Hào quang sân khấu có thể đến và đi như ‘sương khói’, tuy nhiên nó đủ sức giúp một người nhận ra những bản ngã khác nhau trong họ. Tiểu thuyết ‘The Ruins’ (‘Tàn tích’) của nhạc sĩ kỳ cựu người Anh Mat Osman phản ánh nhiều trăn trở, thăng trầm ông từng trải xoay quanh sự nổi tiếng. Bên cạnh đó là hàng loạt đổi thay mang tính thời cuộc Osman chiêm nghiệm được về văn hóa đương đại.

Mat Osman và ‘tàn tro’ danh vọng của một ngôi sao nhạc rock

nhu y | 03/04/2020, 11:10

Hào quang sân khấu có thể đến và đi như ‘sương khói’, tuy nhiên nó đủ sức giúp một người nhận ra những bản ngã khác nhau trong họ. Tiểu thuyết ‘The Ruins’ (‘Tàn tích’) của nhạc sĩ kỳ cựu người Anh Mat Osman phản ánh nhiều trăn trở, thăng trầm ông từng trải xoay quanh sự nổi tiếng. Bên cạnh đó là hàng loạt đổi thay mang tính thời cuộc Osman chiêm nghiệm được về văn hóa đương đại.

Thời điểm ban nhạc rock Suede tan rã năm 2003, Mat Osman không rõ nên làm gì tiếp theo. Osman từng kiếm bộn tiền khi chơi guitar bass cho một trong những nhóm nhạc indie được yêu thích nhất nước Anh. Thế nhưng đến thập niên đầu thế kỉ 21, Suede dần cạn kiệt ý tưởng sáng tác. Cộng với việc lượng fan hâm mộ giảm đi, sức hút không còn như trước khiến trưởng nhóm Brett Anderson quyết định giải tán Suede. Mỗi thành viên ban nhạc bỗng chốc phải đối diện một tương lai mờ mịt.

“Tôi đã định trong đầu sẽ không liên quan gì nữa đến thị trường âm nhạc”, Osman chia sẻ, giữa lúc ngồi bên bàn bếp nhà ông tại khu West London, trong một sáng tháng giêng đẹp trời năm nay. Trò chuyện cùng phóng viên HuckMag, ông nói, “Ngành giải trígiống như một mớ hỗn độn cấu thành bởi tiền và sự nông cạn. Tôi từng bị kinh ngạc khi nhận ra, mọi thứ chỉ đơn thuần là công việc. ‘Âm nhạc’ không phải điều chính yếu đối với ngành kinh doanh âm nhạc, mà là yếu tố ‘kinh doanh’”.

Suede nay đã lên kế hoạch tái hợp. Nhóm đang tận hưởng giai đoạn ‘phục hưng’ kỳ diệu vốn khá ít ban nhạc tên tuổi được trải nghiệm. Sau ngày tái ngộ, họ ra mắt 3 album chất lượng, nhận về nhiều phê bình tích cực, cùng chuỗi show diễn mới đáng nhớ trên hành trình sự nghiệp.

Tuy nhiên, những năm tháng chìm đắm trong chán chường khi Suede tạm chia tay, vốn Osman dùng từ ‘thất bại’ để miêu tả - lại trở thành nguồn cảm hứng cho tựa tiểu thuyết đầu tay xuất sắc của ông, ‘The Ruins’ (‘Tàn tích’).

“Phần lớn nội dung sách lấy cảm hứng từ 6, 7 năm ròng tôi sống như một nhạc sĩ thất bại”, Osman bày tỏ. “Tôi cứ nghĩ, ‘Mình làm cái quái gì tiếp theo đây?’ Tôi chuyển từ - và đó là khoảng thời gian kinh khủng – ‘một ngôi sao nhạc rock’, sang một nhân viên văn phòng lái xe tải đi làm, chỉ trong vòng 1 tháng. Đó là trải nghiệm thú vị, và thông qua đó, tôi muốn tìm hiểu cách, liệu chúng ta có thể trở thành người hoàn toàn khác so với bản thân của trước kia. Liệu nó khả dĩ không?”.

Với ‘The Ruins’, Osman nghiên cứu mọi khả năng về sự thay đổi, thông qua cốt truyện giật gân phong cách trinh thám cổ điển, trong đó 2 nhân vật chính là một cặp anh em song sinh giống hệt nhau.

Ông lý giải, “Tôi có 2 đứa cháu gái sinh đôi, và quan sát bọn trẻ khiến tôi kinh ngạc. Cách chúng trải nghiệm thế giới bên ngoài khác xa người bình thường. Như thể bạn có một phần tâm hồn không thuộc về riêng bạn. Và tôi nghĩ điều lý thú nhất ở những đứa trẻ sinh đôi, nằm ở cách chúng dễ dàng thể hiện chỗ đứng riêng từ khi còn rất nhỏ. Một trong hai đứa luôn im lặng, kiệm lời, một đứa thì luôn nghịch ngợm, một đứa luôn tỏ ra lanh lợi hơn,.. dù trên thực tế, cả hai đứa trẻ giống hệt nhau về mọi thứ. Duy chúng được định hướng biểu đạt vai trò cá nhân như thế, và chúng làm quen với điều đó rất nhanh”.

Trong sách, một phía là Brandon: ngôi sao nhạc rock lụn bại và ích kỉ. Phía còn lại là Adam: một người đàn ông nhạy cảm, lập dị, có thói quen tự cách ly bản thân trong thế giới tưởng tượng hoàn mỹ viễn vong do anh dựng nên, nơi anh có thể đến và hòa mình vào. Cuộc sống tách biệt của cả 2 bất ngờ đan chéo vào nhau theo cách đầy khó tin, giữa lúc chẳng ai trong số họ chờ mong sự gặp gỡ lạ lùng này.

Có bao nhiêu phần trăm ‘Mat Osman’ trong những trang sách? Osman thẳng thắn đáp, “À, tôi không phải một nhà văn giỏi để mường tượng toàn bộ câu chuyện. Brandon chính là tôi, khi là một nghệ sĩ trình diễn. Tôi cư xử hệt như thế, ở tuổi 27, 28 – một kẻ khó ưa. Một trong những điều hứng thú nhất chính là được viết về một nhân vật hành xử cực kỳ ích kỉ. Với tôi, đấy gần như là toại nguyện một mơ ước”.

“Tôi cũng muốn viết về sự thay đổi tư duy để tự vệ. Brandon vẫn tin vào ban nhạc và ánh hào quang nghệ thuật, 4 gã nhạc công với chiếc guitar trên tay. Nhưng nó đã kết thúc rồi. Giờ đây Brandon chỉ là một nghệ sĩ vô danh đang già đi từng ngày, người mong mỏi mọi người xung quanh hiểu về âm nhạc của gã. Trong khi đó, tất cả họ đang phải đối diện thực tế xã hội của thế kỉ 21”.

Brandon, theo cách thật điềm nhiên, sẵn sàng bị mắc kẹt ở những năm 90, trong những vinh quang quá khứ nay đã lụi tàn.

Osman chia sẻ, “Một trong những thứ kỳ quặc nhất về kỉ nguyên truyền thông ngày nay là bạn có thể sống biệt lập trong ‘cái bong bóng’ danh tiếng riêng của bạn. Trong trường hợp của Brandon, bong bóng này khá lớn”.

“Danh vọng luôn đầy cám dỗ. Tôi từng ăn một ‘cái tát’ từ hiện thực khi chúng tôi đi lưu diễn, và tôi va phải một người lạ trong quán cà phê. Họ hỏi chúng tôi, ‘Suede tái hợp rồi sao?’ Giây phút ấy làm bạn chợt nhận ra, danh tiếng của bạn có thể đáng nói ở đây, nhưng trên phương diện văn hóa rộng hơn, nó chẳng là gì”.

‘The Ruins’ đồng thời tiếp cận vấn đề xây dựng mối quan hệ nhân sinh giữa thời đại mới, mà cụ thể thông qua chi tiết về những đoạn video chat – một bối cảnh hiện đại, khi màn ảnh thiết bị điện tử biểu trưng cho nhiều ẩn dụ đời sống.

Osman nói, “Tôi thường trò chuyện qua những màn hình lớn, và ở khía cạnh nào đó, người tôi trò chuyện trước mắt trông rất thật và sống động, nhưng cùng lúc đó, bạn luôn cảm thấy bị chia cách. Đôi mắt trên màn ảnh không ở đúng chỗ, bạn không biết chắc nên nhìn vào hướng nào… một loại gián đoạn kết nối. Đây là thứ tôi chủ đích khai thác trong tác phẩm: sự mất liên kết ở mỗi người, sự vị kỉ và cách chúng ta quen dùng màn hình để che giấu mọi thứ”.

Thông điệp ‘rời rạc’ hay ‘đứt gãy’ kết nối còn nằm ở những cách biệt địa lý. Và trong ‘The Ruins’, khoảng cách địa lý đóng vai trò kể chuyện quan trọng. Cặp đôi song sinh thất lạc nhau với một người sống tại London, người còn lại ở Los Angeles.

“Khi chúng ta tiến vào thế kỉ 21, những thành phố càng lúc càng trở nên giống nhau”, Osman nói. “Tôi muốn đặt bối cảnh câu chuyện tại London và Los Angeles vì đây là 2 thành phố tôi yêu.

London với tôi lúc này dường như trông méo mó và lạ lẫm. Điều thú vị là, nếu bạn không phải người bản xứ, bạn chắc chắn sẽ lạc lõng. Ở đây chẳng có gì rõ ràng, mạch lạc để chỉ dẫn ai cả. LA, ngược lại, vận hành gần giống một ‘cỗ máy’ với chức năng giao mọi thứ đến tận cửa nhà bạn. Mọi người luôn nhốt mình trong nhà, và không ai bận tâm chiêm ngưỡng những tòa kiến trúc”.

London trên trang sách của Osman đang thay đổi từng ngày. Năm 1999, khi ông dọn đến căn hộ phía Tây Bắc London, Osman vẫn nhớ những buổi gặp mặt của cộng đồng gốc Brazil, Jamaica và Ấn Độ trước mỗi sân nhà, cả khi tuyết rơi. Giờ đây, “nơi ấy chỉ còn những người như tôi, và chẳng ai buồn ra khỏi nhà nữa. Bạn có thể thử ra ngoài đi dạo, nhưng khung cảnh trông như một thị trấn chết. Không có ai xung quanh trừ những đứa bé và bảo mẫu của chúng”.

Với người anh em song sinh còn lại thì sao? “Adam là tôi của quá khứ, khi còn là một đứa trẻ”, Osman đáp. “Tôi thích ngồi một chỗ đọc sách, ngắm nghía mẫu đồ chơi, hay làm dự án nào đó của riêng tôi. Cả 2 nhân vật này đều là tôi, ở một góc độ phát triển logic”.

Osman nói thêm, “Cũng có rất nhiều dấu ấn Adam thừa hưởng từ em trai tôi (Richard Osman – người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của đài BBC, Anh). Richard dễ gần hơn tôi. Nhưng khi còn trẻ, cậu ta dành cả đống thời gian bên những bộ bách khoa toàn thư, nghiền ngẫm tra cứu chúng”.

“Ban đầu, tôi muốn viết về một người đàn ông bị ám ảnh bởi việc sở hữu một góc của thế giới, thứ giúp anh ta không cảm thấy bất lực, yếu đuối. Bởi anh ta có thứ gì đó của riêng mình, để có thể làm một vị vua trị vì nó. Adam có ‘vương quốc’ của riêng gã, như cách Brandon có ban nhạc. Nhưng sẽ ra sao nếu những thứ bạn nghĩ bạn kiểm soát được, bắt đầu vuột khỏi tầm tay?”.

Osman âm thầm hoàn tất ‘The Ruins’ trong những giờ nghỉ ngơi ngay khi đang ở giữa hành trình tour diễn. Và ông chỉ tiết lộ kế hoạch viết sách với em trai.

Thành viên lớn tuổi nhất cũng là người viết nhạc cho Suede, Brett Anderson, đã xuất bản 2 quyển hồi ký, được đánh giá cao khi lần lượt ra mắt năm 2018 và 2019. Liệu Osman có hứng thú thực hiện một tự truyện tương tự? “Tôi nghĩ không có ý nghĩa gì để làm thế. Ai muốn nghe về gã chuyên ‘vai phụ’ như tôi khi nhân vật chính của ban nhạc sắp ra mắt tựa sách mới? Một điều nữa là, tôi có trí nhớ rất tồi, trong khi Brett lại ghi nhớ mọi thứ,” ông cười, đáp. “Hoàn toàn không công bằng”.

‘The Ruins’ có lịch phát hành từ ngày 12.2.2020, xuất bản bởi Repeater Books (Anh), dưới định dạng sách giấy và eBook.

Như Ý (tin, ảnh: HuckMag)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mat Osman và ‘tàn tro’ danh vọng của một ngôi sao nhạc rock