Một nửa số sông băng trên Trái đất, đáng chú ý là những sông băng nhỏ hơn sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

Một nửa sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này

Đan Thuỳ | 06/01/2023, 10:20

Một nửa số sông băng trên Trái đất, đáng chú ý là những sông băng nhỏ hơn sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

Các phát hiện mới đây được công bố trên tạp chí Khoa học đã cung cấp cái nhìn toàn diện nhất cho đến nay về tương lai của 215.000 sông băng trên thế giới. Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế phát thải khí nhà kính để hạn chế các hậu quả do băng tan như mực nước biển dâng và cạn kiệt nguồn nước.

Để giúp định hướng các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu đã xem xét tác động của 4 kịch bản đối với sông băng, trong đó nhiệt độ trung bình toàn cầu thay đổi lần lượt là 1,5 độ C, 2,0 độ C, 3,0 độ C và 4,0 độ C.

Giáo sư Regine Hock của Đại học Oslo (Na Uy), đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Mỗi độ tăng đều tạo ra nhiều sự tan chảy và mất mát hơn. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là nếu bạn giảm mức tăng nhiệt độ, bạn cũng có thể giảm tổn thất". 

https___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_230104120054-02-glaciers-melt-climate-change-sea-level-rise-intl.jpg

Ngay cả khi mức tăng nhiệt độ toàn cầu bị giới hạn ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, các nhà nghiên cứu ước tính rằng 49% sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100. Con số đó sẽ chiếm khoảng 26% khối lượng sông băng trên thế giới vì những sông băng nhỏ nhất sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện được ước tính sẽ tăng thêm 2,7 độ C, điều này sẽ dẫn đến sự biến mất gần như hoàn toàn của các sông băng ở Trung Âu, Tây Canada và lục địa Hoa Kỳ và New Zealand.

Giáo sư Hock cho biết: "Những khu vực có tương đối ít băng như dãy núi Alps ở châu Âu, Kavkaz, Andes hay miền tây nước Mỹ, chúng sẽ mất gần như toàn bộ băng vào cuối thế kỷ này, bất kể mức phát thải là gì. Vì vậy, những sông băng đó, ít nhiều chúng sẽ bị diệt vong". 

Trong trường hợp xấu nhất – nhiệt độ toàn cầu tăng 4,0 độ C – các sông băng khổng lồ như ở Alaska sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn và 83% sông băng sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này. Mất sông băng cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mực nước biển dâng cao. 

Giáo sư Hock cho biết: "Các sông băng mà chúng tôi đang nghiên cứu chỉ chiếm một phần trăm tổng số băng trên Trái đất, ít hơn nhiều so với dải băng Greenland và dải băng Nam Cực. Nhưng chúng đã góp phần làm mực nước biển dâng cao gần bằng với lượng băng ở Greenland và Nam Cực cộng lại trong 3 thập kỷ qua". 

Sự nóng lên 1,5 độ C sẽ dẫn đến mực nước biển trung bình tăng 9cm trong khi nhiệt độ cao hơn 4,0 độ C sẽ làm mực nước biển dâng 15cm.

"Nghe có vẻ không nhiều lắm, từ 9cm đến 15cm, nhưng mực nước biển toàn cầu không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nó chủ yếu liên quan đến nước dâng do bão, có khả năng gây ra nhiều thiệt hại hơn", Giáo sư Hock nói thêm. 

Sự biến mất của các sông băng cũng sẽ tác động đến tài nguyên nước vì chúng cung cấp nước ngọt cho khoảng 2 tỉ người. Vào mùa hè khi trời không mưa nhiều và thời tiết nóng, các sông băng đã bù đắp lại việc mất nước.

Bất chấp những phát hiện đáng báo động, Giáo sư Hock cho biết có thể giảm tổn thất hàng loạt bằng hành động của con người, tuy nhiên việc này phụ thuộc nhiều vào quá trình hoạch định chính sách và sự hợp tác của các chính phủ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một nửa sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này