Khi Trung Quốc thay thế công nghiệp lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và ô nhiễm, các thiết bị thải loại sẽ được đẩy sang các nước khác. Các nước gần gũi về địa lý như Campuchia và Việt Nam sẽ là những điểm đến lý tưởng.

Mối nguy công nghệ thải loại từ ‘Made in China 2025’ của Trung Quốc vào Việt Nam

17/12/2018, 14:49

Khi Trung Quốc thay thế công nghiệp lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và ô nhiễm, các thiết bị thải loại sẽ được đẩy sang các nước khác. Các nước gần gũi về địa lý như Campuchia và Việt Nam sẽ là những điểm đến lý tưởng.

Trung Quốc đang xuất khẩu nhiều thiết bị công nghệ lạc hậu, ô nhiễm - Ảnh: Internet

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), năm 2000, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ là 2,9 tỉ USD. Đến năm 2015, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 22,5 lần, đạt trên 66 tỉ USD. Trung Quốc đã vươn lên và liên tục giữ vị trí đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Quan hệ thương mại đang có lợi cho Trung Quốc

Tuy nhiên, mối quan hệ về thương mại đang phát triển theo xu hướng có lợi đối với Trung Quốc. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (chỉ sau Mỹ), nhưng kim ngạch nhập khẩu lại rất lớn, khiến thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng mở rộng.

Theo đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu vẫn là nhóm hàng máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng (khoảng 50% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Với lợi thế là giá rẻ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhập máy móc thiết bị từ Trung Quốc, lấn át các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong nước và từ các thị trường nhập khẩu công nghệ cao khác.

Trong khi đó, xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đón đầu hiệp định TPP khiến cho việc mua sắm máy móc thiết bị từ Trung Quốc tăng nhanh.

Bên cạnh yếu tố giá, vấn đề về thiếu các quy tắc tiếp nhận công nghệ nhập khẩu cũng khiến cho việc nhập khẩu máy móc thiết bị về việt Nam trở nên dễ dàng hơn. Theo đó Việt Nam đang nhập khẩu một lượng lớn các trang thiết bị, máy móc với công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc.

Thâm hụt thương mại ngày càng nặng nề

Cũng theo Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia, kinh tế toàn cầu cũng còn khá nhiều rủi ro tiềm ẩn trong thời gian tới như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, gia tăng bảo hộ thương mại, sự thiếu chắc chắn về các chính sách kinh tế, xung đột chính trị có xu hướng gia tăng… có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh các mối quan hệ quốc tế nhằm tìm kiếm thị trường mới và các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.

Theo đó, với việc là một đối tác thương mại quan trọng trong nhiều năm, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy vậy, nguy cơ thâm hụt thương mại giữa 2 nước có nhiều khả năng ngày càng nặng nề.

Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc (2016) nhằm phối hợp đẩy nhanh các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường và tháo gỡ rào cản cho nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc. Đồng thời bổ sung thêm số lượng các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu hoa quả, nông sản tại khu vực biên giới giữa hai nước.

Tuy nhiên, cơ hội tăng xuất khẩu sang Trung Quốc quá nhỏ so với nguy cơ tăng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cùng với đó, Việt Nam cũng phải thực hiện các cam kết của mình trong Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA, 2004). Theo đó, 90% biểu thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thông thường có thuế suất bằng 0. Còn hàng hóa như động cơ, phương tiện vận tải, xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản phẩm điện tử, điện lạnh, dệt may, da giày… cũng được thực hiện theo lộ trình giảm thuế xuống còn 0-5% vào năm 2020.

Với việc thực hiện cam kết này, rất nhiều mặt hàng có thể được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế suất bằng 0, cạnh tranh trực tiếp đến các sản phẩm cùng loại trong nước.

Nguy cơ tăng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị vào Việt Nam là rất lớn, nhất là trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn phát triển hạn chế.

Mối nguy từ “Made in China 2025”

Trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục bành trướng kế hoạch “Made in China 2025” với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại với Việt Nam.

Điểm đáng chú ý ở đây là Trung Quốc muốn hướng đến quốc tế hóa sản xuất nhưng tập trung đến các ngành có chất lượng công nghệ cao.

Thực tế, dù được mệnh danh là công xưởng thế giới, nhưng ngành chế tạo của nước này chỉ dừng lại ở mức trung bình và thấp trong chuỗi giá trị, hàm lượng công nghệ của lĩnh vực chế tạo toàn cầu.

Như vậy, lợi nhuận ngành chế tạo phần lớn rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài và kế hoạch “Made in China 2025” chính là công cụ để Trung Quốc cải thiện tình trạng này.

Kế hoạch này đang tác động trực tiếp tới các nước, nhất là các nước đang phát triển xung quanh Trung Quốc. Một số ngành sản xuất hàm lượng công nghệ thấp, tập trung nhiều lao động từng một thời đóng vai trò quan trọng trong ngành chế tạo của Trung Quốc như dệt may, sản xuất thiết bị điện giá rẻ đã bắt đầu chuyển dời sang các nước khác ở châu Á, như: Campuchia, Myanmar, Bangladesh và Việt Nam.

Hơn nữa, khi Trung Quốc thay thế công nghiệp lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường, các thiết bị công nghiệp lạc hậu, thải loại sẽ được đẩy sang các nước khác. Các nước gần gũi về địa lý như Campuchia và Việt Nam sẽ là những điểm đến lý tưởng. Việc Việt Nam thiếu các tiêu chí phân loại công nghệ nhập khẩu dễ dẫn đến nguy cơ tăng nhập khẩu những mặt hàng này.

Trong khi đó, Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP giữa các nước ASEAN và 6 đối tác đã có hiệp định thương mại tự do với ASEAN (trong đó có Trung Quốc) sẽ nâng tầm thỏa thuận thương mại tự do, giảm bớt các rào cản thương mại, nâng cao tự do hóa thuế quan, giúp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam - Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ về thương mại trong khuôn khổ RCEP. RCEP là cơ hội cho Việt Nam mở rộng quy mô thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Ấn Độ tiềm năng. Việt Nam có thể tận dụng được việc giảm chi phí vận chuyển trong khối thay vì xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU…

Tuy vậy, việc tăng cường sản xuất hướng đến xuất khẩu trong bối cảnh nguyên phụ liệu đầu vào, máy móc trang thiết bị đang phải dựa phần lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ đẩy nguy cơ thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng cao.

Lam Thanh

Bài liên quan
Hãng robot hình người hàng đầu Mỹ tham gia cuộc đua công nghệ chạy bằng điện do Trung Quốc thống trị
Boston Dynamics, một trong những công ty robot hàng đầu thế giới, tuyên bố sẽ ngừng phát triển robot hình người chạy bằng thủy lực và thay vào đó tập trung chế tạo robot chạy bằng động cơ điện. Đây là phân khúc mà các hãng công nghệ Trung Quốc đang ngày càng thống trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mối nguy công nghệ thải loại từ ‘Made in China 2025’ của Trung Quốc vào Việt Nam