Theo nghiên cứu của Hội đồng Anh, người dân Việt Nam còn chưa nhận định đúng về trách nhiệm của mình trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa hoặc cho rằng đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thay đổi nhận thức và xác định con người, cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm phát triển.
Văn hóa

Muốn di sản sống, phải đầu tư cho con người

Theo Gia Linh/ TPO 02/12/2023 15:05

Theo nghiên cứu của Hội đồng Anh, người dân Việt Nam còn chưa nhận định đúng về trách nhiệm của mình trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa hoặc cho rằng đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thay đổi nhận thức và xác định con người, cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm phát triển.

Con người phải là trung tâm

Hàng trăm chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực di sản có mặt tại hội thảo chuyên đề Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững diễn ra tại Nhà Thái học, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 1.12. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Di sản Văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều - một chương trình của Hội đồng Anh nghiên cứu những cách thức sử dụng văn hóa địa phương để cải thiện cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh và Việt Nam.

Theo nghiên cứu Hội đồng Anh, người dân ở nhiều địa phương Việt Nam vẫn có suy nghĩ việc bảo tồn di sản văn hóa là điều “xa vời”, chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam khẳng định, đây là cơ hội để nhìn nhận, tìm ra những chiến lược phù hợp, chỉ ra những thách thức và cơ hội trong việc dùng di sản phi vật thể để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ trong quá trình chuyển biến này.

Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam trở thành một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. “Sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam. Với vinh dự hai lần trúng cử là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 và có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO sau khi được ghi danh”, bà Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) khẳng định, di sản văn hóa phi vật thể, hay “di sản sống”, tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục. Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người và giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương, cũng như với thế giới rộng lớn hơn.

disan.jpg
Cần lấy con người làm trung tâm trong bảo tồn di sản - Ảnh: Kỳ Sơn

Để bảo vệ di sản sống, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm, bởi bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản là điều quan trọng nhất để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai.

Thay đổi nhận thức

Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam đánh giá cao những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam đang có ngày càng nhiều di sản văn hóa được công nhận trong nước và quốc tế. Việt Nam cũng đang tìm cách tận dụng tối đa những giá trị này, đảm bảo rằng di sản văn hóa sẽ trở thành trung tâm của phát triển bền vững.

Bà Nikki Locke, Trưởng ban Dự án Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều của Hội đồng Anh toàn cầu cho rằng, cần có thêm sáng kiến để khuyến khích và thúc đẩy tinh thần tự nguyện hành động vì di sản văn hóa trong các cộng đồng. Việc thực hiện dự án nên ưu tiên tiếp cận nhóm người cao tuổi, trí thức trong các tộc người bởi họ là những người có sức ảnh hưởng lớn, đẩy mạnh truyền thông về vai trò quan trọng và năng lực của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa vốn thuộc về chính họ.

Chúng tôi cho rằng, nên tạo điều kiện cho người dân duy trì các hoạt động của họ ngay cả khi dự án đã kết thúc, nghĩa là gia tăng kinh phí để hỗ trợ các dự án trong quãng thời gian dài hơn so với các dự án đã tài trợ trong các năm qua,” bà Nikki Locke chia sẻ. Cụ thể, đại diện Hội đồng Anh toàn cầu đề xuất giải pháp thiết lập các bảo tàng mini tại cộng đồng - nơi trưng bày trang phục truyền thống, công cụ lao động, vật thể dùng cho nghi lễ, các nhạc cụ, các sản phẩm gia đình tự làm.

Bà Nikki Locke cho biết tại Anh, nhà nước thành lập Quỹ Di sản Văn hóa quốc gia. “Nguồn quỹ này rất lớn, có thể coi là nguồn quỹ lớn nhất. Ở Vương quốc Anh chúng tôi có những hoạt động hỗ trợ đặc thù trong mỗi khu vực với những đặc thù riêng liên quan đến văn hóa, di sản, văn hóa phi vật thể. Phải làm thế nào để có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện để chúng ta có thể đạt được hiệu quả cao nhất”, bà Nikki Locke chia sẻ.

Nguồn quỹ này đến từ nhà nước và dùng để thực hiện nhiều dự án khác nhau. Nguồn quỹ này là cơ hội lớn để cộng đồng tiếp cận và có được nguồn vốn cần thiết để bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản văn hóa mà cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản đó mong muốn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
6 phút trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn di sản sống, phải đầu tư cho con người