Việc áp dụng mô hình nuôi “4 trong 1” gồm tôm, cua, cá, sò huyết... mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều nông dân ở Bạc Liêu “đổi đời” với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Mô hình nuôi '4 trong 1' mang lại hiệu quả cao cho nông dân

Trần Khải 15/03/2024 20:10

Việc áp dụng mô hình nuôi “4 trong 1” gồm tôm, cua, cá, sò huyết... mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều nông dân ở Bạc Liêu “đổi đời” với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Xã An Trạch A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) là địa phương có nhiều mô hình kinh tế rất hiệu quả như: nuôi lươn không bùn; nuôi cua đinh; nuôi chồn, dúi… góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đáng chú ý là mô hình nuôi kết hợp “4 trong 1” gồm tôm sú, cua biển, cá (cá nâu, cá đối, cá ngát, cá chẽm) và sò huyết đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân. Nhờ áp dụng mô hình này, nhiều hộ dân địa phương đã “đổi đời” với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

so.jpg
Nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm giúp cho nhiều nông dân ở xã An Trạch A "đổi đời" - Ảnh: T.K

Gia đình ông Lê Văn Tiến (ngụ xã An Trạch A) có 2ha đất nuôi trồng thủy sản. Trước đây, ông Tiến chủ yếu nuôi tôm, cua với nguồn thu nhập chỉ đủ ăn. Những năm gần đây, sau thời gian tìm tòi, đổi mới phương thức, ông Tiến mạnh dạn thả nuôi xen canh nhiều loại cá như cá nâu, cá đối, cá ngát, cá chẽm kết hợp thả ghép sò huyết. Từ khi áp dụng cách nuôi mới, nguồn thu nhập từ vuông tôm của gia đình ông Tiến tăng lên đáng kể.

“Mô hình nuôi này rất có lợi cho nông dân, tất cả những loại thủy sản thả nuôi xen canh đều có giá trị kinh tế cao. Mình thả nuôi nối tiếp và cứ thế thu hoạch đều đều, tháng nào cũng có tiền đút túi. Đặc biệt là nuôi sò huyết không bao giờ thua lỗ. Nếu phát triển tốt thì loại này có thể đem lại khoản lợi nhuận rất cao “1 vốn 4 lời”, tệ lắm thì “1 vốn 1 lời”, ông Tiến cho biết.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hoàng Phúc (ngụ xã An Trạch A) cũng trở nên khấm khá nhờ mô hình nuôi “4 trong 1”. “Nuôi sò huyết mình phải chú ý để tránh cua ăn sò lúc còn nhỏ. Mô hình này cho thu nhập đều đều, nếu con này chết thì còn có con khác gỡ lại nên không bị thua lỗ. Đặc biệt, nuôi sò huyết trong vuông tôm sinh lời rất cao. Từ khi tôi áp dụng nuôi theo mô hình này chưa bao giờ thua lỗ”, ông Phúc nói.

so-1.jpg
Người dân xã An Trạch A dùng lưới mành để nuôi sò huyết dưới vuông tôm - Ảnh: T.K

Theo ông Phúc, nguồn nguyên liệu sò giống hiện nay được bán phổ biến trên thị trường ở các tỉnh vùng ĐBSCL. “Kỹ thuật nuôi sò trong vuông tôm rất đơn giản. Mình chọn nơi đảm bảo lấy được nước ra vào thường xuyên để cải tạo môi trường thì con sò sẽ mau lớn”, ông Phúc cho biết.

Theo ông Phúc, thời gian thả nuôi vụ sò kéo dài khoảng 1 năm. Khi sò đạt trọng lượng khoảng 100 con/kg là có thể thu hoạch. Hiện giá sò huyết thương phẩm dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, giúp người nuôi có lãi cao.

so-2.jpg
Sò huyết loại 100 con/kg có giá bán khoảng 100.000 - 120.000 đồng - Ảnh: T.K

Ông Lê Quốc Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Trạch A cho biết, mô hình nuôi kết hợp “4 trong 1” trên địa bàn mang lại hiệu quả rất cao. Sắp tới, xã sẽ định hướng bà con thành lập tổ hợp tác để người nuôi có thể trao đổi kỹ thuật qua lại, góp phần nâng cao hiệu quả đối với mô hình này.

“Nuôi sò huyết trong vuông tôm mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ nhờ áp dụng mô hình này đã vươn lên khá giàu, mua thêm nhiều ruộng đất để mở rộng diện tích canh tác. Tuy nhiên, đầu ra của sò huyết thương phẩm hiện nay vẫn còn hạn chế, chủ yếu được bán ở thị trường nội địa nên giá thành chưa được như mong đợi. Chúng tôi sẽ đề xuất cấp trên tìm giải pháp gỡ khó cho con sò huyết để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Khải cho biết thêm.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình nuôi '4 trong 1' mang lại hiệu quả cao cho nông dân