Dù mới được đề xuất nghiên cứu nhưng dự án trường đua ngựa trị giá 500 triệu USD ở Cần Thơ đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân miền Tây.

Mở trường đua ngựa 500 triệu USD tại Cần Thơ: Kỳ vọng lắm, quan ngại nhiều

Đình Tuyển | 21/07/2017, 05:31

Dù mới được đề xuất nghiên cứu nhưng dự án trường đua ngựa trị giá 500 triệu USD ở Cần Thơ đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân miền Tây.

Nếu dự án thực hiện thì đây không chỉ là một loại hình thể thao mới được phổ biến mà còn là một trung tâm giải trí quy mô bậc nhất ở ĐBSCL, thúc đẩy du lịch, dịch vụ… cho thành phố này. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng “đột phá” thì cũng có không ít quan ngại về tính khả thi của dự án…

“Mơ” cú đột phá cho thể thao, du lịch

Ông Phạm Văn Luận, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ hào hứng cho biết, đây là dự án không chỉ có trường đua ngựa tầm cỡ quốc tế mà còn cả một tổ hợp khu vui chơi giải trí, công viên nước, trò chơi cảm giác mạnh hiện đại và lớn nhất ĐBSCL.

“Nếu dự án được triển khai và đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ tạo ra một bước đột phá về thể thao kết hợp với du lịch, dịch vụ du lịch, thu hút khách trong nước quốc tế đến với Cần Thơ”, ông Luận phấn khởi nói.

Ông cũng kỳ vọng rằng, dự án được thực hiện bởi các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông nên khi hoàn thành có thể thúc đẩy việc mở đường bay thẳng nối Cần Thơ với Hồng Kông, Hàn Quốc. Ngoài ra, dự án còn hứa hẹn sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm cho người dân địa phương; trong đó sẽ ưu tiên cho người dân nằm trong vùng dự án được vào làm việc.

Trước đó, ngày 4.7, trong buổi làm việc cùng Liên doanh nhà đầu tư: SIBC Internatinonal Ltd Hong Kong; HCHR - Hong Kong (SPC); CHR group - Cần Thơ, KRA Hàn Quốc, về đề xuất thực hiện dự án Trường đua ngựa và khu liên hợp giải trí, du lịch Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã đồng ý để nhà đầu tư nghiên cứu dự án trong thời gian tối đa 3 tháng.

“Sau khi nghiên cứu đầy đủ mọi khía cạnh, chậm nhất đến ngày 4.10.2017, nhà đầu tư báo cáo lại cho UBND TP.Cần Thơ. Nếu nhà đầu tư thấy khả thi triển khai dự án thì TP sẽ hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục tiếp theo như xin chủ trương đầu tư từ Trung ương vì đây là dự án 100% vốn nước ngoài. Xin ý kiến của Trung ương là vì có vấn đề đặt cược...”, ông Thống nói.

Dự án trường đua ngựa dự kiến đặt trên trục đường Võ Văn Kiệt (đường nối trung tâm Cần Thơ với sân bay Cần Thơ, quận Bình Thủy), với tổng diện tích 150ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 500 triệu USD.

Dự án sẽ gồm 5 khu chức năng lớn là trường đua 50.000 chỗ ngồi, khu phụ trợ cho trường đua, khu vui chơi giải trí dành cho cả người lớn và trẻ em, công viên nước, khu nhà ở (nghỉ dưỡng) và cơ sở thể thao (dành cho các môn thể thao khác). Sẽ có 50 điểm đặt cược được bố trí trên cả nước; trong đó, miền Bắc 17 điểm, miền Trung 13 điểm và miền Nam 20 điểm.

Theo đại diện nhà đầu tư, dự án có tổ chức hoạt động đua ngựa có đặt cược vào 3 ngày mỗi tuần (thứ 6, 7, chủ nhật), từ 8 - 22 giờ. Mỗi ngày như vậy có từ 12 -16 cuộc đua. Người chơi từ 21 tuổi trở lên. Vé đặt cược từ 10.000 đồng đến 1 triệu đồng và mỗi ngày chỉ được mua tối đa 1 triệu đồng/người…

Nhà đầu tư dự kiến các lợi ích mà dự án mang lại là tạo ra khu vui chơi giải trí, du lịch, dịch vụ tầm cỡ châu lục, có sự quản lý của Nhà nước, tạo ra doanh số 50.000 tỉ đồng/năm, góp phần tăng trưởng GDP. Thu thuế khoảng 10.000 tỉ đồng/năm...

Không phân lô, bán nền

Ngay sau khi dự án được thông tin, bên cạnh những kỳ vọng cũng có rất nhiều những quan ngại về tính khả thi của dự án. Nhiều người nghi ngại, mục tiêu cuối cùng của dự án sẽ là kinh doanh bất động sản.

Một số ý kiến cho rằng: “Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung là vùng đất thấp, độ ẩm cao liệu có hợp để nuôi ngựa đua…?”; “Chuyện cá cược có thể dẫn đến những hệ luỵ là tệ nạn xã hội…”; “Không chỉ cá cược tại trường đua mà còn mở rộng ra các đại lý kết nối để bán vé và ăn chia nên không khí cờ bạc sẽ mở rộng.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, trước hết, nếu nhà đầu tư có ý định xây dựng nhà, phân lô bán ra bên ngoài thì chắc chắn không được. Thành phố chỉ cho phép nhà đầu tư lấy một phần đất làm nhà tái định cư cho người dân. Còn những mặt liên quan đến vui chơi giải trí, TP.Cần Thơ rất cần bởi nó gắn với định hướng phát triển du lịch của thành phố.

Trường đua dự kiến đặt tại đường Võ Văn Kiệt, tuyến đường nối trung tâm Cần Thơ với sân bay Cần Thơ

“Những hoạt động đó không chỉ phục vụ nhu cầu người dân mà còn đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến Cần Thơ. Hiện tại Cần Thơ vẫn có ít điểm đến, ít những nơi có thể giữ chân du khách. Dự án trường đua hoàn thành sẽ góp phần làm phong phú hơn các sản phẩm thể thao, du lịch ở Cần Thơ, giữ chân du khách và tăng nguồn thu cho du lịch, dịch vụ…”, ông Thống nói.

Ông Thống cũng cho rằng, sẽ có những vấn đều phát sinh theo khi dự án trường đua hình thành. “Quan ngại của người dân là có cơ sở nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận, trường đua hay cá cược là một nhu cầu phát triển. Vấn đề quan trọng nhất của thành phố là cần phải quản lý tốt, tránh suy nghĩ không quản được thì không làm”, ông Thống nói.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Đại diện chủ đầu tư SIBC Internatinonal Ltd Hong Kong tại Việt Nam cho biết thêm: “Trong dự án chỉ có phần nhà ở cho nhân viên làm tại đó, khách sạn cho khách du lịch nghỉ. Khu resort cho khách du lịch thuê ở, nghỉ dưỡng chứ không phải dự án bất động sản, phân lô bán nền”.

Ông Khánh cũng khẳng định: “Về khả năng thích ứng của ngựa là cực kỳ cao. Ở vùng lạnh hay nóng trên 40 độ C vẫn thích ứng rất tốt. Còn tại ĐBSCL, ngựa không phổ biến chẳng qua vì tập quán của người dân, vùng đất vốn nhiều sông rạch nhiều, từ xa xưa đi thuyền là chính”.

Theo kế hoạch của Liên danh nhà đầu tư, từ nay đến hết năm 2017, sẽ hoàn thiện các thủ tục xin phép đầu tư, bắt đầu 2018 - 2019 sẽ cố gắng hoàn thành trường đua ngựa và đưa vào hoạt động ngay. Các dự án khác như công viên nước, khu vui chơi sẽ thực hiện dần sau đó...

Theo đại diện chủ đầu tư, trường đua ngựa Cần Thơ sẽ có ít nhất 3.000 con ngựa đua. Khi trường đua đi vào hoạt động không chỉ thúc đẩy về thể thao, du lịch giải trí mà còn tạo ra một nền công nghiệp ngựa ở Việt Nam từ lai tạo giống, huấn luyện, chăm sóc, sử dụng… Đặc biệt còn kéo theo các dịch vụ chăm sóc, nghề trông rau, cỏ, cây thuốc cho ngựa… cho nông dân.

Thanh Đình
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở trường đua ngựa 500 triệu USD tại Cần Thơ: Kỳ vọng lắm, quan ngại nhiều