David Ulevitch là nhà đầu tư mạo hiểm mới nhất tham gia vào cuộc tranh luận về "công việc giả" trong ngành công nghệ.
Thế giới số

‘Một nửa nhân viên cổ cồn trắng của Google có thể không làm công việc thực sự nào'

Sơn Vân 19:42 07/05/2024

David Ulevitch là nhà đầu tư mạo hiểm mới nhất tham gia vào cuộc tranh luận về "công việc giả" trong ngành công nghệ.

David Ulevitch là nhà đầu tư mạo hiểm của Andreessen Horowitz, công ty nổi tiếng ở Thung lũng Silicon (Mỹ).

Trong cuộc phỏng vấn hôm 6.5, David Ulevitch gọi Google là "ví dụ tuyệt vời" về một tập đoàn tuyển dụng nhiều người làm "công việc vô nghĩa".

Ông nói: "Khi chúng ta (xã hội/nền kinh tế) ưu tiên các công ty và tập đoàn lớn thì các công việc không liên quan sẽ sinh sôi nảy nở. Bất kỳ ai làm việc trong một công ty có từ 10.000 nhân viên cổ cồn trắng trở lên đều biết rằng một số người có thể bị sa thải vào ngày mai và công ty sẽ không thực sự cảm thấy khác biệt, thậm chí có thể cải thiện với ít người can thiệp vào mọi thứ hơn".

Nhân viên cổ cồn trắng là thuật ngữ sử dụng để chỉ những người làm việc trong văn phòng, thường sử dụng kiến thức và trí tuệ để hoàn thành công việc. Họ thường được phân biệt với lao động chân tay (nhân viên cổ cồn xanh), là những người làm công việc thủ công, đòi hỏi nhiều sức lực thể chất.

David Ulevitch trước đây là Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp bảo mật web OpenDNS, được bán cho Cisco với giá 635 triệu USD vào năm 2015.

Ông nói thêm: "Tầng lớp quản lý chuyên nghiệp đang phát triển ở Mỹ, và quan trọng hơn nữa, sự nhận thức xã hội rằng những công việc đó thực sự quan trọng là một điểm yếu, không phải là điểm mạnh. Trong sự nghiệp của mình, tôi từng là một phần của tầng lớp này và điều đó thật tuyệt. Mọi người thực sự đối xử với tôi như là người rất ấn tượng và quan trọng khi tôi là Phó chủ tịch cấp cao tại Cisco. Vì vậy, tự nhiên tôi cũng nghĩ rằng mình quan trọng. Động lực này là phổ biến trong các tập đoàn nhưng thật tồi tệ".

David Ulevitch nói rằng một tác động khác là "sự suy giảm các doanh nghiệp nhỏ làm việc mạnh mẽ cho cơ sở sản xuất và công nghiệp nước Mỹ", khi những người trong các ngành này lão hóa ra khỏi lực lượng lao động và công việc được thuê ngoài nước. Những công việc này được xem là ít hấp dẫn hơn so với nhân viên cổ cồn trắng.

Ngoài ra, David Ulevitch cũng chỉ ra một hậu quả nữa: "Một vấn đề khác với tất cả các công việc vô nghĩa trong các tập đoàn lớn là lấy đi lợi nhuận từ các cổ đông, thường là những người về hưu hoặc đang tiết kiệm cho hưu trí thông qua các quỹ hưu trí được đầu tư vào cổ phiếu các hãng này. Vì vậy, những người đó không chỉ vô dụng (được an ủi để nghĩ rằng những công việc vô dụng thực sự quan trọng), mà còn đang lấy đi tiền từ chương trình hưu trí của lực lượng lao động còn lại".

Chưa hết, nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ 42 tuổi chỉ trích đích danh Google: "Tôi không nghĩ thật điên rồ khi tin rằng một nửa nhân viên cổ cồn trắng tại Google có thể không làm công việc thực sự nào. Công ty đã chi hàng tỉ USD mỗi năm cho các dự án không đi đến đâu trong hơn một thập kỷ và tất cả số tiền đó có thể được trả lại cho các cổ đông có tài khoản hưu trí".

Theo Daniel McKinnon, các nhóm tại Google có thể làm việc trên những dự án tương tự trong hàng thập kỷ mà không có sự can thiệp của lãnh đạo, McKinnon viết, chỉ ra Maps và Waze (hai ứng dụng GPS đều thuộc sở hữu của Google). "Điều này có thể mang lại hiệu quả với các nhà quản lý muốn theo đuổi tầm nhìn của họ về một sản phẩm với các nhóm tương ứng, nhưng cũng có thể gây khó chịu cho các quản lý tham vọng muốn xây dựng các sản phẩm đòi hỏi đội ngũ lớn hơn", anh viết.

Daniel McKinnon là Giám đốc sản phẩm tại Meta Platforms từ năm 2018 đến 2022. Sau đó, anh làm việc tại Google trong hai năm trước khi quay lại Meta Platforms vào tháng 2.2024 để làm việc trên kính thông minh Ray-Ban của công ty mẹ Facebook.

mot-nua-nhan-vien-co-con-trang-cua-google-co-the-khong-lam-cong-viec-thuc-su-nao.jpg
David Ulevitch cho rằng một nửa nhân viên cổ cồn trắng của Google có thể không làm công việc thực sự nào - Ảnh: Getty Images

Google không trả lời ngay lập tức khi được hỏi về bình luận của David Ulevitch. Khi được trang Insider liên lạc qua email, David Ulevitch phản hồi rằng: "Bình luận duy nhất là tôi nghĩ rằng đó là một trong những điều ít gây tranh cãi nhất mà tôi từng nói".

Các nhà đầu tư mạo hiểm khác cũng đã tham gia vào cuộc tranh luận về "công việc giả" và thừa nhân sự tại hãng công nghệ lớn những năm gần đây.

Doanh nhân Marc Andreessen, đồng sáng lập Andreessen Horowitz, đã chỉ trích "tầng lớp quản lý bằng laptop" và bình luận vào năm 2022 rằng: "Các công ty lớn giỏi thì thừa nhân sự gấp 2 lần. Các công ty lớn tồi tệ thì thừa nhân sự gấp 4 lần trở lên."

Keith Rabois, nhà đầu tư công nghệ và thành viên Mafia PayPal, năm ngoái cho rằng việc Meta Platforms và Google sa thải hàng loạt nhân viên là do điều này.

Ông nói: "Tất cả những người này đều là dư thừa, điều đó đã đúng từ lâu. Không có gì để những người này làm, tất cả đều là công việc giả. Bây giờ điều đó đang bị phơi bày. Những người này thực sự làm gì? Họ chỉ đi họp".

Mafia PayPal là một nhóm gồm các cựu nhân viên và nhà sáng lập PayPal - công ty thanh toán trực tuyến nổi tiếng. Nhóm này được biết đến với những thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm, được xem là một trong những nhóm có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghệ.

PayPal được thành lập vào năm 1999 bởi Peter Thiel, Max Levchin, Reid Hoffman và Elon Musk, phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất trong thời kỳ bong bóng dot-com. Năm 2002, PayPal được eBay mua lại với giá 1,5 tỉ USD.

Sau khi PayPal được eBay mua lại, nhiều nhân viên và nhà sáng lập công ty đã rời đi để theo đuổi các dự án mới. Nhóm này sau đó được biết đến với tên gọi Mafia PayPal vì nhiều thành viên của nó đã đạt được thành công vang dội trong lĩnh vực khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm.

Thomas Siebel, Giám đốc điều hành công ty C3.ai, năm ngoái cho biết Google cùng Meta Platforms đã tuyển dụng quá nhiều nhân viên và không có đủ việc để họ làm. C3.ai là hãng công nghệ tập trung vào phát triển và cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu cho doanh nghiệp.

“Họ thực sự không làm gì khi làm việc ở nhà. Nếu bạn muốn làm việc ở nhà, kiểu như mặc đồ ngủ cả 4 ngày trong tuần, thì hãy xin việc ở Facebook", Thomas Siebel nói.

Trong khi một số nhân viên công nghệ nói rằng "về cơ bản đã phải đấu tranh để tìm việc làm", những người khác cho rằng nguyên nhân là do quản lý kém, khi các ông chủ tuyển dụng quá mức và giao cho nhân viên những công việc vớ vẩn để khiến bản thân trông quan trọng hơn và đảm bảo được thăng chức.

Các hãng công nghệ như Meta Platforms và Google đã sa thải hàng nghìn nhân viên những năm gần đây với lý do muốn trở nên hiệu quả hơn.

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, tuyên bố 2023 sẽ là "năm hiệu quả" của công ty và bày tỏ sự không hài lòng với cấu trúc tổ chức phình to với toàn "người quản lý".

Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichai nói với nhân viên trong cuộc họp toàn công ty năm 2022 rằng "có những lo ngại thực sự rằng năng suất tổng thể của chúng ta không đạt được mức cần thiết cho số lượng nhân viên hiện có".

Bài liên quan
Microsoft, Google, Meta đặt cược vào dữ liệu fake để xây dựng mô hình AI: Ưu điểm và rủi ro
Các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu đang thử nghiệm một cách tiếp cận khác để đáp ứng nhu cầu dữ liệu vô tận của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Một nửa nhân viên cổ cồn trắng của Google có thể không làm công việc thực sự nào'