trọng tài sau khi lắng nghe, được các bên giải thích các vấn đề chưa rõ, tham khảo ý kiến, thì sẽ đưa ra phán quyết theo nguyên tắc đa số.
Ban hành phán quyết: Theo quy định của Công ước The Hague I, mỗi trọng tài viên độc lập trong việc đưa ra quyết định của mình. Quyết định của hội đồng trọng tài được đưa ra theo nguyên tắc đa số. Phán quyết trọng tài được ký bởi từng thành viên của hội đồng trọng tài.
Những thành viên có ý kiến phản đối khi ký được ghi lại ý kiến của mình. Phán quyết này sẽ được tuyên bố công khai tại phiên họp giải quyết tranh chấp và chỉ có giá trị ràng buộc đối với các bên đã ký thỏa thuận trọng tài.
Cẩm Bình (pca-cpa.org, nghiencuubiendong.vn)
Bài cuối: Nhìn lại quá trình vụ kiện Philippines - Trung Quốc về Biển Đông