Kỳ 30: Cà phê thức tỉnh nhân tình – Tâm thức Viên

T.N.L | 02/04/2020, 08:38

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là còn là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Cà phê và hàng quán cà phê có sự tương hợp đến lạ kỳ trong dòng chảy lịch sử và ước vọng hướng thượng của nước Áo tạo nên điều được gọi là “Tâm thức Viên”.

Bản thân Viên là thiên sử thi tráng lệ. Thiết lập vào thế kỷ 6 TCN, với tên gọi “Thành phố trắng” (Vindobona) bởi người Celtes, một hệ tộc Ấn - Âu. Từng là tiền đồn của đế chế La Mã, trấn ngự cương vực giữa Tây và Đông Âu. Sang thời kỳ hiện đại, Viên vang danh như là thành phố âm nhạc, thành phố của những giấc mơ và là trung tâm văn hóa của châu Âu.

Lịch sử văn hóa cà phê Viên có mối liên hệ chặt chẽ với chiến thắng giải phóng thành phố năm 1683. Sau khi phá trận bao vây của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, Viên trở thành cứ điểm trọng yếu trong quá trình cà phê thâm nhập vào Tây Âu. Cà phê và hàng quán cà phê thành Viên ra đời chứa chan trong mình những đặc tính lịch sử và địa dư ấy.

Từ quán cà phê đầu tiên, Viên đã nhiệt thành sáng tạo cách thưởng lãm cà phê phức hợp đồng thời hai tính chất đặc thù hết sức độc đáo. Đầu tiên là những loại loại cà phê được pha chế không đậm lắm, tương đối ngọt với khá nhiều sữa và kem tươi. Đặc tính thứ hai là những loại bánh ngọt đi kèm vô cùng phong phú. Bởi thế, cà phê Viên thường được phục vụ cùng đồ ngọt thành Viên (Viennoiseries hay Viennese pastries) bao gồm không dưới 30 loại bánh khác nhau từ đẳng cấp thượng lưu nhất là Original sacher-torte (bánh trộn kem cacao và hạnh nhân) cho đến bình dân nhất là Apfelstrudel (bánh nhân táo).

Hàng quán cà phê là một phần không thể thiếu trong kết cấu xã hội thành Viên. Với phong cách trang trí lộng lẫy và nhân viên phục vụ lịch sự, không gian quán cà phê trở thành nơi biểu trưng cho cuộc sống thời thượng, đáng để khao khát. Người dân thành Viên đến quán cà phê như quay về ngôi nhà thứ hai của họ - nơi họ thoải mái thể hiện quan điểm, ý tưởng sáng tạo mới và có thể ngồi ở đấy hàng giờ.

Chính trong chiều hướng ấy mà không gian hàng quán cà phê Viên thường chia thành nhiều loại hình khuôn viên. Nếu như loại hình “cà phê cờ vua”, “cà phê billard” là không gian thoáng đạt, bàn xếp liền kề để mọi người cùng tham dự những trận tranh tài; thì “cà phê thư viện báo”, “cà phê hòa nhạc”, “cà phê bánh” là những ốc đảo cho mỗi người có thể sống với thế giới của riêng mình. Từ đây, hai loại hình cà phê tiêu biểu cho “Tâm thức Viên” chính là phải khá lớn đủ để dung chứa mọi khuôn viên, hoặc phải trở thành chuyên biệt riêng cho một hoặc hai khuôn viên tương hợp, thường được gọi là “Vorstadt – Kaffeehaus”.

Những dòng hợp lưu của sự “bùng nổ văn hóa” ở Viên kể từ nửa cuối thể kỷ 19 làm tăng thêm tính chất đặc trưng của các hàng quán cà phê. Gần như liên tục nối tiếp nhau, biết bao cội nguồn của những tư tưởng và trường phái nhân văn lừng danh trong lịch sử đã khởi xuất từ Viên: Từ Phân tâm học của Sigmund Freud đến triết học ngôn ngữ luận lý của Ludwig Wittgenstein; Từ hội họa biểu tượng của Gustav Klimt đến đường nét phá cách của Egon Schiele và màu sắc diễn ngôn của Oskar Kokoschka; Từ phong trào ly khai trong hình thể kiến trúc của Josef Maria Olbright đến sự phá bỏ tính rườm rà trong trang trí của Adolf Loos; Từ lang thang trần giới trong thơ văn của Rainer Maria Rilke đến mộng du giữa ban ngày của Peter Altenberg và mơ về hình bóng con người của Robert Musil hay Gustav Meyrinck; Từ giữ lại hồn xưa của những dòng thơ đầy tiếng nhạc của Hogo Von Hofmansthal đến chẳng còn gì để hoài mong trong tự truyện Steafan Zweig,… Tất cả đều đã góp phần củng cố và phát triển những đặc tính bất hủ của hàng quán cà phê Viên.

Quả vậy, quán cà phê là nơi chốn chứa đầy “ẩn tích của chúa sơn lâm” (Vestigum Leonis). Rất nhiều tên tuổi tài danh đã chọn quán cà phê là “ốc đảo của bản thân”, khi thì là nơi tiếp bạn tâm giao hoặc thậm chí là nơi trú ngụ thường kỳ. Trong vòng gần 100 năm, từ giữa nửa cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, Viên đã hình thành một lớp văn nhân thức giả lớn mạnh gọi là “Caféinomane/ Coffee Addict” - người nghiện cà phê. Thuật ngữ này được hiểu theo ý nếu không có cà phê và hàng quán cà phê, thì không chắc đã có một lượng lớn tác phẩm của những danh tài ấy. Hay có thể nói, nhờ những sinh hoạt tại hàng quán cà phê ở Viên mà ý niệm “Nobilitas Litteraria” - sự quý phái thật sự phát xuất từ sự quý phái của tư duy đã được xác minh, làm nổi bật trội tính của hàng quán cà phê Viên. Cũng vì thế, hàng quán cà phê Viên vang danh là nơi chốn của điều được gọi là “Cultura Animi” - văn hóa của hồn người.

Đón đọc kỳ sau: Cà phê và tinh thần chiến binh của người hùng Franciszek Kulczycki

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 30: Cà phê thức tỉnh nhân tình – Tâm thức Viên