Với quê hương thì ghé phía nào cũng nợ. Trước tiên ai cũng nợ quê hương một cuộc sinh thành.
Bạn nuôi ong nói con ong Úc nó khỏe lắm, nó có thể bay được hàng năm bảy cây số. Nhưng nó cũng dễ thích nghi lắm. Nếu bạn để thau đường ngay cạnh tổ thì nó thà ăn đường hơn là bay đi xa. Những con ong nội địa thì yếu hơn, đường bay chỉ bằng nửa con ong Úc. Nhưng nó thà bay đường dài tìm hoa trong mùa mật hiếm hoi chớ nhất định không thỏa hiệp với những thau đường. Có những chuyến đi xa tới nỗi tối nó phải ngủ vật vờ đâu đó rồi sáng ngậm giọt mật đem về tận ổ, nhả được mật vào ổ rồi lăn ra chết. Mật hoa mật lá thiêng liêng kia đâu cứu sống được sinh mạng nó trong đường bay cảm tử. Đàn ong nội địa hiếm dần cũng bởi cái nết hoang dã cao cấp đó.
Bạn nuôi ong lại không muốn tập cho đàn ong nội địa của mình thích nghi như những con ong Úc, bạn cũng không muốn chứng kiến những con ong nhỏ nhoi bay xa hằng đôi ba cây số để tìm những giọt mật lạ có khi là mật độc trong mùa vụ hiếm hoa. Mỗi mùa bông tràm trên khu vườn quốc gia Tràm Chim không còn trổ nữa, bạn lại phải cho xe chở những thùng ong về những vùng có nhiều bông dừa.
Những cuộc di chuyển kỳ công. Làm sao để những con ong chúa vẫn yên trong thùng khi cả đàn chuyển mấy trăm cây số tới một khung cảnh hoàn toàn mới, nguồn mật cũng hoàn toàn mới. Bạn phải có bí quyết của một người yêu những đứa con bé tí của rừng xanh. Bí quyết có được từ những ngày cặm cụi thà để hàng trăm con ong chích mà không mặc áo mưa bảo hộ chỉ vì không muốn đàn ong bị kinh động bởi mùi hóa chất. Nửa năm đàn ong sống tạm ở vườn dừa, bạn phải tốn tiền trả công chăm sóc cho người chủ vườn và không thu hoạch được một lít mật ong nào.
Mùa tràm nở, đàn ong lại trở về cánh rừng của mình. Lượng mật thu hoạch từ những bông tràm tự nhiên cũng khiêm tốn và cố chấp như bản tính của những con ong nội địa. Nhìn những giọt mật óng ánh màu hổ phách, nghe trong mật hương phấn hoa đang mùa gợi bao thương cảm. Từng lít mật kia tích cóp từ bao nhiêu cuộc đời lửng lơ trên đôi cánh mỏng? Những kiếp sống đẹp đẽ cố chấp kia nào khác kiếp trời đày. Con người duy trì sự cố chấp cho đàn ong cũng tốn bao tâm huyết, bao mồ hôi cũng là một kiểu trời đày ngang vậy chớ có khác gì đâu.
Cố chấp có bao giờ sung sướng. Chúng ta thương cảm đời ong, thương cảm phận người nuôi ong mà có tự thương cảm chính mình? Bởi nết cố chấp kiểu trời đày nào ai đã vô can?
Tôi nhìn thấy chính tôi rất dễ dãi, rất hòa đồng trong nết ở nết sống, nhưng hàng mấy chục năm cứ ăn mãi một quán quen, uống mãi một loại nước, chải mãi một kiểu tóc hoặc thương mãi một miền quê mùa nước dẫu đó là cái mùa cơ cực nhất.
Tôi đụng phải những cơn cố chấp của những bà má Việt. Họ nặng lòng về những mùa Tết, bệnh tật cỡ nào cũng nhứt định phải về quê phát mộ ông bà, chuẩn bị nếp dừa, thịt trứng ngồi còm lưng gói bánh, nấu bánh hết cả thanh xuân. Tuổi già càng sợ bánh nếp nước cốt dừa thì người ta càng thèm cái không gian của những ngày gói bánh cho Tết nhất giỗ chạp.
Những bà mẹ đó bám quê cho tới ngày về với ông bà. Nếu buộc phải theo con về miền đô thị nào đó “dưỡng già” thì họ lại ráng lấy lòng hàng xóm để hưởng được chút không khí “tối lửa tắt đèn” có nhau, hoặc sau bữa cơm chiều có thể bắc ghế bên hàng ba tám đủ chuyện buồn vui trong nhà ngoài ngõ.
Những hình ảnh mang màu “cổ lổ sĩ” vốn dĩ đã lạc hậu lắm rồi, ngán ngẫm lắm rồi. Ngán tới nỗi phải bỏ xứ tha phương cầu thực đó thôi. Ngán tới nỗi trụ bất cứ nơi nào cũng được, miễn nơi đó cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng đi rồi là oằn oại nhớ và tranh thủ quay về. Nhiều khi lặn lội từ xứ sở giàu có nửa vòng trái đất về cũng chỉ để ăn bữa cơm “có gì ăn nấy”, để ngó lại gốc cây cũ, bụi cỏ xưa, nhìn lại cái cua quẹo quen thuộc của con đường nhỏ gần nhà.
Nhớ đến nỗi mà họ xúm nhau nhắn ở quê gửi cho họ những nhánh lan gié lúa, những bọc bánh ít trần, bánh dừa nước,... để mở những chợ quê giữa phố. Mỗi tuần sau những ngày văn phòng bàn giấy, họ được họp chợ chồm hổm, được ngồi gá lên cái rễ cây cầm muỗng tàu chuối vít những sợi dừa nạo kèm vài hột bắp hầm trắng nõn. Đẹp đẽ gì những góc nhỏ ước lệ cho một miền xa vắng? Bổ béo gì những món quê. Dinh dưỡng hay vị thuốc cần kíp tồn trữ trong những món ăn quý cỡ nào thì những sản vật xứ người đều chứa đủ. Nhưng người vẫn kỳ công lưu giữ góc quê.
“Chị có biết nhờ góc quê đó mà người đô thành được những phút giây buông bỏ” - Thằng em “hoài cổ” vốn dĩ có trong tay những máy ảnh đắt tiền, những món đồ chơi xa xỉ nhưng mỗi khi buồn nhất, nó ngồi lại với bất cứ thứ gì quê nhất gợi nhớ hồi lên bảy lên mười. Như một kiểu buông thực tại để du lịch về một miền quá khứ. Ở đó đứa nhỏ không còn trách nhiệm gì hết chỉ tung tăng ghé cái tiệm tạp hóa của bà chị, bà cô góa bụa cạnh bờ ao mua bọc bánh in vừa ăn vừa nhìn mấy thằng bạn leo cây chọc bầy ong lá. Cái hậu là cùng nhau bỏ chạy hoặc cùng nhau khóc hu hu khi ong chích sưng mặt sưng mày.
Một chút ước lệ nếp sống quê như điểm tựa để tâm trí có chỗ quay về.
Không phải về lại một bến sông, mà là về lại một nơi mình không sợ gì hò hét loạn cả ráng chiều. Không phải về lại một ngôi nhà mà là về lại thời anh em còn nhí nhố giận đó rồi vui đó. Về lại cái chái bếp có tô canh chua trái bần, trái bứa, trái khế của mẹ, của bà.
Nhớ nhung nơi nào đó nếu chỉ gắn với quen và vui thú thì người ta không đau khổ. Với cái miền “nội địa” người ta mang một nỗi nhớ cắt ruột và thắt thẻo tâm can.
Như kiểu người ta thương người thân trong cơn đau ốm hoạn nạn. Như kiểu người ta thương một người già, một đứa trẻ mong manh đói khát lạc loài. Thương ai đó là nợ ai đó dẫu chỉ một người xa lạ. Một món nợ vay tạm tự kiếp nào. Không cần đòi vẫn đạp bằng mọi khó khăn mà trả.
Nợ do trời phân định là vậy. Với quê hương thì ghé phía nào cũng nợ. Trước tiên ai cũng nợ quê hương một cuộc sinh thành. Nhưng sao miền quê “ngoại địa” người ta có cảm giác nợ ít thiết tha, ít cuồn cuộn nhớ nhung hơn miền “nội địa”. Làm như quê càng nghèo cái nợ càng lớn. Cũng phải, “người ta” nghèo mà “người ta” còn nuôi nấng cưu mang mình, nghĩ coi cái nợ nó lớn dường bao.
Quê nghèo trong dáng dấp của những người chân chất chia ngọt sẻ buồn, chia thương xẻ nhớ. Đó là khi cả xóm xúm lại lợp một mái nhà. Cái đám cưới một nhà mà cả xóm phải lo đồng áng vội vàng để còn đi tiếp đám đôi ba ngày, có khi nhiều hơn nữa. Tiếp từ khi dọn cái sân gom đệm gom lá dừa che cái rạp, đốn lá dừa dựng cái cổng, gánh một hàng lu nước cho nhà bếp. Tiếp cho tới khi xong đám trả bàn ghế chén bát nồi niêu. Đó là khi thấy đứa nhỏ ngồi hàng ba chờ má về nhà hàng xóm kéo qua nhà bới cho tô cơm, dẻ cho miếng cá.
Miền nội địa của thời quá vãng không thể tìm thấy được ở bất cứ một thắng cảnh hiện đại nào của thế giới. Miền nội địa còn là nơi không có chữ trầm cảm dẫu đói khổ nhọc nhằn. Trầm cảm gì nổi với những rau tươi và nắng hồng, với những cuộc cuốc cày đẫm mồ hôi và với những rổn rảng í ới nhau bên mé vườn, bên dòng sông lồng lộng gió. Sự sống đó thế giới đang tìm. Hỏi sao những người từng thấm đẫm nó không thắt ruột thắt gan hoài vọng. Họ dựng nên một chậu bông súng nho nhỏ, một mẻ húng quế một gốc chanh bên cái lan can chật hẹp giữa đô thành cũng là dựng chỗ vịn nho nhỏ cho trí nhớ có chỗ quay về.
Ngay những đứa trẻ mồ côi không được giáo dục về lòng yêu nước yêu quê thì họ vẫn thôi thúc tìm về miền “nội địa” nghèo rơi nghèo rớt. Cũng như con ong "nội địa" nợ những dòng mật tự nhiên. Thà bay đến gãy cánh hơn là gật đầu cùng dòng đường tinh luyện.
Thấy tội nghiệp cho những đọa đày. Giữa vô thường có cái gì trường tồn đâu mà lưu giữ chi cho cực công cực trí. Nợ tâm linh lớn ngang trời đất thiệt nhưng buông một cái nó sẽ tan biến cùng những hư vô. Tự mình cố chấp rồi tự mình đưa cổ cho trời đày chớ trời nào ép buộc. Đừng cố chấp nữa cho nhẹ lòng.
Tạo hóa không đừng một cái gì hết. Nếu sự sống cứ tuôn triệu triệu dòng chảy thì có một cái ao tù nước đọng tồn tại triệu năm cũng đáng mặt hổ phách lưu ly. Một đòn bánh tét chỉ để phục vụ duy nhất một con người thì đòn bánh tét kia cũng đáng được bảo tồn. Một ly rượu rẻ tiền chỉ để hư hao duy nhất một nhà thơ hạng bét thì ly rượu kia cũng đáng được kỳ công chưng cất.
Nếu con ong nội địa không cố chấp thì còn đâu những giọt mật trong lành. Nếu người nội địa thôi cố chấp thì cả thế giới hiện đại giống y nhau, còn đâu nữa những khác biệt văn hóa để những phía ngoài cuộc của nhau cất công lục lạo khám phá phía khác mình.
Thôi thì cứ thong thả thích nghi và hồn nhiên cố chấp. Tràm mỗi năm chỉ một mùa mật ngọt thơm. Mật đời thì ngoài mùa văn minh còn có mùa lạc hậu. Đều là những lá những hoa để cho sự sống luôn được rộn ràng, đúng sứ mệnh ngu si lẫn tinh anh của nó.