Chỉ vài tháng sau khi liên minh quân sự do Mỹ chỉ huy bắt đầu ném bom xuống Baghdad, các đảng viên Dân chủ bèn chuyển sang chống Chiến tranh Iraq.
Giữa lúc thương vong và hỗn loạn gia tăng, báo chí bắt đầu đặt các câu hỏi mà đáng lý ra phải được nêu lên ngay từ đầu. Phong trào vận động quần chúng trỗi dậy đã đưa vị thống đốc ít tên tuổi của bang Vermont là Howard Dean vào vị trí thách thức các ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 như John Kerry, người đã bỏ phiếu ủng hộ tiến hành chiến tranh. Bài phát biểu ngắn của tôi trong cuộc mít tinh phản chiến hôm nào bất ngờ có vẻ mang tính tiên tri và bắt đầu lan truyền trên mạng. Các nhân viên trẻ của tôi đã phải giải thích cho tôi “blog” và “MySpace” có liên quan gì tới làn sóng tình nguyện viên trẻ và tiền quyên góp của quần chúng cơ sở đột nhiên ùa về.
Nói chuyện với cử tri trong những ngày đầu chiến dịch tranh cử, tôi có xu hướng nêu bật các chủ đề mà tôi vận động – chấm dứt giảm thuế cho các công ty chuyển việc làm ra nước ngoài, thúc đẩy năng lượng tái tạo, hoặc giúp các bạn trẻ dễ trang trải chi phí đại học hơn. Tôi giải thích vì sao tôi chống cuộc chiến tranh ở Iraq, ghi nhận công lao to lớn của các quân nhân nhưng đặt dấu hỏi về việc tại sao chúng ta lại khởi động một cuộc chiến mới trong khi chưa khóa sổ cuộc chiến ở Afghanistan, còn Osama bin Laden vẫn đang nhởn nhơ đâu đó.
>>=""> Miền đất hứa (kỳ 1): Barack Obama và hạt đậu thần trong túi
Dù thế, về sau tôi biết chú tâm lắng nghe hơn. Và tôi càng lắng nghe thì người dân càng mở lòng. Diễn thuyết của tôi dần bớt đi chuyện liệt kê lập trường quan điểm mà càng trở thành một biên niên sử của những tiếng nói đa dạng như thế, một màn đồng thanh của những người Mỹ ở mọi ngóc ngách của bang.
“Đây chính là vấn đề,” tôi sẽ nói đại loại như vậy. “Hầu hết người dân, dù từ đâu tới, dù vẻ ngoài thế nào, đều hướng đến một điều giống nhau. Họ không muốn giàu lên một cách bẩn thỉu. Họ không trông chờ một ai khác sẽ làm điều mà họ có thể làm cho bản thân.”
Vào ngày 16.3.2004, ngày bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, chúng tôi rốt cuộc giành được gần 53 phần trăm số phiếu trong cuộc chạy đua có tới bảy ứng viên – không chỉ nhiều hơn tất cả các ứng viên Dân chủ kia cộng lại mà còn nhiều hơn tổng số phiếu mà cử tri Cộng hòa khắp bang đã bỏ trong cuộc bầu cử sơ bộ của họ.
Tôi chỉ nhớ hai khoảnh khắc trong đêm đó: tiếng kêu ré hào hứng của hai cô con gái (với cô bé hai tuổi Sasha thì có lẽ pha chút hoảng sợ) khi súng bắn kim tuyến nổ trong tiệc chiến thắng; và lão Axelrod sôi nổi nói rằng tôi sẽ giành thắng lợi tại tất cả các nơi ngoại trừ một trong những khu mà người da trắng chiếm đa số tại Chicago, nơi từng là tâm điểm của hoạt động phân biệt chủng tộc chống lại Harold Washington.
Tôi còn nhớ buổi sáng kế tiếp, sau một đêm hầu như thức trắng, tôi xuống Ga Trung tâm để bắt tay hành khách đang trên đường đi làm. Tuyết bắt đầu rơi nhè nhẹ, những bông tuyết dày như cánh hoa, thế rồi khi mọi người nhận ra tôi và bắt tay, tất cả họ đều trông rạng rỡ giống nhau – như thể chúng tôi vừa cùng làm nên một điều bất ngờ vậy.
Khi chỉ còn năm tuần nữa là đến kỳ bầu cử, tôi đột nhiên không còn đối thủ nào.
Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì một thời gian biểu vắt kiệt sức, thường kết thúc công việc trong ngày tại Springfield rồi sau đó lái xe tới các thị trấn lân cận để vận động tranh cử. Trên đường trở về từ một sự kiện như vậy, tôi nhận được cuộc gọi từ ai đó trong đội của John Kerry mời tôi tới phát biểu một bài chủ chốt tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ sẽ được tổ chức tại Boston vào cuối tháng 7. Trong một năm đầy rẫy những điều không tưởng, chuyện này chẳng mảy may khiến tôi sửng sốt hay lo âu. Axelrod đề nghị huy động cả đội chung tay soạn diễn văn, nhưng tôi gạt đi.
“Để tôi thử làm xem thế nào,” tôi bảo anh ta. “Tôi biết mình muốn nói gì.”
Trong vài ngày tiếp đó, tôi dành thời gian viết diễn văn, chủ yếu là vào buổi tối. Tôi nằm ườn ra giường trong khách sạn Renaissance ở Springfield, giữa lúc một trận bóng đang sôi nổi trên ti vi, viết ra các ý nghĩ của mình lên tập giấy màu vàng. Ngôn từ xuất hiện nhanh chóng, một sự tóm lược về thứ chính trị mà tôi đã tìm kiếm từ những năm đầu học đại học và những tranh đấu nội tại đã tạo nên một hành trình tới nơi mà tôi đang đứng hôm nay. Trong đầu tôi vang lên những tiếng nói: của mẹ tôi, của ông bà tôi, của cha tôi, của những người dân mà tôi tổ chức vận động và những anh chị em cùng đi trên chặng đường tranh cử. Tôi nghĩ tới tất cả những người mà tôi từng gặp, những người có nhiều lý do để trở nên cay nghiệt và hoài nghi nhưng đã từ chối buông xuôi theo lối ấy, thay vào đó luôn vươn lên để đạt được một thứ gì đấy cao hơn, những con người luôn vươn lên để hướng tới nhau. Có lúc, tôi nhớ lại một cụm từ tôi từng nghe trong bài thuyết giảng của mục sư Jeremiah Wright, nó gói gọn tinh thần này.