Đó là kết quả 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý về COVID-19 được công bố gần đây.

1/4 trẻ em bị COVID-19 kéo dài, Omicron vẫn lây nhiễm trên các bề mặt nhẵn sau 7 ngày

Sơn Vân | 15/03/2022, 08:28

Đó là kết quả 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý về COVID-19 được công bố gần đây.

1/4 số trẻ em bị COVID-19 kéo dài trong nghiên cứu 80.071 người

1 trong 4 trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 bị tình trạng COVID-19 kéo dài, theo dữ liệu tổng hợp từ 21 nghiên cứu được thực hiện ở châu Âu, châu Á, Úc và Nam Mỹ.

Trong số 80.071 trẻ em mắc COVID-19 trong các nghiên cứu đó, 25% phát triển tình trạng kéo dài ít nhất 4 đến 12 tuần (hoặc các triệu chứng dai dẳng xuất hiện trong vòng 12 tuần). Các nhà nghiên cứu đã báo cáo điều này trên trang medRxiv trước khi được đánh giá đồng cấp.

Các vấn đề thường gặp nhất là tâm thần kinh (các triệu chứng tâm trạng như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, thay đổi nhận thức, chóng mặt, các vấn đề về thăng bằng), tim mạch (khó thở, tắc nghẽn, không tập thể dục nổi, đau và tức ngực, ho, nhịp tim không đều), liên quan đến da (đổ mồ hôi nhiều, ngứa ngáy, rụng tóc) và tiêu hóa (đau bụng, táo bón, tiêu chảy, nôn, buồn nôn).

Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng các phân tích dữ liệu được tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác nhau với các phương pháp luận khác nhau có thể không mang lại kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, điều rõ ràng là "trẻ em và thanh thiếu niên cũng phải chịu những hậu quả về sức khỏe thể chất và tinh thần do COVID-19", theo đồng tác giả nghiên cứu, Sonia Villapol thuộc Houston Methodist Research Institute ở bang Texas (Mỹ).

"Việc xác định các dấu hiệu và triệu chứng chính của COVID-19 kéo dài ở trẻ em có thể giúp chẩn đoán, phát triển các phương pháp điều trị tốt hơn, tạo ra các nhóm đa ngành để quản lý lâm sàng tối ưu và tìm ra các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa", Sonia Villapol nói.

1-4-tre-em-bi-covid-19-keo-dai-1.jpg
Rất nhiều bị tình trạng COVID-19 kéo dài

Vắc xin Moderna, Pfizer tối ưu cho phụ nữ muốn truyền kháng thể từ sữa mẹ sang con

Những phụ nữ muốn truyền kháng thể bảo vệ do vắc xin COVID-19 tạo ra cho con qua sữa mẹ nên chọn tiêm vắc xin mRNA từ Moderna hoặc Pfizer-BioNTech, theo một nghiên cứu được báo cáo trên Tạp chí JAMA Nhi khoa.

Ở nghiên cứu, 124 phụ nữ đang cho con bú, mỗi người cung cấp 17 mẫu sữa trong khoảng thời gian 100 ngày. Những phụ nữ này đã nhận vắc xin mRNA hoặc vắc xin vector vi rút từ Johnson & Johnson, AstraZeneca.

Các nhà nghiên cứu đã đo hai loại kháng thể trong các mẫu sữa là kháng thể IgA và kháng thể IgG, cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. 96% đến 97% trong số những phụ nữ tiêm hai liều vắc xin mRNA đều có kháng thể IgA có thể phát hiện được trong sữa, trong khi chỉ 39% có kháng thể trong sữa sau khi tiêm hai liều AstraZeneca và 48% có kháng thể khi tiêm Johnson & Johnson loại một liều. Tất cả phụ nữ được tiêm hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech, Moderna hoặc AstraZeneca đều có kháng thể IgG, so với chỉ 28% tiêm vắc xin Johnson & Johnson.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Vắc xin COVID-19 dựa trên mRNA là lựa chọn tối ưu cho phụ nữ đang cho con bú khi họ muốn truyền kháng thể từ sữa mẹ sang con mình”.

Omicron vẫn lây nhiễm trên các bề mặt nhẵn sau 7 ngày

Các hạt Omicron lây nhiễm trên bề mặt trong thời gian dài hơn so với hạt SARS-CoV-2 ban đầu, theo các thí nghiệm ở phòng thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu đặt các giọt vi rút lây nhiễm từ phiên bản SARS-CoV-2 gốc và biến thể Omicron ban đầu (BA.1) lên nhiều bề mặt khác nhau ở nhiệt độ phòng. Trên các bề mặt nhẵn (kính, thép không gỉ và tấm nhựa), Omicron vẫn lây nhiễm sau 7 ngày, trong khi các hạt SARS-CoV-2 ban đầu không còn lây nhiễm trên thép không gỉ, tấm nhựa vào ngày thứ 4 và trên kính vào ngày thứ 7.

Trên giấy lụa và giấy in, SARS-CoV-2 gốc không còn lây nhiễm sau 30 phút; Omicron vẫn có khả năng lây nhiễm sau 30 phút nhưng không còn sau 1 giờ nữa.

Các nhà nghiên cứu đã báo cáo điều này trên trang bioRxiv trước khi được đánh giá đồng cấp.

Phần lớn vi rút SARS-CoV-2 lây truyền qua các giọt đường hô hấp trong không khí. Đồng tác giả nghiên cứu, Leo Poon thuộc Đại học Hồng Kông, cho biết: “Mặc dù việc lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 qua tiếp xúc với các bề mặt là ít phổ biến hơn, nhưng nghiên cứu mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vệ sinh tay và làm sạch trên các bề mặt mà những người khác nhau thường xuyên chạm vào. Với các bề mặt và môi trường bị ô nhiễm bởi bệnh nhân COVID-19, nên làm sạch đúng cách".

Nhà Trắng: BA.2 đã lưu hành ở Mỹ một thời gian

Nhà Trắng cho biết BA.2 (còn gọi là biến thể Omicron "tàng hình") đã được lưu hành ở Mỹ một thời gian, với khoảng 35.000 ca vào thời điểm hiện tại và cần nhiều tiền hơn để giúp chống lại nó.

Người phát ngôn Nhà Trắng - Jen Psaki cho biết các công cụ mà Mỹ có, bao gồm vắc xin và thuốc men, đều là những thứ hữu hiệu để chống lại BA.2.

"Chúng tôi cần thêm nguồn tài trợ COVID-19", Jen Psaki nói, đề cập đến yêu cầu của Nhà Trắng về việc xin thêm tiền từ Quốc hội.

"Một số chương trình, nếu chúng tôi không nhận được tài trợ, có thể đột ngột kết thúc hoặc cần phải tạm dừng và điều đó có thể ảnh hưởng đến cách chúng tôi có thể phản ứng với bất kỳ biến thể nào", bà nói thêm.

Bài liên quan
Phát hiện biến thể lai Omicron với Delta ở Mỹ và châu Âu
Các nhà nghiên cứu cho biết phiên bản lai của SARS-CoV-2 kết hợp gen từ biến thể Delta và Omicron (gọi là Deltacron) đã được xác định ở ít nhất 17 bệnh nhân Mỹ và châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
21 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
1/4 trẻ em bị COVID-19 kéo dài, Omicron vẫn lây nhiễm trên các bề mặt nhẵn sau 7 ngày