Việc Cục Hải quan tỉnh An Giang đang chờ ý kiến của Tổng cục Hải quan mới cho phép nhập lúa từ Campuchia đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Trong khi đó ở những cửa khẩu khác ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang việc nhập lúa từ nước bạn chung đường biên giới lại đang khá nhộn nhịp.

Miền Tây nhập lúa từ Campuchia: Đồng Tháp, Kiên Giang sôi nổi nhưng An Giang vẫn phải chờ

Thanh Nguyên | 12/11/2020, 08:58

Việc Cục Hải quan tỉnh An Giang đang chờ ý kiến của Tổng cục Hải quan mới cho phép nhập lúa từ Campuchia đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Trong khi đó ở những cửa khẩu khác ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang việc nhập lúa từ nước bạn chung đường biên giới lại đang khá nhộn nhịp.

Nhọc nhằn nhập lúa

Phản ánh với Một Thế Giới một số DN chuyên kinh doanh lúa gạo ở An Giang cho biết họ đang có nhu cầu nhập lúa với số lượng rất lớn từ Campuchia. Và thực tế thời gian qua việc nhập lúa từ quốc gia này vẫn diễn ra sôi nổi tại các cửa khẩu ở Đồng Tháp và Kiên Giang. Tuy vậy, khi những DN này muốn nhập lúa qua các cửa khẩu ở An Giang lại gặp khó.

4.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia cho biết 10 tháng năm 2020 Campuchia đã xuất hơn 1,4 triệu tấn lúa qua Việt Nam - Ảnh: Hoàng Vũ

DNTN Chiến Thắng ở xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết họ đang có nhu cầu nhập hàng ngàn tấn lúa từ Campuchia vì giá lúa ở nước bạn hiện đang thấp. Ngoài ra còn do chính sách 0% thuế đối với mặt hàng này từ Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2019-2020. Thời gian qua DN này cùng nhiều DN khác ở các tỉnh miền Tây đều thuận lợi nhập hàng trăm ngàn tấn lúa từ Campuchia qua các cửa khẩu Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp), Giang Thành (Kiên Giang), Chàng Riệc (Tây Ninh).

“Việc nhập lúa từ Campuchia, các DN nhập khẩu sẽ cung cấp lúa cho các cơ sở xay xát, chế biến gạo để xuất ngược lại nước bạn, tạo việc làm cho lao động và thu được lợi lớn”, đại diện DNTN Chiến Thắng cho biết.

Để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% với mặt hàng lúa theo quy định DN nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan thẩm quyền của Campuchia cấp. Dù vậy với lúa, hạn ngạch nhập khẩu được quy định 300.000 tấn/năm giai đoạn 2019 và 2020.

Trong khi đó ông Veng Sakhon, Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia trong 1 buổi phát biểu trước báo giới vào cuối tháng 10 cho biết chỉ trong 10 tháng năm 2020 Campuchia đã xuất sang Việt Nam hơn 1,4 triệu tấn lúa.

Trước tình hình nhập khẩu lúa sôi nổi ở các cửa khẩu miền Tây, các DN nhập khẩu tin rằng con số trên phản ánh đúng thực trạng nhập lúa dù vẫn có khả năng một phần lúa được nhập bằng đường tiểu ngạch, thậm chí nhập lậu. Nhưng con số nhập bằng đường chính ngạch không thể dưới 300.000 tấn như quy định. Thực tế đến nay các cửa khẩu ở các tỉnh miền Tây có đường biên giới với Campuchia như Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang việc nhập khẩu lúa vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, các cửa khẩu ở tỉnh An Giang thì vẫn chưa đồng ý cho các DN nhập khẩu lúa. Một DN đang có nhu cầu nhập 10.000-20.000 tấn lúa từ Campuchia cho biết do DN này đã đầu tư bến bãi, cơ sở vật chất tại H.Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho nên nếu chuyển qua nhập lúa từ cửa khẩu khác thì sẽ rất khó khăn và tốn kém.

“Một số cửa khẩu khác bến bãi rất nhỏ nhưng mỗi ngày có đến hàng chục bạn hàng nhập lúa về thì sẽ không xuống hết. Trong khi đó ở cửa khẩu Tịnh Biên hiện có 2 bãi xuống hàng là Đông Dương và Nguyễn Việt Nghĩa thì lại để không vì hải quan chưa cho nhập lúa”, đại diện DN này trình bày.

Các DN trên cho biết nguồn lúa của họ khi làm thủ tục thông quan đều có C/O form E rõ ràng. Và khi nhập qua các cửa khẩu khác ở Đồng Tháp hay Kiên Giang đều được ưu đãi thuế đặc biệt là 0% theo quy định. C/O form E là có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc nhưng do Campuchia cấp. Đây là những ưu đãi về thuế khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc được ký kết.

An Giang chờ ý kiến của Tổng cục Hải quan

Trước phản ánh của các DN, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên - Lý Minh Hiền cho biết đơn vị này e ngại vướng hạn ngạch nhập lúa theo quy định nên đã có báo cáo vấn đề này về Cục Hải quan An Giang. Ngày 12.10.2020 Cục Hải quan An Giang có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Hải quan về việc vướng mắc hạn ngạch thuế quan theo quy định tại Nghị định (NĐ)153/2017.

Theo công văn này để thực hiện Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia ký ngày 26.2.2019 Bộ Công thương đã ban hành Thông tư (TT) 08/2019 ngày 26.6.2019 quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và thuốc lá khô có xuất xứ từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 và 2020. Chính phủ cũng đã ban hành NĐ92/2019 ngày 20.11.2019 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện thỏa thuận trên. Trong đó quy định việc nhập khẩu mặt hàng lúa gạo theo hạn ngạch thuế quan năm 2020 với số lượng quy ra là 300.000 tấn.

Theo TT08/2019 và NĐ92/2019 mặt hàng lúa để nhận được thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0% phải có C/O form S do Bộ Thương mại Campuchia hoặc cơ quan được ủy quyền cấp theo quy định của Campuchia.

NĐ92/2019 cũng quy định đối với mặt hàng lúa nhập khẩu vượt hạn ngạch thì số lượng nhập vượt hạn ngạch áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định trong NĐ156/2017 (NĐ này được Chính phủ ban hành để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018-2022), hoặc thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) theo quy định tại NĐ125/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ122/2016.

Tuy nhiên tại NĐ153/2017 lại quy định, đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan được chi tiết tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018-2022.

Mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy đinh của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu, số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công thương. Nhưng đến nay chưa có văn bản của Bộ Công thương hướng dẫn về hạn ngạch nhập khẩu theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc cũng như phân bổ số lượng hạn ngạch trong năm 2020.

Qua nghiên cứu các quy định Cục Hải quan An Giang thấy có phát sinh vướng mắc rằng, trường hợp DN nhập khẩu mặt hàng lúa từ Campuchia về Việt Nam có C/O form E (hàng có xuất xứ từ Trung Quốc-PV) do Campuchia cấp để được hưởng ưu đãi về thuế với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0% theo NĐ153/2017 có thuộc phạm vi điều chỉnh hạn ngạch theo TT08/2019 và NĐ92/2019 hay không?

Còn nếu trường hợp mặt hàng lúa nhập từ Campuchia về Việt Nam có C/O form E không thuộc phạm vi điều chỉnh hạn ngạch theo TT 08/2019 và NĐ92/2019 thì đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn về hạn ngạch đối với mặt hàng lúa để thực hiện theo NĐ153/2017.

Trao đổi với Một Thế Giới, ông Nguyễn Tấn Bửu - Phó cục trưởng Cục Hải quan An Giang - người ký công văn hỏa tốc trên cho biết đến nay sau 1 tháng phát đi công văn trên Tổng cục Hải quan vẫn chưa có ý kiến phản hồi. “Trong trường hợp này DN muốn nhập lúa thì phải đóng thuế đầy đủ. Sau đó, nếu Tổng cục Hải quan có ý kiến trả lời là không nộp thuế thì sẽ hoàn thuế lại”, ông Bửu nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Thanh Toàn – Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Tháp lại cho biết các cửa khẩu ở tỉnh này vẫn đang cho nhập lúa bình thường, chỉ cần DN có C/O theo quy đinh là có thể nhập khẩu lúa miễn thuế. Nếu không có C/O, DN phải chịu 40% thuế. C/O from S sẽ có hạn ngạch hải quan là 300.000 tấn lúa trong năm 2020.

Bài liên quan
Trao đổi cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Cà Mau
Sáng 24.4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị “Gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miền Tây nhập lúa từ Campuchia: Đồng Tháp, Kiên Giang sôi nổi nhưng An Giang vẫn phải chờ