Chống tham nhũng không thể tách rời việc cải tổ hệ thống nhân sự. Báo Tuổi Trẻ, ngày 8.5.2018, đăng bài phỏng vấn ông Nhị Lê, phó tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, về đề tài này: “Mua được trăm người, sao mua được muôn dân?”. Bài viết này xin mượn tựa đề đó để trình bày các suy nghĩ tiếp theo, các dòng trong ngoặc kép được trích từ bài báo trên.

Mua được trăm người, sao mua được muôn dân!

11/05/2018, 08:11

Chống tham nhũng không thể tách rời việc cải tổ hệ thống nhân sự. Báo Tuổi Trẻ, ngày 8.5.2018, đăng bài phỏng vấn ông Nhị Lê, phó tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, về đề tài này: “Mua được trăm người, sao mua được muôn dân?”. Bài viết này xin mượn tựa đề đó để trình bày các suy nghĩ tiếp theo, các dòng trong ngoặc kép được trích từ bài báo trên.

Quyền lực được giao cho những kẻ không có đạo đức thì không khác gì thả rông thú hoang vào xã hội - Minh hoạ: nguồn internet

Những đề tài ông Nhị Lê đề cập, gợi mở, theo tôi, thực đáng trân trọng:

1) ”Yếu tố quan trọng nhất chính là minh bạch hóa đi liền với dân chủ hóa, đặt trong bối cảnh mới của cách mạng thông tin”.

2) “Minh bạch, công khai, dân chủ là con đường ngắn nhất để tiếp cận sự thật và nhận rõ sự thật”.

3) “Trong Đảng không chỉ là tự kỷ luật mà phải là kỷ luật thép, quốc pháp phải là tối thượng. Cùng với giáo dục đạo đức, không thể không có pháp luật nghiêm minh”.

Người có lòng phụng sự dân tộc và có tài năng đương nhiên rất cần sự minh bạch, công khai cho mọi người biết để mọi người ủng hộ tấm lòng và tài năng của họ. Người mưu đồ quyền lợi cá nhân hay dòng tộc, phe nhóm, người bất tài đương nhiên rất sợ sự minh bạch và ủng hộ sự mập mờ, gian dối, không công khai, ủng hộ sự mật hóa những thông tin và số liệu đáng phải công khai. Do đó, minh bạch hóa, công khai hóa thông tin chính là ủng hộ sự phát triển đất nước, dân tộc và phòng chống những thế lực ngược chiều với sự phát triển đó.

Kinh nghiệm quản lý xã hội, quốc gia của đa số các nước dạy rằng: minh bạch hóa cần có công cụ là tự do báo chí, tự do ngôn luận. Lý lẽ rất rõ ràng: chủ nhân của đất nước là dân chúng, họ dựng nên chính quyền để phục vụ cho họ, và dân chúng, chứ không phải chính quyền, mới có quyền quyết định vận mệnh đất nước. Không minh bạch hóa thông tin, số liệu cho dân chúng, làm sao họ có thể quyết định? Đó là nội dung của dân chủ mà chúng ta hướng tới, rất phù hợp với lời ông Nhị Lê: “minh bạch, công khai, dân chủ là con đường ngắn nhất để tiếp cận sự thật và nhận rõ sự thật”.

Tham nhũng không chỉ là tham nhũng tiền bạc, vật chất. Ông Nhị Lê cho rằng kinh khủng hơn là tham nhũng quyền lực chính trị. Nhiều trường hợp tham nhũng quyền lực chính trị một cách không cần giấu diếm mà ông cho rằng “không có liêm sỉ”. Phải chăng mức độ không có liêm sỉ của giới chính trị tỉ lệ nghịch với mức độ minh bạch hóa, công khai hóa, dân chủ hóa của xã hội?

Tham nhũng vật chất và tham nhũng quyền lực ở Việt Nam có quan hệ biện chứng với nhau. Tôi tin rằng khi Việt Nam thúc đẩy mạnh việc minh bạch hóa, công khai hóa, phát triển nền dân chủ thì sẽ đến lúc không còn hiện tượng thành phố này, thành phố nọ, tỉnh này tỉnh nọ, quận huyện này quận huyện nọ mà cả gia tộc gần xa có khi chục người nắm những vị trí then chốt! Thì Việt Nam cũng không còn những đại án tham nhũng và/hay thất thoát hàng trăm triệu, hàng tỉ đô la như đã và đang bị phanh phui!

Nhìn xa hơn, khi một nhóm tham nhũng nắm trong tay vừa quyền lực chính trị vừa quyền lực vật chất kim tiền, phải chăng sự thất thoát chỉ dừng lại trong phạm vi hàng tỉ đô la nội bộ người Việt với nhau?

Chính vì lẽ đó mà quan điểm của nhà báo Nhị Lê là “Trong Đảng không chỉ là tự kỷ luật mà phải là kỷ luật thép, quốc pháp phải là tối thượng. Cùng với giáo dục đạo đức, không thể không có pháp luật nghiêm minh”. Rất đồng ý với ông, khi đã nói quốc pháp là tối thượng nghĩa là không thể lấy kỷ luật nội bộ thay thế cho pháp luật. Điều này bao hàm ý mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật, khi một cá nhân vi phạm pháp luật là phải chịu pháp luật xử lý, không phân biệt giới tính, tôn giáo, thành phần chính trị...

Muốn quốc pháp là tối thượng cũng cần cơ quan xét xử độc lập. Kinh nghiệm truyền lại của ông cha ta “huyện bênh huyện, phủ bênh phủ” chính là nói sự cần thiết của tính độc lập của tòa án. Tính độc lập này bảo đảm tính công minh của xét xử, bảo đảm yêu cầu “không thể không có pháp luật nghiêm minh”, và cũng bảo đảm sự tin tưởng của dân chúng vào kết quả xét xử. Đó cũng chính là một trong những điều kiện phải có của một nền dân chủ mà chúng ta hướng tới.

Tựa đề của bài báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh: Mua được trăm người, sao mua được muôn dân! Chính vì không ai mua được muôn dân, nên dân chúng mới là người xứng đáng nhất làm trọng tài, phân xử đúng sai, hợp lý hay không. Do đó, mới cần minh bạch, công khai hơn nữa với dân, mới cần phát triển nền dân chủ.

Tôi nghĩ, càng phát triển nền dân chủ, Việt Nam càng dịch xa tình trạng “quyền lực được giao cho những kẻ không có đạo đức thì không khác gì thả rông thú hoang vào xã hội” (cách ví von của nhà báo Nhị Lê). “Thú hoang vào xã hội” thì người tài đức bị loại bỏ hay phải quay lưng. Do đó, dân chủ không chỉ giúp phòng chống nạn con ông cháu cha, nạn phe nhóm trong công quyền, mà còn giúp đất nước chọn được người tài năng, đức độ, tâm huyết sẵn sàng “ghé vai gánh vác giang san xã tắc”.

Tôi tin càng phát triển nền dân chủ, Việt Nam càng tiến nhanh chóng và mạnh mẽ. Ít nhất, trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam cần đặt mục tiêu phát triển nhanh hơn Trung Quốc, và phải nhanh hơn trong ít nhất vài thập niên! Chắc nhà báo Nhị Lê cũng đồng ý rằng việc rất cần thiết này nằm trong tầm với của Việt Nam.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua được trăm người, sao mua được muôn dân!