Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã hình thành cách đây hơn thế kỷ. Hạt muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất của người dân địa phương qua nhiều thế hệ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng diêm dân luôn quyết bám nghề với hy vọng nghề muối rồi sẽ thuận lợi, phát triển bền vững.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Phát triển nghề muối theo hướng bền vững, ứng dụng máy móc và khoa học công nghệ

Trần Khải 15/03/2024 10:45

Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã hình thành cách đây hơn thế kỷ. Hạt muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất của người dân địa phương qua nhiều thế hệ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng diêm dân luôn quyết bám nghề với hy vọng nghề muối rồi sẽ thuận lợi, phát triển bền vững.

Loay hoay với điệp khúc "trúng mùa mất giá"

Hiện bà con diêm dân ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đang vào giai đoạn thu hoạch muối. Trên cánh đồng muối, tranh thủ thời tiết nắng đẹp, bà con tích cực thu gom muối để bán cho thương lái. Thời tiết tốt là điều kiện thuận lợi để hạt muối kết tinh nhanh. Theo đánh giá của bà con diêm dân địa phương, năm nay trúng mùa nhưng giá muối sụt giảm. Hiện muối được thu mua tại ruộng dao động từ 800 - 1.000 đồng/kg (giảm khoảng 200 đồng/kg so với đầu vụ).

2.jpg
Ứng dụng cơ giới trong sản xuất muối ở Bạc Liêu - Ảnh: N.D

Ông Hồ Văn Năm ngụ xã Long Điền Đông cho biết vụ muối này gia đình ông làm khoảng 1ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi, mùa mưa kết thúc sớm, nắng gắt nên việc sản xuất muối gặp nhiều thuận lợi. “Giá muối dù có giảm so với đầu vụ, nhưng diêm dân không quá lo lắng, bởi năng suất muối cao bù lại phần giá sụt giảm, diêm dân vẫn chấp nhận được. Bà con chỉ mong giá muối được bình ổn, giữ được giá như hiện nay là có thu nhập, yên tâm sản xuất”, ông Năm cho hay.

1.jpg
Thu hoạch muối ở đồng muối xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải - Ảnh: N.D

Mùa muối ở Bạc Liêu thường bắt đầu vào khoảng tháng 12 của năm trước và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Nghề sản xuất muối ở địa phương đã hình thành cách đây hàng trăm năm, giúp bà con ven biển có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, diêm dân không sống được bằng nghề muối nên nhiều người bỏ nghề. Từ đó, diện tích làm muối cũng dần bị thu hẹp, nghề sản xuất muối đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Theo người dân, nguyên nhân là thị trường tiêu thụ hẹp, giá thành thấp, chi phí sản xuất cao, khiến cho hạt muối Bạc Liêu không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

3.jpg
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng hạt muối - Ảnh: N.D

Ông Hồ Minh Chiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) sản xuất muối công nghệ cao Đông Hải chia sẻ: “Sản xuất muối hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nắng tốt thì được nhiều muối, ngược lại nếu gặp mưa trái mùa, muối tan thì phải làm lại từ đầu. Bên cạnh yếu tố thời tiết thuận lợi, vụ muối năm nay đạt sản lượng cao do diêm dân đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là cơ giới hóa một số khâu trong thu hoạch, vận chuyển muối”.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nên hộ anh Châu Mộng Đỉnh, thành viên HTX sản xuất muối công nghệ cao Đông Hải chỉ sử dụng 3 lao động phục vụ cho việc sản xuất 16ha muối thay vì khoảng 10 nhân công lao động theo kiểu truyền thống như trước đây.

Anh Đỉnh thông tin: “Chỉ riêng chi phí thuê nhân công, trước đây mỗi vụ muối tôi phải trả công khoảng 50 triệu đồng/người. Tuy nhiên, từ khi áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã giảm nhiều công lao động nên mỗi vụ tôi tiết kiệm trên 300 triệu đồng”.

4.jpg
Nghề làm muối ở Bạc Liêu - Ảnh: N.D

Theo anh Đỉnh, để áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch muối, diêm dân phải sản xuất muối theo mô hình công nghệ trải bạt, chi phí đầu tư bạt mỗi hecta là 700 triệu đồng. “Ưu điểm của sản xuất theo mô hình này là năng suất đạt rất cao, vì muối kết tinh nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch nên mình thu hoạch được nhiều đợt, nâng cao sản lượng”, anh Đỉnh cho biết thêm.

Mặc dù sản xuất muối theo hướng công nghệ mang lại hiệu quả cao, nhưng việc sản xuất muối theo mô hình trải bạt tại Bạc Liêu đến nay chưa được nhân rộng. Nguyên do chi phí đầu tư ban đầu quá lớn, khiến cho bà con diêm dân e ngại vì không đủ khả năng tài chính.

Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho biết toàn huyện hiện có 1.300ha ruộng muối, Đông Hải là địa phương trọng điểm về sản xuất muối của tỉnh Bạc Liêu. Qua khảo sát, trên địa bàn hiện chỉ có 7% diện tích sản xuất muối theo mô hình trải bạt. Để tháo gỡ khó khăn này, huyện Đông Hải đã kiến nghị ngân hàng đầu tư vốn, cùng với đó vận động diêm dân tham gia vào các tổ hợp tác, HTX nhằm tập trung nguồn vốn đầu tư.

Phát triển nghề muối theo hướng bền vững
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 1.400ha sản xuất muối. Nghề muối ở Bạc Liêu được hình thành và phát triển đến nay hơn 1 thế kỷ. Hạt muối Bạc Liêu không chỉ được nhiều người ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.

5.jpg
Vận chuyển muối đi tiêu thụ - Ảnh: N.D

Mặc dù nghề làm muối đã được công nhận chỉ dẫn địa lý, công nhận là nghề di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thế nhưng diêm dân địa phương hiện chưa thể đổi đời nhờ muối.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Nghề sản xuất muối tại Bạc Liêu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến cho môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm; việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế, chậm thay đổi; sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống; thiếu vốn đầu tư; thiếu các thông tin kỹ thuật mới.

Để bảo tồn, nâng cao hiệu quả nghề muối Bạc Liêu, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ 130 tỉ đồng cho đề án nâng cấp cánh đồng muối của tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, địa phương sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng cánh đồng muối. Các hộ dân nằm trong dự án sẽ được đầu tư điện, nâng cấp lộ, nạo vét thủy lợi, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hạt muối, giúp diêm dân ứng dụng công nghệ để tăng năng suất muối.

Đồng thời, tỉnh kêu gọi sự đầu tư vào lĩnh vực chế biến muối để xây dựng thương hiệu muối thực phẩm, muối dược liệu, quà tặng du lịch; xây dựng khu trưng bày muối, công cụ, phương tiện sản xuất muối và lịch sử hình thành ngành muối để kết nối du lịch.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói nghề làm muối ở Bạc Liêu đã trải qua hơn 100 năm với nhiều thăng trầm, hạt muối đã gắn bó với đời sống lao động, sinh hoạt, đã ăn sâu vào tiềm thức và lưu truyền qua nhiều thế hệ, “dù còn nhiều khó khăn, nhưng diêm dân Bạc Liêu luôn quyết tâm bám nghề với niềm hy vọng, nghề muối rồi sẽ khởi sắc trở lại".

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chủ trương của tỉnh là phải giữ và phát triển được nghề sản xuất muối truyền thống. Điều này được khẳng định thông qua việc phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, địa phương sẽ duy trì diện tích sản xuất muối 1.500ha, sản lượng đạt 66.000 tấn/năm.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hạng mục của đề án nâng cấp cánh đồng muối của tỉnh Bạc Liêu do Bộ NN-PTNT hỗ trợ, tỉnh Bạc Liêu đang quan tâm hỗ trợ các công ty muối đổi mới quy trình công nghệ để chế biến các sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh tập trung khai thác và phát triển thương hiệu muối ăn Bạc Liêu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với phát triển du lịch, xem đây là giải pháp nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững nghề muối Bạc Liêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển nghề muối theo hướng bền vững, ứng dụng máy móc và khoa học công nghệ