Một trong những nguyên nhân gây nặng là bệnh nhi không được theo dõi và phòng ngừa tích cực trong hệ thống phòng ngừa hen suyễn tại nơi cư trú.
Ngày 21.3, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận một bé gái bị hen suyễn trong tình trạng nguy kịch do không được theo dõi và phòng ngừa hen phế quản tại địa phương.
Sau 2 ngày sốt nhẹ, ho sổ mũi, khò khè, khó thở, mệt, bé gái Đ.T.B.T (8 tuổi, ngụ tỉnh Long An) được người nhà đưa đến khám, chữa bệnh tại một bệnh viện ở Long An. Tuy nhiên sau thời gian điều trị, tình trạng trên vẫn không cải thiện mà còn nặng hơn. Lúc này, bé bắt đầu khó thở nặng và tím tái, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi tím tái, biểu hiện rối loạn tri giác lơ mơ do thiếu oxy máu nặng, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) chỉ 80% (bình thường 96 - 98%), khó thở, co kéo lồng ngực, nghe phổi nhiều âm ran rít, phế âm giảm cho thấy đường thở của trẻ bị co thắt nặng.
Sau khi tiến hành xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhi bị toan hô hấp nặng, ứ CO2 trong máu, chỉ số pH 6,9 (bình thường pH máu 7,35 - 7,45, PaCO2: 110mmHg (bình thường PaCO2: 35 - 45mmHg), X-quang phổi có tình trạng ứ khí 2 phế trường. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi hen phế quản cơn nặng nguy kịch.
Theo bác sĩ Tiến, khai thác tiền sử bệnh cho thấy trẻ bị khò khè nhiều lần và được chẩn đoán hen phế quản từ lúc 4 tuổi, nhưng không được quản lý phòng ngừa hen phế quản tại địa phương.
“Chúng tôi tiến hành điều trị cắt cơn hen tích cực với thở oxy qua mặt nạ có túi dự trữ, khí dung thuốc giãn phế quản salbutamol, Ipratropium 3 lần liên tiếp cách mỗi 20 phút, corticoid tiêm tĩnh mạch và khí dung, tiêm adrenalin dưới da để có tác dụng giãn phế quản tức thời, sau đó truyền tĩnh mạch MgSO4.
Sau điều trị như trên, tình trạng trẻ diễn tiến vẫn còn nặng nên được tiếp tục khí dung salbutamol, ipratropium, corticoid đường toàn thân và truyền tĩnh mạch liên tục thuốc diaphyllin, dịch truyền điều chỉnh điện giải”, bác sĩ Tiến nói.
Tuy nhiên bác sĩ Tiến cho biết, rất may sau gần 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh đã được cải thiện, bệnh nhi bớt khó thở, ăn uống được...
Qua trường hợp trên, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh có con em bị hen suyễn cần tránh tuyệt đối các yếu tố gây khởi phát cơn hen suyễn như: khói thuốc lá; bụi nhà; thuốc xịt phòng, dầu thơm, thuốc xịt diệt côn trùng, mùi sơn nhà mới…; chó, mèo; thú nhồi bông; drap giường, chăn mền lông. Ngoài ra cần tái khám theo hẹn, tuân thủ phòng ngừa cơn hen suyễn theo hướng dẫn của bác sĩ.