Cuộc đua lên mặt trăng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt hơn và hai năm tới có thể xác định nước nào sẽ chiếm thế thượng phong.

Trung Quốc và Mỹ tranh giành ‘thế thượng phong’ trong việc chinh phục Mặt trăng

Hoàng Vũ | 02/01/2023, 14:25

Cuộc đua lên mặt trăng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt hơn và hai năm tới có thể xác định nước nào sẽ chiếm thế thượng phong.

Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể thiết lập chỗ đứng và cố gắng thống trị các địa điểm giàu tài nguyên nhất trên bề mặt Mặt trăng - hoặc thậm chí loại bỏ cả Mỹ.

“Đó là một sự thật: chúng ta đang trong một cuộc chạy đua vào không gian. Và đúng là tốt hơn hết chúng ta nên coi chừng họ việc kiểm soát Mặt trăng dưới chiêu bài nghiên cứu khoa học”, trang Politico dẫn lời ông Nelson.

nasa-6.png
Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson - Ảnh: MSN

Những bình luận của ông Nelson được đưa ra sau khi tàu vũ trụ Orion trong sứ mệnh Artemis I vừa hoàn thành chuyến bay 26 ngày quanh Mặt trăng. Điều rất có ý nghĩa với NASA, khi cơ quan này đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào chương trình Artemis nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng và chuẩn bị cho chuyến đi đến Sao Hỏa trong tương lai.

Tuyên bố trên cũng xuất hiện ngay sau khi quốc hội Mỹ thông qua ngân sách cả năm cho NASA. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ đã không nhận được tất cả các khoản tài trợ đã yêu cầu bao gồm gói ngân sách cho hai sứ mệnh Mặt trăng tiếp theo, Artemis II và Artemis III.

Lãnh đạo NASA Bill Nelson cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng nỗ lực quay trở lại Mặt trăng của Mỹ đang diễn ra theo đúng kế hoạch, đồng thời lưu ý đến khoản tài trợ của quốc hội cho chương trình Artemis. Quốc hội tuần trước đã phê duyệt 24,5 tỉ USD cho NASA trong năm tài chính 2023.

Ông Nelson cho biết, sứ mệnh mặt trăng tiếp theo, Artemis II, có thể diễn ra “trong vòng hai năm” và “hy vọng có thể đẩy nhanh tiến độ đó”. Artemis II có sứ mệnh đưa một phi hành đoàn vào quỹ đạo của Mặt trăng trong năm 2024. Sau đó, theo mục tiêu của Artemis III là đưa các phi hành gia lên Mặt trăng vào cuối năm 2025.

Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các chương trình vũ trụ hơn bao giờ hết, bao gồm cả việc mở một trạm vũ trụ mới gần đây của nước này. Bắc Kinh đã công bố mục tiêu hạ cánh phi hành gia trên Mặt trăng vào cuối thập kỷ này.

Vào tháng 12, chính phủ Trung Quốc đã xác định tầm nhìn cho những nỗ lực đầy tham vọng hơn như việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong không gian và tạo ra một hệ thống quản lý không gian.

Các chuyên gia nhận định, bất kỳ sự chậm trễ hoặc rủi ro đáng kể nào trong chương trình của Mỹ, vốn đang dựa vào một loạt hệ thống và thiết bị mới vẫn đang được phát triển, có thể có nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc. Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã tung ra một loạt tàu đổ bộ và tàu tự hành để thu thập các mẫu vật từ Mặt trăng hay sao Hỏa.

Quân đội Mỹ, vốn cũng bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về việc Trung Quốc phát triển các hệ thống vũ trụ có thể đe dọa các vệ tinh của Mỹ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác động an ninh đối với các hoạt động thâm nhập của Bắc Kinh vào không gian sâu.

“Hoàn toàn có khả năng họ có thể bắt kịp và vượt qua chúng ta, hoàn toàn có thể. Tiến bộ mà họ đã đạt được thật đáng kinh ngạc – nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc”, Trung tướng Lực lượng Không gian Mỹ Nina Armagno cho biết vào tháng trước (12.2022) trong chuyến thăm Úc sau khi Trung Quốc phóng thành công phi hành đoàn thứ 10 lên trạm vũ trụ Thần Châu.

Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) trước quốc hội cũng đã nhấn mạnh một loạt bước nhảy vọt gần đây đối với chương trình không gian của Trung Quốc. Tài liệu trích dẫn khả năng tiên phong của Trung Quốc không chỉ hạ cánh ở phía xa của Mặt trăng mà còn thiết lập một trung tâm liên lạc sử dụng vệ tinh. Báo cáo tiết lộ Trung Quốc đang cải thiện khả năng sản xuất các hệ thống phóng không gian để con người thám hiểm xa hơn vào không gian.

Terry Virts, cựu chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế và là đại tá trong Lực lượng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu cho biết, cuộc đua không gian Mỹ - Trung có các yếu tố chính trị và an ninh.

“Ở một mức độ nào đó, đó là một cuộc cạnh tranh chính trị để cho thấy hệ thống của ai hoạt động tốt hơn. Những gì Trung Quốc thực sự muốn là sự tôn trọng với tư cách là quốc gia hàng đầu thế giới. Họ muốn trở thành cường quốc trên Trái đất, vì vậy việc chinh phục Mặt trăng là một cách để chứng tỏ hệ thống của họ đang hoạt động. Nếu họ đánh bại chúng ta trong cuộc đua trở lại Mặt trăng, điều đó cho thấy họ giỏi hơn chúng ta”, ông Virts nói.

Cựu đại tá không quân Mỹ cảnh báo có những mối đe dọa thực tế mà Trung Quốc có thể gây ra trên Mặt trăng. “Trung Quốc có thể gây khó dễ cho Mỹ trên Mặt trăng. Ví dụ, nếu họ thiết lập cơ sở hạ tầng ở đó, họ có thể từ chối liên lạc. Có họ ở đó không làm cho mọi thứ dễ dàng hơn”, Virts cho hay.

Về phần mình, chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng những lo ngại về an ninh hay động cơ thực sự của Bắc Kinh là vô căn cứ.

Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết trong một tuyên bố: “Một số quan chức Mỹ đã phát biểu một cách vô trách nhiệm nhằm xuyên tạc các nỗ lực không gian bình thường và hợp pháp của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết bác bỏ những nhận xét như vậy”.

“Không gian bên ngoài không phải là sàn đấu. Việc khám phá và sử dụng không gian một cách hòa bình là nỗ lực chung của nhân loại và sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Trung Quốc luôn ủng hộ việc sử dụng không gian một cách hòa bình, phản đối việc vũ khí hóa và chạy đua vũ trang trong không gian, đồng thời tích cực làm việc hướng tới xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại trong lĩnh vực không gian”, ông Liu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng Washington và Bắc Kinh đang hướng tới một cuộc ẩu đả trên mặt trăng. Victoria Samson, Giám đốc của Tổ chức Thế giới An toàn ở Washington, tổ chức hoạt động vì mục đích sử dụng không gian cho mục đích hòa bình, lưu ý rằng Trung Quốc, giống như Mỹ, là những bên tham gia Hiệp ước ngoài vũ trụ, cấm các quốc gia đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với bất kỳ thiên thể nào, kể cả Mặt trăng.

Theo bà Samson, sẽ rất khó để bất kỳ quốc gia nào duy trì sự hiện diện lâu dài của con người trong không gian. “Điều đó có vẻ không thực tế. Nó sẽ vô cùng khó khăn”, bà Samson cho hay và đồng ý rằng, có thể có sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh về “các địa điểm hạ cánh và tài nguyên hạn chế” trên bề mặt Mặt trăng.

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc và Mỹ tranh giành ‘thế thượng phong’ trong việc chinh phục Mặt trăng