Trong số nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may, vải có lượng nhập lớn nhất, chiếm 45%. Với ngành da giày, nhập khẩu da tới 65-70%, vải 40%...
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm hơn 6.000 doanh nghiệp và gần 3 triệu công nhân. Tuy nhiên, do tính chất công nghiệp gia công tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, ngành dệt may phụ thuộc máy móc cũng như nguyên phụ liệu gồm: bông, vải, xơ, sợi…nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Cùng với dệt may, da giày cũng là ngành có lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu khá lớn.
Nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) mà Việt Nam nhập khẩu trong tháng 7 đạt 2,14 tỉ USD, tăng 4,3% so với tháng trước, qua đó đưa trị giá nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt 14,34 tỉ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại nhập khẩu chính cho Việt Nam với 6,66 tỉ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; Tiếp đến là Hàn Quốc với 1,78 tỉ USD; giảm 5,3%; Từ Mỹ với 1,48 tỉ USD, tăng 16,7%; từ Đài Loan đạt trị giá 1,37 tỉ USD, giảm 2,8%...
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết trong số nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, vải có lượng nhập lớn nhất, khoảng 45%.
Trong khi đó, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho biết hiện ngành này chỉ chủ động được 30-35% phụ liệu da, còn lại 65-70% là phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Phụ liệu vải thì nhập khẩu ít hơn, chỉ chưa đến 40% chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan và da tổng hợp nhập khẩu trên 50% từ Trung Quốc.
Từ nhiều năm qua, giày Việt Nam xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công cho nước ngoài (xuất gia công) và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam từng nêu quan điểm: "Chỉ khi ngành phụ liệu phát triển thì ngành sản xuất mới phát triển tốt. Doanh nghiệp các nước có ngành phụ trợ phát triển tốt khi đi đầu tư ra nước ngoài họ luôn tạo áp lực cho doanh nghiệp tại nơi họ đến".
Với phần lớn nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu đang đặt áp lực lớn cho ngành dệt may, da giày Việt Nam trong bối cảnh tham gia vào những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP... Bởi những hiệp định này đều đưa ra quy tắc xuất xứ tương đối nghiêm ngặt.
Cụ thể, CPTPP áp dụng nguyên tắc 3 công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên nằm trong hiệp định CPTPP.
Còn theo cam kết trong EVFTA, sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ, thỏa mãn 2 điều kiện là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU và việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU.
Tuyết Nhung