Bộ Tài chính Mỹ ngày 21.11 đã ban hành một lệnh trừng phạt mới với các công ty vận tải Triều Tiên và doanh nghiệp Trung Quốc có làm ăn với Triều Tiên. Động thái này diễn ra ngay sau khi Washington đưa Bình Nhưỡng vào danh sách nước tài trợ khủng bố.

Mỹ ban hành lệnh trừng phạt mới với các tổ chức Triều Tiên và Trung Quốc

Cẩm Bình | 22/11/2017, 09:58

Bộ Tài chính Mỹ ngày 21.11 đã ban hành một lệnh trừng phạt mới với các công ty vận tải Triều Tiên và doanh nghiệp Trung Quốc có làm ăn với Triều Tiên. Động thái này diễn ra ngay sau khi Washington đưa Bình Nhưỡng vào danh sách nước tài trợ khủng bố.

Ông Steven T. Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết: “Những quyết định này áp dụng với những công ty có quan hệ làm ăn với Triều Tiên mang lại doanh thu hàng triệu USD. Chúng tôi cũng trừng phạt các công ty vận tải lẫn tàu của họ vì đã tạo điều kiện cho hoạt động thương mại của Triều Tiên”. Theo Bộ trưởng, lệnh trừng phạt mới sẽ khiến Triều Tiên càng bị cô lập.

Trang Channel News Asia cho hay lệnh trừng phạt mới bổ sung thêm 1 cá nhân, 13 thực thể kinh doanh và 20 tàu vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Tài sản của những đối tượng này nằm trong thẩm quyền của Washington sẽ bị đóng băng, và các tổ chức của Mỹ cũng không được phép làm ăn với những đối tượng trong danh sách.

Tuyên bố đăng tải trên trang mạng của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy trong số các tổ chức bị liệt vào danh sách trừng phạt lần này có 3 công ty Trung Quốc là công ty Thương mại & Kinh tế Khoa Hoa, công ty Thương mại Hương Hà và công ty Thương mại Hoằng Đạt. Ba công ty tọa lạc tại thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh) và đã có hoạt động giao dịch thương mại trị giá hơn 750 triệu USD giữa Trung Quốc và Triều Tiên, theo trang Straits Times.

Ngoài ra, công ty Thực nghiệp Đông Nguyên (Đan Đông) và ông Tôn Tự Đông, người đại diện theo pháp luật của công ty này cũng bị cáo buộc cung cấp xe cộ, máy móc, định vị vô tuyến và “những thiết bị có liên quan đến lò phản ứng hạt nhân” với tổng trị giá 28 triệu USD cho phía Bình Nhưỡng.

Lưu trữ của Hải quan Trung Quốc cho thấy một đợt hàng của công ty Thực nghiệp Đông Nguyên xuất đi Triều Tiên năm 2016 - Ảnh: C4ADS

Công ty South-South Cooperation Corporation cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt. Bộ Tài chính Mỹ cho biết công ty này đã giúp đưa người Triều Tiên xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Chính quyền Washington cho biết họ đang cố cắt đứt nguồn tiền Bình Nhưỡng có được từ xuất khẩu lao động.

Ông Peter Harrell, chuyên gia của Trung tâm An ninh Mỹ mới, lệnh trừng phạt này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ tấn công trực tiếp vào lĩnh vực thương mại tiêu dùng hằng ngày của Triều Tiên.

Theo chuyên gia Harrell: “Điều chúng ta thấy ở đây là Mỹ đang trừng phạt những công ty liên quan với các hoạt động thương mại thường ngày. Đó là bước đi tiếp theo rất hợp lý của chiến dịch gây sức ép”.

Còn theo bà Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, các biện pháp trừng phạt này là một phần nỗ lực để cô lập Bình Nhưỡng hơn nữa. Bà không nghĩ rằng đưa thêm các công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt sẽ khiến Bắc Kinh bớt hợp tác với Mỹ trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Bà Nauert nhận định: "Tôi không cho rằng lệnh trừng phạt này gây hại tới bất cứ điều gì. Tôi cho rằng thế giới đang cùng hành động trong vấn đề Triều Tiên”.

“Chúng tôi đang có quan hệ tốt với Trung Quốc. Điều đó sẽ không thay đổi”, bà Nauert cho biết.

Trước khi lệnh trừng phạt mới được công bố một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định đưa Triều Tiên trở lại vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố của Mỹ. Ông Trump khẳng định đây chỉ là bước đầu trong một loạt những biện pháp của nước này trong 2 tuần sắp tới nhằm “gia tăng sức ép tới mức tối đa” với Bình Nhưỡng.

Quyết định của Tổng thống Mỹ sau đó đã được Nhật Bản và Hàn Quốc hoan nghênh.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 21.11 cho biết: “Tôi hoan nghênh và ủng hộ động thái này vì nó tạo ra áp lực với Triều Tiên”. Phía Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng mong rằng cách làm này sẽ giúp tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên diễn ra hòa bình.

Trong khi đó, phía Bắc Kinh cho rằng quyết định của ông Trump sẽ làm ảnh hưởng đến “tình hình rất bấp bênh” tại bán đảo Triều Tiên. Ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết nước này hy vọng các bên quay lại với con đường đàm phán và tham vấn để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa.

Về phía Triều Tiên, lãnh đạoKim Jong Un tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến tinh thần dân tộc trở nên mạnh mẽ hơn.

Cẩm Bình (theo Channel News Asia, Straits Times)
Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ ban hành lệnh trừng phạt mới với các tổ chức Triều Tiên và Trung Quốc