Ít nhất 3 người chết, 3 người mất tích sau khi mưa lớn kéo dài và thủy điện xả lũ gây ngập nặng ở miền Trung và Tây Nguyên.

Miền Trung, Tây Nguyên thiệt hại lớn vì mưa lũ

Tuyết Nhung (tổng hợp) | 18/10/2021, 08:48

Ít nhất 3 người chết, 3 người mất tích sau khi mưa lớn kéo dài và thủy điện xả lũ gây ngập nặng ở miền Trung và Tây Nguyên.

Thiệt hại lớn về người và của

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết ngày 17.10, mưa lũ đã làm 3 người chết (Nghệ An 2, Hòa Bình 1) và 1 người ở Quảng Trị mất tích. Trong khi đó, theo báo cáo từ Thừa Thiên - Huế, tỉnh này cũng ghi nhận 2 người mất tích.

Nhiều tuyến đường ở miền Trung, Tây Nguyên bị ngập, sạt lở; nhiều sông ở khu vực này đã vượt báo động 3. Khoảng 705 hộ dân tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk phải đi sơ tán.

Một số làng ven sông Gianh của thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã bị ngập chiều 17.10. Nhiều bản làng ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch bị chia cắt.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, QL15, QL9B, Tỉnh lộ 559B sạt lở, ngập úng gây ách tắc giao thông. Hơn 18.000 hộ với gần 66.000 người cần di dời xen ghép và tập trung; 501 hộ với 1.903 người cần di dời khẩn cấp để tránh sạt lở đất.

Tại Quảng Ngãi, nhiều sông đang ở mức báo động 2, vượt báo động 2. Một số huyện miền núi như Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng của tỉnh đã xuất hiện lũ ống, lũ quét, nhiều điểm sạt lở khá nghiêm trọng.

Tại Đắk Lắk, mưa lớn đã khiến 151 căn nhà ở huyện Ea H’leo, huyện Ea Súp bị ngập, 124 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Toàn xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp đã bị chia cắt hoàn toàn... Về nông nghiệp, gần 1.000 ha cây lương thực tại Đắk Lắk bị ngập, cuốn trôi.

Thủy điện đồng loạt xả lũ

Mưa lớn kéo dài từ đêm 16 đến ngày 17.10 khiến các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế phải điều tiết xả về hạ du với lưu lượng lớn. Trong đó, thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ xả 2.200-2.600 m3/giây; hồ Tả Trạch 300-400 m3/giây.

Một số xã thấp trũng của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị ngập lụt, người dân đi lại bằng ghe thuyền. Ở TP Huế và huyện Phong Điền, các tuyến đường ngập đến 0,3 m. Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc ngập cục bộ, xe cộ chết máy nhiều. Mưa lũ cũng khiến 2 vợ chồng ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà mất tích khi đi đánh cá trên sông Bồ.

Tại Quảng Nam, lượng nước đổ về hồ thủy điện lớn buộc hàng loạt thủy điện như Đăk Mi 4, Sông Bung 4, A Vương phải xả lũ xuống hạ du. Trong ngày, có thời điểm 3 thủy điện trên xả xuống sông Vu Gia với lưu lượng hơn 5.000 m3/giây. Nhiều xã thấp trũng tại các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Duy Xuyên... đã bị ngập nặng. Chiều cùng ngày, mưa giảm hẳn, thủy điện cũng giảm mức xả lũ nên nước rút dần.

Tại Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã quyết định điều chỉnh xả nước hồ Kẻ Gỗ từ 5 giờ thay vì từ 9 giờ ngày 17-10 như kế hoạch. Việc hồ Kẻ Gỗ xả tràn và mưa lớn đã khiến nhiều khu dân cư và hệ thống đường giao thông một số xã như Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, Cẩm Duệ... ngập cục bộ.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay (18.10), do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên khu vực từ phía nam Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.

Đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tập trung ứng phó lũ

Trước tình hình trên, ngày 17.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký công điện của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định, các tỉnh Tây Nguyên, các bộ, ngành liên quan tập trung ứng phó với mưa lũ.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ"

Đặc biệt, rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp, trũng, ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020. Đồng thời, bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị thiếu đói, rét.

Các tỉnh tổ chức thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ, hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại.Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động, bất ngờ.

Bài liên quan
Mưa lũ miền Trung: 129 người chết và mất tích, thiệt hại 2,3 nghìn tỉ
Tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình chịu thiệt hại nặng với 106 người chết, mất tích, 133 người bị thương; 95,3 nghìn ngôi nhà sập đổ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miền Trung, Tây Nguyên thiệt hại lớn vì mưa lũ