Để thấm cái tình của "Men tình ủ hồn say", thi sĩ bộc bạch rằng mình đã thao thức gần 20 năm để nay trình dâng đứa con tinh thần cho bạn đọc và người yêu thơ.

‘Men tình ủ hồn say’ của người xứ Huế

Võ Thế Nghĩa | 19/02/2022, 17:32

Để thấm cái tình của "Men tình ủ hồn say", thi sĩ bộc bạch rằng mình đã thao thức gần 20 năm để nay trình dâng đứa con tinh thần cho bạn đọc và người yêu thơ.

Men tình ủ hồn say là tác phẩm thứ 2 được nhà thơ Ngô Thái Dương (tên thật Ngô Phở, 58 tuổi, trú tại thôn Hải Bình, phường Thuận An, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc hôm nay 19.2, sau gần 20 năm ấp ủ.

z3194511010577_f15f6d2dff3850c22c6664b77f268cfc.jpg
Nhà thơ Ngô Thái Dương và tập thơ Men tình ủ hồn say

Ở nơi bờ cát trắng, ngày đêm chung sống với biển, Ngô Thái Dương dạt dào sóng gió và thơ của ông cũng mênh mông tình. Sau tập Tao mưa, ông nghén thơ đến nay tròn 16 năm. Khoảng thời gian đủ độ chín, đủ thấm say, để ông đưa tay bế đứa con thứ 2 Men tình ủ hồn say.

Cũng với lối văn độc lạ ngôn từ, đến tập thơ này nó càng bay, càng bốc hơn. Người ta viết thường nhuyễn câu chữ, Ngô Thái Dương không vậy, ông nhuyễn ý và trúc trắc vần, chuyển mạch đôi khi bất ngờ, người đọc cảm nhận mới nhận ra điều hay thơ ông.

z3194511018338_db97e2c7122d04a1154764bb886d83d7.jpg
Nhà thơ đang diễn ngâm tác phẩm của mình

Nghĩ về mẹ, ông viết: “Mẹ nhặt cọng rau vàng/quay mặt ăn”. Mẹ ông ăn rau vàng sợ con thấy mà ông cũng thấy điều mà mẹ cố giấu trong trái tim bát ngát thương con. Chỉ từng ấy thôi, cũng đủ thấy ông có cái nhìn sắc và dùng chữ kiệm lời làm người đọc xúc động hiểu ra cái nghèo của bà con miền biển thời niên thiếu của ông.

Trong Hồ mắt đáy vỡ: “Thôi hết rồi/mẹ nỡ đành sao/Cỏ mượt hoa thơm/mếu máo gào”. Ta thấy Ngô Thái Dương khóc mà không phải khóc thường, cả hồ nước mắt, đoạn cuối như tiếng nấc “công/sinh thành/cạn dòng báo hiếu/Hồ mắt/vỡ đáy/chứa cơn mưa”.

Cái lạ mà hay của thi sĩ trong thơ lục bát được thể hiện rõ nét ở bài Thiên hà nhãn lệ: “Sương tàn/nguyệt lạnh mưa rơi/ướt luôn tiềm thức/biết phơi phía nào/Tiếng lòng lạ lẫm nghiêng chao/ủ lên má lúm/thét gào kiêu sa/Đòi nhau/cuối hẻm tình ca/trói bằng nhãn lệ/thiên hà cũng say”. Ở đời thường trói buộc bằng dây, đây ông trói buộc bằng nước mắt mà làm say cả Thiên hà, lạ quá đi. Trong bài Pháo đài yêu cũng vậy: “Cô thôn nữ/tay bùn chân lấm/mắt ngấm ngầm/một pháo đài yêu… Ngày áo rách/quần vá/sắn độn khoai lùi/Tình không chùi cũng sáng”.

Trong Nén nhang lòng, ông đã lấy đi không ít nước mắt của người yêu thơ ông: “Ngày giỗ/nắng mơn man/Rọi vào lu nước/con soi bóng mình/Cứ tưởng bóng cha…/Nhớ núi/nén nhang lòng/lần theo dốc hiếu/chiều tắt lá mãi rơi…”. Ta lần lên dốc hiếu và tấm lòng hiếu thảo nguyên vẹn chất phác của Ngô Thái Dương.

z3194511011345_469a0ae40bc68b2978606acb0fc8dec9.jpg
Ông Lê Tấn Quỳnh - Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên-Huế phát biểu về thơ Ngô Thái Dương

Men tình ủ hồn say có câu “Nhất mãn phu tình nợ ái ân”, trong thơ ông, người phụ nữ phu đi phu về, dù mưa ngăn nắng cản, đó là thỏa mãn nợ ái ân. 107 bài, nhiều bài làm rung động lòng người, hiếm ai có thể nói ra hết điều hay và độc đáo lạ lẫm của Ngô Thái Dương.

Trao đổi với Một Thế Giới, nhà thơ Ngô Thái Dương chia sẻ, để có buổi ra mắt tác phẩm Men tình ủ hồn say như hôm nay, ông đã dành gần 20 năm ủ men tâm hồn trong cuộc sống đời thường, chiêm nghiệm qua từng miếng cơm manh áo cuộc đời mình.

“Hiện tại, ngoài viết thơ tôi còn sáng tác một số bài hát, dự kiến đến năm 2025 sẽ có ít nhất 10 ca khúc được công bố”, nhà thơ hé lộ.

Ông Lê Tấn Quỳnh - Chủ tịch Hội Hhà văn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, nếu như ở tập đầu tiên, cũng là bước chân đầu tiên, Ngô Thái Dương vào làng văn, vẫn còn thấp thoáng đâu đó sự bỡ ngỡ, hồn nhiên, thì đến tập thơ thứ 2 này, tác phẩm chủ yếu thể hiện sự trải nghiệm cuộc đời, và "phiêu" hơn. Phiêu hơn nghĩa là từng con chữ của anh đã thể hiện sự dấn thân hơn đối với cuộc sống, với mọi người bằng một tình yêu mãnh liệt, bằng những ngôn ngữ mới hơn.

“Bạn đọc không dễ nhận ra điều này nếu như không cùng thử đắm chìm vào từng con chữ của tác giả, không hiểu những tháng ngày vừa bôn ba trong cơm áo đời thường, vừa say sưa... làm thơ của nhà thơ. Sự sâu sắc, tinh tế và ngôn ngữ hết sức biểu cảm của tác giả đã đem đến câu thơ hay, đem đến những rung cảm tuyệt vời cho bạn”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Men tình ủ hồn say’ của người xứ Huế